|
Ảnh minh họa. |
Đậu rồng có tên khoa học Psophocarpus letragonolabus, loại cây sống nhiều năm, ưa leo giàn, nhân dân thường trồng ở vườn, góc sân hè, hoặc trong chậu, thùng đất. Đậu rồng trái ra thường xuyên, sử dụng quanh năm nếu được chăm sóc tốt.
Đậu rồng không chỉ là nguồn cung cấp rau sạch cho bữa ăn hằng ngày ở mỗi gia đình, mà còn là thức ăn bổ sung chất đạm, chất béo cao cho cơ thể. Đậu rồng sử dụng cũng đơn giản: Khi quả còn non hái về tước bỏ cuống, xơ cắt lát xào thịt, nấu canh, kho với cá, luộc chấm với nước mắm, hoặc cắt lát mỏng bóp dấm ăn sống như xà lách ăn ngon và bổ.
Theo dược tính hiện đại, hạt đậu rồng chứa tới 32 - 36% protit; 13 - 17 lipit; 26 - 33% gluxit, đặc biệt có chứa chất cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em (như các axit amin, lizin, metiomin, cystin). Lượng calcium cao tỷ số calcium/phosphor lớn nhất chứng tỏ sự hơn hẳn của đậu rồng so với đậu nành, lạc. Hoa, lá, củ cũng chứa nhiều chất đạm, chất béo và tinh bột có thể sử dụng làm rau ăn và thức ăn chăn nuôi gia súc.
Theo y hoc cổ truyền, đậu rồng có vị ngọt, tính mát, dùng chữa cho người suy nhược, mới ốm dậy, phụ nữ có thai, sau sinh ít sữa, người làm việc quá sức, thị lực kém, tai ù khó nghe. Kinh nghiệm người dân hay hái quả chín phơi lấy hạt, sao vàng, xay nhỏ chế thành dạng bột, kem, sữa... chữa bệnh suy dinh dưỡng người lớn, trẻ em, bệnh trẻ em bụng ỏng đói protein rất hiệu quả. Trái đậu rồng còn non xắt lát xao thịt bò, cho thêm tỏi, gia vị với liều lượng vừa đủ ăn nhiều lần chữa chứng huyết thiếu, tóc rụng, suy nhược cơ thể, lao lực...
Có thể nói, đậu rồng là cây có giá trị kinh tế cao. Hàm lượng protein trong hạt và bộ phận khác của cây cũng có nhiều, đều có thể làm nguồn thực phẩm cho người và gia súc đều tốt, biết chế biến và sử dụng là vị thuốc quý bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, đậu rồng còn là cây xanh che mát sân vườn. Nơi nào có điều kiện nên trồng sử dụng và cung cấp cho thị trường.