Đó là đại gia đình lương y họ Triệu ở xã Sơn Vi (Lâm Thao, Phú Thọ). Ông Triệu Văn Vũ là truyền nhân đời thứ 7 của dòng họ. Vốn được học Đông y từ nhỏ, khi vào quân ngũ ông được biên chế vào đoàn quân y. Trở về với đời thường, ông ra sức cứu giúp bệnh nhân bằng vốn kiến thức y học tích lũy được từ cha ông và từ chính trong mưa bom bão đạn.
|
Một phương thuốc chữa thấp thai ở phụ nữ. |
3 tuổi học làm thuốc
Ở huyện Lâm Thao, không ai còn lạ với tiếng tăm của dòng tộc lương y họ Triệu. Ông tổ đời thứ nhất của dòng họ này học nghề thầy thuốc từ các danh y nổi tiếng nước ta. Khi trị bệnh cứu người ở vùng đất Tổ, danh tiếng y thuật của dòng họ Triệu đã nổi tiếng khắp nơi. Nhiều lần, ông tổ họ Triệu được triều đình triệu vào cung chữa trị cho hoàng tộc.
Ông Vũ là đời thứ 7 của dòng họ Triệu nức tiếng ấy. Ngay từ khi mới 3 tuổi, ông Vũ đã được ông nội và bố đưa đi chữa trị cho bệnh nhân nghèo ở khắp nơi. Khi theo cha đi chữa bệnh, cậu bé Vũ bao giờ cũng được thực hành bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc và dạy cách phát hiện và phân biệt chứng bệnh.
Khi ở nhà với ông nội, cậu bé Vũ lại được chỉ bảo cách trồng thuốc, hái và bào chế các loại thảo dược. Nhiều loại cỏ dại đã được cậu bé Vũ phát hiện là cây thuốc quý và được bảo tồn ở vườn nhà cho đến hiện nay. "Ông nội tôi chỉ dạy rất cẩn thận về các phương thuốc. Đặc biệt là các loại biệt dược rẻ tiền, thậm chí chỉ cần ra ngõ là hái được để bào chế", ông Vũ tiết lộ.
15 tuổi, Vũ đã được truyền dạy toàn bộ kiến thức y học mà 6 đời trước đã học hỏi, tích tụ. Chàng thiếu niên ra sức đi khắp nơi hành nghề, đến đâu Vũ cũng học được thêm những phương thuốc lạ do ông thầy tào, thầy mo bản địa truyền dạy.
|
Ông Vũ đang bắt mạch cho bệnh nhân. |
Cứu cả kẻ thù
18 tuổi Vũ xung phong vào chiến đấu tại các chiến trường ác liệt nhất. "Sau một thời gian, thấy tôi tự tay cứu được nhiều đồng đội khỏi cái chết, cấp trên mới phân công tôi vào đoàn quân y tiếp tục học thêm về tây y", ông Vũ chia sẻ.
Học xong lớp Tây y, ông Vũ lại xung phong ra chiến trường. Sau những làn đạn ác liệt, ông Vũ lại phải chiến đấu giúp các đồng đội bị thương chống lại cái chết. Nhiều khi không còn thuốc giảm đau, bông gạc hay chỉ khâu vết thương, ông Vũ lại áp dụng Đông y vào việc chữa trị.
"Rất nhiều loại cây trong rừng có thể làm thuốc cầm máu, giảm đau và nhanh lành vết thương. Thậm chí, nhiều đồng đội của tôi bị gẫy, mẻ hoặc thủng xương vì đạn bắn thì dùng Đông y để chữa trị sẽ nhanh lành hơn Tây y. Tất nhiên, có những vết thương chỉ có thể dùng Tây y để chữa trị thì mới qua khỏi hiểm nguy", ông Vũ cho biết.
Ngay cả những loại thuốc trị sốt rét hay côn trùng cắn cũng được ông Vũ bào chế trong vùng có địch để phát cho đồng đội. Nhờ thế mà hàng nghìn chiến sĩ thoát khỏi cái chết. Ông Vũ cho hay, nhiệm vụ của bác sĩ quân y không chỉ là chữa trị cho đồng đội của mình, mà còn chữa trị cho cả kẻ thù, những tù nhân bị thương nặng.
Chính tay ông Vũ đã cứu hàng trăm tù nhân thoát khỏi cái chết. Sau này khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại họ đã tìm đến ông như một sự tri ân. Nhiều người còn cảm cái tình đã nhận ông làm anh em kết nghĩa. Dù ông Vũ chưa bao giờ mong chờ sự báo đáp, nhưng có lẽ những ân tình ấy đã động viên ông tiếp tục hành nghề chữa bệnh giúp người.
|
Ông Vũ còn chữa cả những bệnh về xương. |
Trị bệnh cứu người
Năm 1982, ông Vũ phục viên trở về quê hương với vết thương khá nặng ở đầu, tay và một bên tai bị điếc do sức ép của bom. Vì hoàn cảnh quá nghèo lại không nỡ cầm tiền của bệnh nhân nên ông Vũ định bỏ hẳn nghề thuốc. Ông làm đủ mọi thứ nghề để sống. Ấy thế, mà đôi bàn tay thương tật đã nuôi 6 đứa con học hành thành tài.
