Trong chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến chất lượng cũng như dịch vụ y tế đang được nhiều người quan tâm như vấn đề: hết vắc xin, giá thuốc hay bảo hiểm y tế…
Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi và thủy đậu bùng phát trong thời gian qua, nhưng lại xảy ra tình trạng thiếu vắc xin, đặc biệt là vắc xin thủy đậu, Bộ trưởng Tiến cho biết, bệnh thủy đậu hiện nay không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là do người dân tự tiêm dịch vụ.
Còn đối với dịch sởi, người dân hoàn toàn được tiêm miễn phí, vì đây là 1 trong 11 loại vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. “Người dân được tiêm hoàn toàn miễn phí, kể cả với bệnh sởi khi mở rộng tiêm đến 10 tuổi trong trường hợp dịch đang lưu hành”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Riêng về việc khan hiếm vắc xin thủy đậu, Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích, vì vắc xin thủy đậu vẫn là loại vắc xin tiêm dịch vụ (không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng) nên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
Đầu tiên, phải có sự đặt hàng giữa cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm vaccine và các nhà nhập khẩu vaccine, bên cạnh đó các nhà nhập khẩu vaccine muốn nhập khẩu được vaccine thì phải đặt hàng trước với nhà cung cấp nước ngoài khoảng 6 tháng.
Ngoài ra, việc thiếu vaccine cũng một phần do cung cầu chưa cân đối, người dân chưa thực sự chủ động đưa con đi tiêm vaccine, chỉ khi có dịch bùng phát mạnh thì người dân lại ồ ạt đưa trẻ đi tiêm, các ban ngành, cơ quan chức năng cũng chưa có sự phân phối vắc xin hợp lý, chỉ khi nào có dịch thì mới vội vàng cho vaccine xuất kho.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình: "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời". |
Trong giai đoạn hiện nay Bộ Y tế cho nhập khẩu tổng cộng khoảng gần 400.000 liều vaccine thủy đậu đã cấp phép cho ngành. Tuy nhiên, vẫn không đủ là bởi vì kể cả một số vaccine khác thì bản thân các nhà sản xuất ở nước ngoài cũng không còn nữa bởi vì, hiện nay dịch sởi, thủy đậu và các bệnh khác cũng xảy ra ở rất nhiều nước và các nước đó cũng đặt hàng trong khi chỉ có một số nhà cung cấp cố định trên thế giới ở Mỹ, Pháp, Bỉ, thì hiện nay họ cũng không còn vaccine để cấp nữa.
Trả lời câu hỏi, bao giờ có đủ vắc xin thủy đậu, Bộ trưởng Bộ y tế hứa hẹn: “Chắc chắn sẽ có đủ vắc xin trong khoảng 1 tháng nữa”.
Ngoài vấn đề khan hiếm vắc xin, trong chương trình: “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” lần này, Bộ trưởng Kim Tiến cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến những điểm mới trong Luật Bảo hiểm y tế.
Theo đó, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung lần này sẽ quy định bắt buộc người dân phải tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. “Nếu trong gia đình càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế thì tiền đóng góp mua thẻ Bảo hiểm sẽ càng giảm dần để tiến tới một lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân”, Bộ trưởng tiến cho hay.
Ngoài ra, về mức hưởng bảo hiểm y tế, lần sửa đổi này có nhiều thay đổi rõ rệt. Đối với người nghèo và người có công như: Cha, mẹ, vợ, con của liệt sĩ từ chỗ phải đồng chi trả, đối với người nghèo là 5% thì hiện nay không phải chi trả; với đối tượng khi trước phải đồng chi trả 20% thì giờ không cần chi trả. Riêng đối với các đối tượng cận nghèo, trước đây phải đồng chi trả 20% giờ giảm xuống còn 5%.
Vấn đề cuối cùng được người dân quan tâm, đó chính là giá thuốc. Rất nhiều người “phàn nàn” về việc giá thuốc Việt Nam cao và gia tăng “chóng mặt”?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là vấn đề người dân quan tâm rất chính đáng, tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: “Gía thuốc Việt Nam hiện đang thấp hơn một số nước trong khu vực như thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 – 2 lần, và thấp hơn của Thái Lan từ 2,5 -3 lần”.
Về vấn đề tăng giá, Bộ trưởng Tiến cho biết, trong những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn đối với thuốc biệt dược bên ngoài thì mức tăng trung bình. Đối với thuốc Bảo hiểm y tế đã thực hiện theo những phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc…