BS.CK 2 Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, phẫu thuật viên chính trong ca mổ đặc biệt này, cho biết, bệnh nhân là Huỳnh Thị Ph. (52 tuổi, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Bệnh nhân nhập viện tình trạng suy kiệt, bướu ổ bụng rất to chiếm toàn bộ ổ bụng, kích thước bướu khoảng 50x40 cm. Bệnh nhân di chuyển sinh hoạt khó khăn, ăn uống kém, khó thở, thiếu máu cơ tim. Kết quả CT Scan bụng chậu cản quang cho thấy bệnh nhân Ph. bị tổn thương vùng bụng nghiêm trọng, nguy cơ suy hô hấp rất cao...
|
Cận cảnh bướu khổng lồ chiếm trọn ổ bụng bệnh nhân. |
Theo BS Tiến, nếu không được phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị tử vong chính vì vậy hoa Ngoại I đã mời và hội chẩn các khoa tim mạch, hô hấp, gây mê hồi sức, huyết học quyết tâm cứu sống bệnh nhân. Cuối cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa ê kíp phẫu thuật viên và gây mê hồi sức cùng sự có mặt của Lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân Ph. đã được cứu sống ngoạn mục với một khối bướu tử cung rất lớn, đại thể nghi là sarcôm. Kích thước bướu: 50X60X30 cm, cân nặng 26 kg, mô đặc bở tăng sinh mạch máu ngoằn ngoèo. Ê kíp mổ quyết định cắt tử cung + 2 phần phụ, dưới sự theo dõi chặt chẽ về huyết động và sinh hiệu bệnh nhân.
BS.CK 2 Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, cuộc phẫu thuật rất khó khăn và nguy hiểm do bướu quá lớn, chèn ép và dính vào các cơ quan quan trọng như niệu quản, bó mạch chậu, trực tràng. Các phẫu thuật viên tiến hành rất thận trọng và chính xác, khống chế tối đa chảy máu. Bệnh nhân được truyền 5 đơn vị hồng cầu lắng cùng nhóm (350ml), 6 đơn vị tiểu cầu, 1 đơn vị huyết tương tươi.
Còn theo BS.CK 2 Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, Bệnh viện Ung Bướu đã mổ rất nhiều ca có khối bướu to nhưng với khối bướu to nhưng thế này thì rất hiếm gặp. Chính vì vậy, ông khuyến cáo, phụ nữ khi có kinh nguyệt, hoặc có quan hệ thì nên đi khám phụ khoa 6 tháng/lần để phát hiện sớm và tầm soát bệnh, nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, kết quả tốt. Bệnh nhân đến trễ khiến cho việc điều trị khó hơn, thời gian điều trị lâu hơn và chi phí tốn kém hơn, tình trạng di căn và tái phát cũng cao.