Sáng ngày 8/11, Đội 6 thuộc Cảnh sát Môi trường Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 1, số 16 và Công an P. Hàng Buồm tiến hành kiểm tra tại một số cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu, hương liệu dùng trong chế biến thực phẩm tại phố Hàng Buồm.
Qua thanh kiểm tra các cửa hàng có địa chỉ từ số nhà 92 đến số nhà 114 trên khu phố Hàng Buồm, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ, lập biên bản một số lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng tại các cửa hàng này.
|
Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Buồm - Hà Nội bị kiểm tra, thu giữ hàng. |
Các loại hàng hóa bị thu giữ tập trung nhiều vào chủ yếu vào nhóm mặt hàng hương liệu, nguyên liệu, sản phẩm đóng hộp như ca cao, sữa bột, nước cốt sữa, thạch rau câu... được dùng để bán cho người tiêu dùng sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Trao đổi với PV , trung tá Nguyễn Văn Phác, cán bộ thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP. Hà Nội cho biết, hàng hóa dược bày bán tại khu vực này chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Các hộ kinh doanh sang chiết trái phép, chia nhỏ khối lượng để bán cho người tiêu dùng nên việc xác định tên của các loại hàng là rất khó vì thường là không có nhãn mác, xuất xứ.
"Về mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em đều không rõ nguồn gốc, được đóng trong các túi nhỏ bày bán trên thị trường, nguy cơ gây nguy hại đến sức khỏe rất cao và thường đã hết hạn sử dụng. Đặc biệt, với mặt hàng sữa, trước khi được đưa ra thị trường có rất nhiều hợp chất cấm được người kinh doanh đưa vào để tăng hàm lượng dinh dưỡng, giúp trẻ tăng cân. Người kinh doanh còn đưa cả thuốc dùng để tránh thai trộn vào với sữa bột nhằm giúp trẻ tăng cân nhanh hơn do trong thuốc tránh thai có thành phần các chất gây tích nước cho cơ thể", trung tá Phác cho biết.
Cũng trong đợt kiểm tra này, trong số mặt hàng bị lực lượng chức năng thu giữ, phát hiện được một số lượng lớn mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Các mặt hàng này không có nhãn mác đầy đủ, trái với quy định tại Nghị định 89 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Thậm chí trên bao bì đều sử dụng các thứ tiếng nước ngoài người mua không biết.