Quần áo, đồ đạc đua nhau bốc mùi, mọc nấm
Khảo sát của Kiến Thức, tình cảnh khổ sở chống chọi với thời tiết mưa phùn, ẩm ướt xảy ra ở khắp nơi: từ khu dân cư cao cấp, chung cư hiện đại, nhà mặt đất, khu trọ sinh viên tới các công sở.
Anh Hoàng Thanh Bình ở Trung Liệt, Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: 10 ngày qua nhà anh lúc nào cũng trong tình trạng rối tung vì mưa và ẩm. Quần áo trong nhà đều được lần lượt lôi ra mặc hết vì quần áo bẩn giặt từ tuần trước đến giờ vẫn còn chưa khô.
|
Nhà chị Trang khổ sở vì trời nồm ẩm mưa liên tục. |
"Hai ngày nay, tất cả quần áo trong tủ đã được trưng dụng gần hết. Tối nào, vợ chồng tôi cũng mất vài giờ dùng máy sấy, sấy và là quần áo cho cả nhà mới mong có đồ mặc ngày mai. Thậm chí quần áo ẩm không khô, hết đồ mặc vợ tôi còn phải mượn tạm quần đùi của chồng mặc đỡ mấy ngày", anh Bình hài hước chia sẻ.
Chung tình cảnh gia đình anh Bình nhà chị Nguyễn Thanh Trang ở Trường Chinh, Hà Nội. Vì nhà không có chỗ phơi nên cả tuần nay nhà chị đều phải gom quần áo đi giặt khô mới mong có đồ mặc.
Chị Trang cho biết: "Nhà tôi trong diện giải tỏa để làm đường Trường Chinh, nhà cấp 4 xây được hơn 20 năm rồi tường bong tróc từng mảng vữa và nứt chẳng nứt chịt. Trời mưa dầm dề nhiều ngày, nên nước theo các kẽ nứt nhỏ tong tỏng vào nhà vì thế, sàn nhà lúc nào cũng nhớp nháp hối hám.
Cũng theo chị Trang, trời quá ẩm, mấy món đồ gỗ nhà chị lên mốc xanh, mốc đỏ. "Quần áo tôi mới mặc treo lên mắc để sát tường một ngày mà hôm sau cũng có dấu hiệu lên meo. Cái khung ảnh cưới của 2 vợ chồng tôi, còn lên lớp xanh lét vì ngấm ẩm quá lâu.
Sáng nay ngủ dậy tôi còn suýt chết vì điện giật. Do nước từ kẽ nứt tường chảy cả vào bảng điện tổng trong nhà, tôi ngủ dậy thò tay bật điện tự dưng bảng điện nổ lụp bụp liên hồi bốc khói mù mịt. Gọi thợ điện kiểm tra thì đường điện trong nhà cháy gần hết vì chập do nước chảy vào. Thật đáng sợ!", chị Trang than thở.
Thảm cảnh cũng không tha cho vợ chồng anh Nam chị Chi dù sống ở khu chung cư cao cấp bậc nhất Hà Nội ở quận Thanh Xuân.
Chị Chi chia sẻ: “Nhà tôi ở tầng 5 của khu chung cư, tuy cao vào thoáng hơn so với bên ngoài nhưng vẫn nồm ẩm như thường. Nền nhà lúc nào cũng ướt nhẹp, quần áo phơi nhiều ngày không khô. Quần áo phơi lâu nên khi mặc lên người cứ có mùi khăn khẳn rất khó chịu.
Để khắc phục tình trạng nồm gia đình tôi đã phải bật điều hòa và cả quạt sưởi liên tục. Tuy nhiên, vì diện tích nhà rộng, không phải chỗ nào cũng có điều hòa và máy sưởi nên tình trạng ẩm ướt vẫn không hề thuyên giảm”.
"Trong nhà đã thế ra ngoài còn khốn khổ hơn nhiều. Trời mưa, đường đầy bùn và trơn nên từ đầu tuần đến giờ tôi bị trượt xe ngã 2 lần rồi. Có lần đèo cả con gái, xe trượt đổ ngả cả 2 mẹ con. Cũng may là mẹ đi chậm, nên con bé ngã úp mặt xuống đường, chỉ xước một đoạn dài trên má chứ không có gì nghiêm trọng”, chị Chi than thở.
|
Trong 10 ngày đầu tháng 3, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận 180 trẻ nhập viện. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Trẻ đổ bệnh vì mưa phùn nồm ẩm
Tình trạng nồm ẩm mưa phùn được dự báo còn tiếp tục kéo dài đến hết tuần khiến nhiều người lo lắng cho sức khỏe của người thân đặc biệt trẻ nhỏ và người già trong nhà.
Với thời tiết mưa liên tục nhiều ngày, độ ẩm không khí quá cao, nền nhà, tường đều chảy nước, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển là những tác nhân khiến nhiều trẻ em đổ bệnh.
Các bệnh phổ biến trong tiết trời nồm, ẩm này là viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen và một số bệnh đường hô hấp khác. Thống kê trong 10 ngày đầu tháng 3, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận 180 trẻ nhập viện với các bệnh lý viêm đường hô hấp. Hầu hết các ca bệnh là dạng bệnh mãn tính, bệnh liên quan đến đường hô hấp trở nặng trong điều kiện thời tiết này, nhất là hen, viêm mũi dị ứng...
Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết nồm ẩm không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ ốm, sức khỏe người dân Hà Nội cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Các bệnh mãn tính như viêm mũi dị ứng, hen, lupus ban đỏ... chịu tác động của nhiều yếu tố trong đó có điều kiện môi trường. Việc tiếp xúc với độ ẩm cao khiến tình trạng viêm đang ủ trong người bị kích thích, bùng lên.
"Đặc biệt với trẻ nhỏ, bệnh do sự thay đổi thời tiết, phần lớn không quá nghiêm trọng nhưng gia đình vẫn cần chăm sóc bé đúng cách để phòng và hạn chế tình trạng bệnh kéo dài nếu bé đã nhiễm bệnh", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Miền Bắc mưa phùn đến bao giờ?
Theo tin tức từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo thời tiết trong những ngày tới, miền Bắc tiếp tục có mưa nhỏ rải rác, trời rét.
Cụ thể, phía Tây Bắc Bộ, từ ngày 10 đến ngày 13, nhiều mây, đêm và sáng có mưa nhỏ rải rác, riêng khu vực Tây Bắc mây thay đổi, phổ biến không mưa, trưa chiều có nắng. Gió nhẹ. Đêm và sáng trời rét.
Từ ngày 14 đến ngày 19, mây thay đổi, phổ biến không mưa, ngày nắng. Gió nhẹ.
Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, từ ngày 10 đến ngày 13, nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn. Gió đông đến đông nam cấp 2, cấp 3. Trời lạnh, riêng ngày 12 trời chuyển rét.
Từ ngày 14 đến ngày 19, nhiều mây, đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác trong ngày 14, ngày 15, sau có mưa nhỏ vài nơi, trưa chiều giảm mây, hửng nắng. Gió đông nam đến nam cấp 2, cấp 3.