Sức đề kháng - áo giáp cho sức khỏe
Sức đề kháng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, là vũ khí giúp kháng lại các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và các tác nhân gây bệnh khác. Khi sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch của cơ thể giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh.
Dễ thấy nhất là các loại bệnh do sự biến đổi thời tiết và môi trường bên ngoài như: mệt mỏi, ho, cảm cúm, sốt… Nhiều người chỉ cần thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, thậm chí mỗi lần đi ra nắng hoặc gặp mưa về là đã phát bệnh. Nguyên nhân phần lớn là do đề kháng yếu. Theo các nhà nghiên cứu, đề kháng yếu cũng dễ dẫn đến bệnh ung thư, sốt xuất huyết, lao, bạch hầu và bệnh thường gặp ở trẻ em như uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm màng não có mủ ở trẻ em,…
Để tăng cường sức đề kháng cơ thể, ngoài việc cần có một chế độ sinh hoạt, làm việc, ngủ nghỉ điều độ, hợp lý; tinh thần thoải mái; môi trường sống thích hợp; chúng ta phải đồng thời quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối.
TS Nguyễn Bá Thủy, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Người dân cần trang bị thêm kiến thức phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng, vì nếu phòng bệnh tốt mọi người sẽ dễ dàng ngăn chặn được nhiều dịch bệnh và có thể hạn chế các hậu quả khó lường”.
Đừng ỷ lại sức trẻ
Môi trường ngày càng ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh, vi khuẩn sinh sôi. Điều này cùng thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, lười vận động, ăn uống không đủ chất... dẫn đến sức đề kháng yếu, khiến cơ thể suy nhược, dễ mắc bệnh.
Ở những người trẻ tuổi (từ 18-30), khả năng làm việc và sức đề kháng cơ thể đang sung mãn. Bên cạnh đó, độ tuổi này đang là độ tuổi của sự khát vọng, hoài bão và phấn đấu cho những mục tiêu của cuộc đời. Theo y học, ở độ tuổi này, con người ở vào thời kỳ sung mãn nhất về sức khỏe, trí tuệ, tinh thần và sẵn sàng làm việc dưới một áp lực rất cao để đạt được thành quả. Mặt khác, theo thống kê của các nhà khoa học trên thế giới, cứ 10 năm thì khối lượng thông tin vốn đã khổng lồ lại tăng lên gấp 2 lần song hoạt động của hệ thần kinh về mặt sinh học (tốc độ dẫn truyền, khả năng tiếp nhận, xử lý và dung nạp thông tin…) của não thì không hề thay đổi. Vì vậy, con người đặc biệt là lớp trẻ ngày nay luôn phải chịu nhiều áp lực do phải sống trong tình trạng thường xuyên căng thẳng, nên dễ bỏ qua việc bồi nạp cho cơ thể, nhất là chế độ ăn uống, bồi dưỡng thể lực.
Bạn Nguyễn Ngọc Khiêm, sinh viên năm cuối Đại học FPT, hiện đang làm tại Công ty Smart OSC cho biết: “Mục tiêu của em là phấn đấu tốt trong những năm đầu tiên khi mới đi làm để tiếp thu thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc, sau đó sẽ tiếp tục học lên cao học chuyên sâu về công nghệ thông tin. Vì vậy, ngày nào em cũng làm thêm giờ, nghiên cứu tài liệu nâng cao, có khi em làm việc liên tục đến đêm rồi ngủ luôn. Nhiều hôm sáng dậy thấy hơi mệt nhưng sau đó khi vào làm việc tiếp thì lại quên đi cảm giác mệt mỏi. Niềm vui của em là tạo ra được một thành quả tốt trong công việc của mình”. Nhiều bạn trẻ khác cũng có lối học tập, sinh hoạt tương tự như Ngọc Khiêm mà không quan tâm nhiều đến việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe.
Nguy cơ thiếu vitamin hàng ngày
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, vitamin trong cơ thể người chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng. Có 2 nhóm chính là: vitamin tan trong nước (C, các vitamin nhóm B) và vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K). Nếu cơ thể thiếu vitamin có thể dẫn tới một số bệnh và giảm sức đề kháng, làm giảm khả năng miễn dịch.
|
Vitamin dễ dàng bổ sung bằng các loại thực phẩm, thức uống tiện lợi. |
TS.Vũ Ngọc Ruẩn, chuyên gia dinh dưỡng hiện đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ cho biết: “Vitamin giúp chuyển hóa dinh dưỡng thành năng lượng đề kháng bảo vệ cơ thể, không có vitamin thì dinh dưỡng nạp vào không chuyển hóa thành năng lượng đề kháng được mà sẽ bị tích tụ dưới dạng mỡ (dạng năng lượng dư thừa nhưng không dùng được). Vitamin được ví như chất dầu nhớt bôi trơn trong động cơ xe. Để xe chạy được thì cần xăng, nhưng để xe bền bỉ, tuổi thọ cao thì cần phải có dầu nhớt.”
Ông Ruẩn cho biết thêm: “Ở những người trẻ, sức đề kháng tốt, sự thiếu hụt nhỏ vitamin hàng ngày thường không đáng kể và không cảm thấy gì, nhưng nếu liên tục với những thói quen làm việc và chế độ ăn uống không bổ sung vitamin đầy đủ thường xuyên, khả năng thiếu vitamin cho cơ thể sẽ gia tăng. Nếu cơ thể thiếu hơn 40% số lượng vitamin cần để duy trì, con người sẽ thường xuyên mệt mỏi và dễ mắc các các bệnh nhẹ như cảm cúm do vi trùng tấn công làm mất sức đề kháng. Nguy hiểm hơn, khi tình trạng không bổ sung vitamin cần thiết trong một thời gian dài, sức đề kháng và hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm nặng và sẽ dễ phát sinh các bệnh nguy hiểm hơn”.
Tăng cường sức đề kháng trước khi quá muộn
Để tăng cường sức đề kháng, ngoài việc mỗi người cần có một chế độ sinh hoạt ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ điều độ, hợp lý, chúng ta nên tích cực bổ sung vitamin hằng ngày cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C và nhóm vitamin B. Vì nếu thiếu vitamin nhóm B nhất là B1 sẽ dẫn đến bệnh tê phù,... còn thiếu vitamin C, vết thương sẽ chậm lành và cơ thể sẽ khó tránh được các bệnh viêm nhiễm, dễ bị cảm cúm hơn, dễ mệt mỏi và xuống sức…
Vitamin có trong nhiều loại thực phẩm động vật và thực vật, đặc biệt dồi dào ở các loại rau củ quả: ớt, tỏi, hẹ và trái cây tươi như táo, sơn trà, cam, quýt, chanh… Ngoài ra, đối với người ít thời gian thì việc dùng các loại thực phẩm tiện dụng bổ sung vitamin cũng là cách an toàn và hiệu quả để tăng đề kháng.