Năm 2004, ông Vũ quyết định quay lại với nghề gia truyền. Từ đó đến nay, thoáng cái đã chục năm nhưng số người được ông cứu giúp đã lên tới hàng nghìn bệnh nhân. Ông chủ yếu chữa các bệnh về xương khớp, thận, gan và đặc biệt là vô sinh.
Trong cuốn sổ ghi chép bệnh nhân, ông Vũ cho biết đã có hàng trăm cặp vợ chồng có con nhờ bài thuốc đặc biệt này. Đó là bài thuốc Nam kết hợp với nước dãi cá voi. Chị Bùi Thị Oanh ở khu 4 xã Cao Xá lập gia đình được 6 năm nhưng không có con. Được ông Vũ bốc thuốc, mới chỉ uống 3 thang chị Oanh đã có tin vui.
Cách chữa trị của lương y Triệu Văn Vũ cũng rất độc đáo. Như những phụ nữ thấp thai, ông Vũ sẽ đắp thuốc trên đầu để kéo thai lên. Ngược lại, với phụ nữ thai cao sẽ đắp thuốc dưới lòng bàn chân để kéo thai xuống.
Những bệnh nhân bị dập xương thì được ông Vũ kết hợp Đông và Tây y. Tuy nhiên, theo ông Vũ vì Tây y chữa khá phức tạp lại cần nhiều máy móc hiện đại nên ông chỉ dùng các bài thuốc gia truyền cùng phương pháp tập luyện khắt khe để bệnh nhân nhanh phục hồi sức khoẻ.
|
Ông Vũ chủ yếu dùng thuốc Nam chữa trị. |
Kéo dài sự sống cho người sắp chết
Theo chia sẻ của lương y Triệu Văn Vũ, bệnh ung thư hiện nay là đáng quan ngại nhất. Ông không dám tuyên bố chữa khỏi căn bệnh quái ác này, nhưng có thể kéo dài sự sống cho những bệnh nhân sắp chết. Đối với những bệnh nhân mới bị ung thư, bài thuốc gia truyền của ông sẽ ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mà không dùng bất cứ loại hóa chất nào.
Tại nhà ông Vũ, có hàng chục bệnh nhân ăn ở tại đây để chữa trị ung thư và các bệnh liên quan đến thần kinh. Ông Trần Văn Hải ở Hải Phòng bị tai biến liệt nửa người đã 3 năm nay. Nằm tại nhà ông Vũ để chữa trị và tập luyện gần 1 tháng, đến nay ông đã có thể đi lại, dù hơi chậm nhưng đó đã là một kỳ công.
Lương y Vũ cho biết: "Bài thuốc chữa cho những người bị trúng độc là độc địa hơn cả. Trong bài thuốc bao giờ cũng có một vài phương thuốc độc nhằm ức chế đẩy độc tố ra ngoài. Phương thuốc còn lại có tác dụng lọc độc và rửa ruột cho bệnh nhân".
Có lẽ vì thế mà ở Phú Thọ và các tỉnh lân cận, người ta hay đưa bệnh nhân tự tử bằng thuốc độc đến với ông Vũ. Tất nhiên, có những ca ông Vũ vẫn phải bó tay vì độc đã ngấm quá nặng. Những lần như thế là mỗi lần ông Vũ dằn vặt, suy tư và cả những đau đớn vì không đủ tài để giữ lại mạng sống cho người khác.
"Ông Vũ đã chữa bệnh từ lâu và cứu được rất nhiều người khỏi cái chết. Chúng tôi cũng tạo điều kiện để các bệnh nhân lưu trú tại nhà ông Vũ chữa trị lâu dài. Ngoài việc chữa bệnh, ông Vũ cũng là một cựu chiến binh gương mẫu, thường xuyên làm từ thiện".
Ông Bùi Văn Lâm (Chủ tịch UBND xã Sơn Vi)
"Bệnh nhân đến với tôi số nhiều là người nghèo. Nhiều khi, bệnh nhân còn không có tiền để trả tiền thuốc. Mình lại phải cho họ tiền ăn và cấp thêm thuốc để họ nhanh chóng dứt bệnh. Tôi làm việc thiện không phải để mong báo đáp, cũng không phải để tích đức về sau. Bởi vì, khi đã là thầy thuốc thì việc cần thiết nhất là cứu người. Còn nếu không cứu hoặc cứu vì tiền thì đừng làm nghề này nữa".
Lương y Triệu Văn Vũ