Đó là thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế nhận định trong cuộc giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm vừa diễn ra sáng nay (22/8). Theo đó, tính đến ngày 21/8, thế giới ghi nhận 2.473 trường hợp nhiễm vi rút Ebola, trong đó có 1350 trường hợp tử vong tại 4 quốc gia Tây Phi.
Tại buổi giao ban, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay, đã có 83 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch này, trong đó, tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 79 trường hợp, Sân bay quốc tế Nội Bài 4 trường hợp. Trong đó, 2 trường hợp người Nigeria nhập cảnh vào TP HCM ngày 19/8 từ vùng dịch Ebola có biểu hiện sốt sau khi được cách ly 24h không còn dấu hiệu bệnh đã được đưa lại cộng đồng, tiếp tục được theo dõi tại nơi cư trú trong vòng 21 ngày theo quy định.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp. |
3 sinh viên người Nigeria và 1 thầy giáo người Ấn Độ của ĐH FPT từ vùng dịch này về vẫn được tiếp tục giám sát chặt chẽ và cho đến nay sức khỏe vẫn bình thường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp dự phòng chống dịch. Cục Y tế dự phòng phối hợp với các cấp, các ngành triển khai chỉ đạo, tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc, kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ giao lưu với bên ngoài có thể gây bệnh.
Tại TP HCM, đại diện Viện Pasteur TP HCM cho biết, số nhiễm
vi rút Ebola tăng càng nhanh thì nguy cơ dịch bệnh này vào Việt Nam ngày càng lớn. Đặc biệt, có nhiều đoàn đi qua đến 3 nước nên công tác giám sát dịch bệnh có nhiều khó khăn.
Đánh giá về loại dịch bệnh này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo các cơ sở y tế tăng cường công tác dự phòng, nhất là tại các cơ sở xét nghiệm máu.