Mỹ thử nghiệm vắc xin chống Ebola trên người
Theo
CNN, đây là lần đầu tiên vắc xin chống
Ebola được thử nghiệm trên cơ thể người. Trước đó Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã kiểm tra và bật đèn xanh để bắt đầu thực hiện quy trình này.
Loại
vắc xin thử nghiệm này được phát triển bởi Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).
Những liều thuốc đầu tiên sẽ được thử nghiệm trên 3 tình nguyện viên khỏe mạnh để xem có bất kỳ phản ứng nào xảy ra không. Nếu như an toàn, loại thuốc này sẽ được đưa cho một nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh có độ tuổi từ 18 đến 50, để xem xét nó có tạo ra phản ứng miễn dịch với virus Ebola không. Những tình nguyện viên tới từ các quốc gia như: Anh, Gambia và Mali. Các chuyên gia cho biết họ không thử nghiệm ở các quốc gia đang bị đại dịch Ebola hoành hành do cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tại khu vực này không đủ điều kiện để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu.
|
Mỹ sẽ thử nghiệm vắc xin ngừa Ebola trên người. |
Loại vắc xin được thử nghiệm trong tuần này dựa trên một loại virus cảm lạnh có tên là an adenovirus. Trước đó, nó đã có những phản ứng tốt với tinh tinh. Tuy nhiên ông Fauci, giám đốc NIADI cho biết: “Đã có rất nhiều thứ bất ngờ xảy ra trong nhiều năm kinh nghiệm của tôi... bạn sẽ không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.”
NIH cũng thông báo sẽ thử nghiệm loại vắcxin này trên cơ thể người ở Anh, Gambia và Mali sau khi đạt được thỏa thuận với nhà chức trách các nước này. Ông cho biết không thể thử nghiệm vắcxin ở bốn nước có dịch Ebola là Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria vì hạ tầng y tế các nước này không đủ phát triển.
Phát hiện vi rút Ebola trong 30 phút
Các nhà nghiên cứu của Đại học Nagasaki (Nhật Bản) đã công bố một phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện vi rút Ebola chỉ trong 30 phút. Đặc biệt, theo Giáo sư Jiro Yasuda, trưởng nhóm nghiên cứu, phương pháp nói trên không những cho kết quả nhanh chóng mà còn không đòi hỏi phương tiện kỹ thuật cao cấp nên rất rẻ, phù hợp với điều kiện những quốc gia châu Phi đã hoặc đang trải qua dịch Ebola.
Cụ thể, các nhà khoa học chiết xuất ARN lấy từ mẫu máu bị nghi nhiễm vi rút Ebola (thông tin di truyền của vi rút này là ARN, không phải ADN), sau đó cho trộn lẫn với một chuỗi ADN đặc biệt ở ống nghiệm và đem hâm nóng ở nhiệt độ từ 60-65oC.
Chuỗi ADN nói trên có khả năng tự khuyếch đại nếu “bắt gặp” thông tin di truyền của vi rút Ebola, và ngược lại, ống nghiệm sẽ bị mờ. Như vậy, kết quả có thể phân biệt được bằng mắt thường.
Hiện việc xét nghiệm máu nhiễm Ebola chủ yếu dựa vào phương pháp phản ứng khuyếch đại gien (PCR), vốn yêu cầu phải có đủ thiết bị chuyên dụng để phân tích kết quả và thời gian phân tích từ 1-2 giờ.
Trong khi đó, phương pháp của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nagasaki chỉ đòi hỏi dụng cụ giúp hâm nóng ống nghiệm, có thể hoạt động nhờ pin và giá cả chừng vài trăm USD. Giáo sư Yasuda cho biết “rất vui lòng” tặng toàn bộ thiết bị xét nghiệm theo phương pháp mới cho những quốc gia bị dịch có nhu cầu.