Chủ quan khi mắc bệnh
Chị Lê Ái Hoa (36 tuổi ở quận 4, TP HCM) bị viêm tai giữa cấp nhưng cứ tưởng mình mắc bệnh rối loạn tiền đình nên không đi khám. Đến khi, thấy tai bị chảy mủ tai mới tá hỏa đi khám thì bệnh đã nặng. Theo chị Ái Hoa, ban đầu chị thấy ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nên cứ ngỡ bị bệnh rối loạn tiền đình. Sau đó, thì nghe kém và cảm giác đầy tai, sốt, mệt mỏi...
BS Nguyễn Thanh Vinh, Khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, viêm tai giữa điều trị sớm và kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại bất cứ di chứng nào. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp, thủng màng nhĩ hoặc viêm tai giữa mạn tính, liệt mặt, nghe kém hoặc điếc có thể ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ. Nếu xảy ra ở trẻ nhỏ sẽ bị xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm hơn là biến chứng nội sọ như viêm màng não, viêm não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên... dễ gây tử vong.
|
Ảnh minh họa. |
Biến chứng khôn lường
Khi bị viêm tai giữa thì nên đến khoa tai mũi họng hoặc bệnh viện tai mũi họng để khám và điều trị thích hợp. Không nên tự ý dùng thuốc "dân gian" nhỏ vào tai như dầu, thuốc bột, thuốc nước tự pha chế, sẽ gây nhiễm trùng và biến chứng nặng hoặc có thể điếc vĩnh viễn...
Theo BS Thanh Vinh, tùy vào tình trạng và giai đoạn của bệnh mà có hướng điều trị thích hợp, thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị với kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và nhỏ thuốc tai. Trong trường hợp màng nhĩ thủng và có mủ, vấn đề vệ sinh tai và rửa tai mỗi ngày là cần thiết. Trong trường hợp bị biến chứng tụ mủ ở xương thái dương, bệnh nhân cần được dẫn lưu mủ lâu hơn: cần đặt ống thông nhĩ, thường làm dưới gây mê. Đặt ống thông nhĩ còn được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần.
BS Vinh cũng cho biết thêm, nhờ có nhiều kháng sinh hiệu quả, ngày nay viêm tai giữa cấp thường ít dẫn đến biến chứng. Triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi dùng kháng sinh. Dịch tai giữa ngược lại có thể tồn tại kéo dài dù được điều trị đầy đủ có thể chuyển thành viêm tai giữa tiết dịch, nghe kém. 70% còn dịch tai giữa sau 2 tuần; 50% sau 1 tháng; 20% sau 2 tháng và 10% sau 3 tháng. Bệnh nhân có biến chứng phải nhập viện điều trị tích cực, can thiệp phẫu thuật.
Khi chảy mủ tai cần khám chuyên khoa tai mũi họng ngay, điều trị kịp thời tránh biến chứng. Không tự ý nhỏ thuốc hay thổi thuốc vào tai. Xì mũi đúng cách như bịt lỗ mũi bên này và xì mũi bên kia nhẹ nhàng. Không nên bịt cả 2 mũi và xì mạnh vì khi làm như vậy vô tình đưa vi khuẩn từ vùng mũi họng vào tai giữa. Ngoài ra, có thể chủng ngừa vi khuẩn phế cầu, Streptococcus pneumoniae. Cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường, nhà ở sạch sẽ.