Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác minh thông tin trên sau khi có yêu cầu từ phía Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA).
|
Ảnh minh họa. |
Liên quan đến vụ bê bối thực phẩm dầu “bẩn”, FDA Đài Loan mới đây nhất đã phát hiện Công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân (Ting Hsin Oil and Fat Industrial Co) có liên quan đến sự việc
dầu ăn “bẩn”.
Điều đáng nói, phía FDA Đài Loan đang nghi ngờ, công ty trên đã nhập dầu mỡ nguyên liệu từ công ty TNHH Đại Hạnh Phúc Việt Nam để sản xuất dầu “bẩn”.
Bên cạnh việc liên hệ với các cơ quan chức năng của Việt Nam xác minh vấn đề này, FDA Đài Loan cũng đã tạm dừng tiếp nhận kiểm tra các sản phẩm dầu, mỡ lợn, bò từ Việt Nam, đồng thời đình chỉ việc mua bán sản phẩm dầu, mỡ lợn, bò nhập khẩu từ Việt Nam của công ty Dầu Công nghiệp Đỉnh Tân.
Trước đó, thông tin nhiều công ty ở Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp đã gây rúng động thị trường. Cảnh sát đã phát hiện 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc do một nhà máy không phép tại Bình Đông sản xuất và bán cho tập đoàn Chang Guann. Tập đoàn Chang Guann thừa nhận mua dầu mỡ từ nhà máy Bình Đông vào tháng 2 năm nay để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm khác, nhà hàng. Chang Guann là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thực phẩm có tiếng ở Đài Loan, chuyên cung cấp dầu ăn cho hàng trăm công ty sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng ở 22 thành phố, quận huyện.
Không chỉ có hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến cho tới loại dầu ăn tái chế từ dầu bẩn này lâu nay đã được sử dụng ở những nước khác, hoặc nhập dầu trực tiếp hoặc mua thực phẩm được chế biến bằng loại dầu này. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Đài Loan cho biết có tới hơn 1.200 doanh nghiệp địa phương sử dụng dầu bẩn do Tập đoàn Chang Guann sản xuất, trong đó có các công ty thực phẩm lớn của Đài Loan. Các sản phẩm nhiễm bẩn đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Việt Nam, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.
Cục An toàn thực phẩm Việt Nam đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam và phát hiện có sản phẩm chứa dầu bẩn.