Tử vong do ngộ độc gia tăng
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATTP cho biết, tính đến ngày 10/6/2014 cả nước ghi nhận 67 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.048 người mắc, 1.528 người đi viện và 24 trường hợp tử vong.
Theo thống kê chi tiết, trong 24 trường hợp tử vong trong đó, tử vong do nấm (12 người), độc tố tự nhiên của cóc là 1 người, độc tố tự nhiên của cá nóc là 1 người, độc tố tự nhiên trong so biển là 3 người, độc tố trong rượu ngâm củ ấu tầu là 2 người, độc tố tự nhiên trong ve sầu nhiễm nấm là 1 người, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô mốc là 3 người và 1 người chưa xác định được nguyên nhân gây tử vong.
Theo ông Phong, số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước trong những tháng đầu năm có giảm nhưng số mắc lại tăng, đặc biệt, số tử vong tăng 7 người so với cùng kỳ ngoái. So với các năm trước, năm nay các sự cố về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều ở khu công nghiệp, do thời tiết nóng ẩm thất thường, bảo quản thực phẩm không đảm bảo.
Cũng liên quan đến vẫn đề an toàn thực phẩm, tại buổi gặp mặt, rất nhiều người quan tâm đến việc ngày càng xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể tạo các khu công nghiệp, khu chế xuất, vậy nguyên nhân do đâu?
|
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc. |
Giải thích về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Phong cho biết, chi phí bữa ăn quá thấp, nguồn thực phẩm giá rẻ chính là nguyên nhân xảy ra tình trạng trên.
Theo đó, tại một số khu công nghiệp sau khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện độc tố tự nhiên trong cá biển chết, ôi; thức ăn nhiễm vi sinh do nguyên liệu chế biến kém chất lượng và bảo quản không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, bữa ăn với chi phí quá thấp, khoảng 10.000 đồng/suất, thậm chí có thời điểm chỉ 7.000 đồng/suất bao gồm cả lợi nhuận của nhà cung cấp, khiến nguyên liệu đầu vào phải mua rất rẻ, khó có thể là nguyên liệu an toàn.
Sẽ siết chặt hơn nữa việc quản lý sữa
Đó là nhận định của ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề các doanh nghiệp sữa dùng những "chiêu thức" như: thay đổi mẫu mã, tên gọi, thành phần sữa... để tránh việc bị kiểm soát.
Riêng về vấn đề mẫu mã, tên gọi, thành phần sữa … ông Giang cho biết, Cục đã lường trước các doanh nghiệp sữa dung những “chiêu thức” và đưa ra 2 tình huống doanh nghiệp có thể áp dụng.
Đó là vẫn sản phẩm, mẫu mã sữa như trước đây nhưng doanh nghiệp giảm bớt trọng lượng mà vẫn bán theo giá cũ hoặc thay đổi thành phần trong sữa hoặc doanh nghiệp vẫn để nguyên thành phần sữa như trước nhưng thay đổi tên sản phẩm.
Để đảm bảo cả về mặt chất lượng và quản lý, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập tổ xác minh các sản phẩm sữa hoặc sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Tổ này có nhiệm vụ phải xác định 2 tình huống trên có xảy ra hay không đối với các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không vi phạm Cục mới cấp phép.