|
Bệnh viện Bình Dân.
|
Chiều 7/10, Sở Y tế TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra BV Bình Dân và BV Chấn thương chỉnh hình TP. Việc thanh tra xuất phát từ đơn tố cáo của CB-VC hai BV này gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí. Nội dung phản ánh có "nhóm lợi ích” ở BV Bình Dân... và gian lận phim Xquang, ép bệnh nhân mổ dịch vụ ở BV Chấn thương Chỉnh hình TP.
Trước đó, tháng 4-2013 Thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành thanh tra BV Bình Dân (thời kỳ 2009-2012, thời gian này ông Nguyễn Chí Hùng làm giám đốc bệnh viện) và tháng 5-2013 tiến hành thanh tra BV Chấn thương chỉnh hình TP (giai đoạn 2010-2012).
Theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra 32.033 phim chụp Xquang trong ba tháng (10-2010, 10-2011 và 6-2012) tại BV Chấn thương chỉnh hình có đến 6.688 phim sai và phim cắt (đổi kích thước phim từ phim A là loại lớn có giá tiền cao sang phim B hoặc phim C có kích thước nhỏ hơn và giá tiền thấp hơn - PV).
Ngoài ra, do không kiểm soát được việc sử dụng phim Xquang của khâu chẩn đoán hình ảnh nên BV đã để thất thoát 15.569 tờ phim trong ba năm 2010, 2011, 2012, tương đương gần 500 triệu đồng.
Qua kiểm tra 1.126 phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú còn lưu trữ trong tháng 10-2011, thanh tra phát hiện có 444 trường hợp đổi phim (A thành B), chiếm tỉ lệ hơn 39,4%. Trong khi giá phim A trong thời gian 2010-2012 thay đổi từ 35.000-42.000 đồng/tờ, còn phim B, C giá từ 23.000-25.000 đồng/tờ.
Theo Thanh tra Sở Y tế, nếu áp dụng tỷ lệ sai của phim B, C vào tổng số phim sử dụng hàng năm của bệnh viện thì số tiền sai lệch ước tính hơn 3,3 tỉ đồng.
Thanh tra còn phát hiện có hiện tượng cắt, ghép phim trên tờ phim A trong khi thu tiền nhiều phim B, C. Việc cắt, ghép phim này tạo ra số lượng “phim thừa” 5 tháng cuối năm 2011 là 12.630 phim, tương đương gần 320 triệu đồng.
Trong khi đó, kết luận thanh tra BV Bình Dân cho thấy BV này đã hợp tác đặt rất nhiều loại máy với các công ty bên ngoài như máy siêu âm với Phòng khám đa khoa Lạc Việt; máy CT-Scanner với Công ty TNHH Việt Nhật; máy tán sỏi với Công ty TNHH Huynh Đệ Phương Đông... Việc liên doanh liên kết đặt máy đều không có chủ trương duyệt của Sở Y tế và không xây dựng đề án liên doanh liên kết.
Ngoài ra, trong các hợp đồng hợp tác, dù đối tác đã thu hồi vốn nhưng BV vẫn ưu ái cho đối tác được hưởng tỷ lệ phần trăm ăn chia rất cao, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho BV.
Đơn cử, việc hợp tác đặt máy siêu âm trắng đen làm thất thoát cho BV số tiền ước tính gần 136 triệu đồng. Tương tự, việc hợp tác đặt máy siêu âm màu làm thất thoát ước tính gần 500 triệu đồng; hợp tác máy Xquang kỹ thuật số làm thất thoát ước gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, trong việc liên doanh liên kết nhà thuốc, BV để thất thu ước gần 1,9 tỉ đồng...
Thanh tra cũng xác định, mỗi bác sĩ khi chỉ định một bệnh nhân đi siêu âm, chụp Xquang... từ máy liên doanh liên kết được hưởng 50.000 đồng, bác sĩ đọc kết quả 40.000 đồng. Một số thành viên ban giám đốc cũng được hưởng số tiền chênh lệch từ liên kết đặt máy lên đến hàng tỉ đồng, như ông Nguyễn Chí Hùng được gần 1,17 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Vĩnh - phó giám đốc BV hơn 723 triệu đồng, bà Trần Thị Xuyến hơn 531 triệu đồng...
Trong việc mua sắm trang thiết bị y tế BV cũng gây thiệt hại lãng phí gần 1,4 tỉ đồng do mua 2 máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp và 2 máy cắt đốt nội soi u xơ tiền liệt tuyến (bốn máy trị giá hơn 4,3 tỉ đồng) nhưng để “trùm mền” không sử dụng được.
Thanh tra Sở Y tế đã kiến nghị thu hồi của BV Bình Dân 3,3 tỉ đồng nộp vào ngân sách và chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động của BV. Riêng BV Chấn thương Chỉnh hình TP, do có những sai phạm chưa có cơ sở làm rõ, Thanh tra Sở Y tế kiến nghị chuyển Thanh tra TP thanh tra toàn diện BV này.