Đừng bao giờ gọi họ là nhân tài

Google News

(Kiến Thức) - Đà Nẵng đang xem xét khả năng kiện học viên được cử đi học ở nước ngoài để về phục vụ cho thành phố, tuy nhiên họ đã tự ý bỏ ngang, không thực hiện đúng hợp đồng.

Theo GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang, việc khởi kiện này là đúng bởi "không thể nhân nhượng cho những người không tôn trọng danh dự của mình".
Không thể nhân nhượng
Đà Nẵng dự kiến khởi kiện một số học viên của Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao do được cử đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng khi về chỉ làm việc được 1 - 2 năm rồi bỏ thay vì ít nhất 7 năm như trong hợp đồng. Dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận vụ kiện này thế nào?
Theo tôi biết thì giữa chính quyền TP Đà Nẵng và những học viên này đã ký hợp đồng ràng buộc với cam kết thành phố hỗ trợ tiền ăn học trong cả quá trình học tập, các học viên sau khi học xong phải làm việc tại thành phố ít nhất 7 năm. Đây là hợp đồng dân sự đòi hỏi cả hai bên phải thực hiện, nếu một bên nào vi phạm thì phải bồi thường. Trong trường hợp này, Đà Nẵng làm thế là phải.
Ông đánh giá thế nào về khả năng thắng kiện của chính quyền thành phố?
Chắc chắn phần thắng sẽ thuộc về thành phố vì họ đã làm đúng trách nhiệm theo hợp đồng.
Có bao giờ ông tư vấn pháp lý cho vụ kiện nào tương tự?
Tôi chưa thấy có vụ kiện nào như thế.
Rất có thể, đây sẽ là lần đầu tiên mà chính quyền và "nhân tài" phải gặp nhau ở tòa án...
Đừng bao giờ gọi họ là nhân tài vì họ không phải là nhân tài. Họ chỉ là những công chức được cử đi học theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Theo ông thì thế nào mới được gọi là nhân tài?
Nhân tài phải là những người có đạo đức, có năng lực, trình độ thực sự và phải được xã hội thừa nhận chứ không phải người mới có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí phó giáo sư, giáo sư đã là nhân tài. Ở nước ta, đánh giá nhân tài qua bằng cấp là chưa đúng!
Nhưng việc người ta được cử đi học nâng cao, thậm chí là ở nơi mà môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế thì cũng được coi là tiền đề để tạo ra lớp người tài đấy chứ?
Đúng, nhưng mới là tiền đề. Còn họ có trở thành nhân tài hay không còn qua thực tế kiểm nghiệm xem họ đã làm được gì góp phần thay đổi sự phát triển kinh tế, xã hội. Có những người không học vẫn thành tài, có người học mới thành tài và có những người học mãi vẫn không thể trở thành nhân tài đâu. Thế nên, hãy cứ tạm gọi họ là những người có trình độ hơn do được đi đào tạo nâng cao.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của họ trong các cơ quan, đơn vị?
Nếu họ phát huy được khả năng của mình và trở thành người có trình độ thực sự,  dám nghĩ, dám làm, thì quá tốt.
Có ý kiến cho rằng, đối xử với những người có năng lực này cần phải tế nhị, nếu rạch ròi tình lý quá có thể còn triệt đường họ trở lại khi có điều kiện?
Tại sao lại tế nhị với những người này? Không thể nhân nhượng cho những người không tôn trọng danh dự của mình như thế được!
GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang, nói về việc Đà Nẵng dự kiến khởi kiện học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Làm sai hợp đồng vì vô liêm sỉ
Lý do để các học viên này bỏ ngang thì chỉ có họ mới rõ hơn ai hết. Còn dưới góc độ cá nhân, ông lý giải điều đó thế nào?
Tôi cho đó là những người không có danh dự, hay nói cách khác là người vô liêm sỉ.
Liệu những lời đánh giá đó có quá nặng nề?
Tôi nghĩ không có gì nặng nề ở đây cả. Anh đã ký hợp đồng với thành phố, đồng ý nhận tiền từ ngân sách để đi học nước ngoài rồi sẽ trở về làm việc ở thành phố. Những người có danh dự, tôn trọng lời hứa của mình trước cộng đồng, tập thể, địa phương thì họ tự nguyện thực hiện lời cam kết của mình. 
Tôi được biết thì đây không phải là lần đầu tiên có chuyện dùng tiền từ ngân sách cử công chức đi học, nhưng rồi họ không quay trở về hoặc có về thì lại đi làm việc nơi khác!
Đúng là có những trường hợp như thế. Ở nước mình chưa có truyền thống thôi chứ ở các nước, khi anh đã phá vỡ hợp đồng như trường hợp ở Đà Nẵng thì không nơi nào tuyển anh vào làm nữa. Danh tính của anh sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả internet; bị dư luận xã hội lên án.
Nhưng người tài thì thường lắm tật?
Nếu họ là người có tài thì sẽ không bao giờ có hành vi ứng xử không văn hóa, không đúng pháp luật như vậy!
Nếu có tài thì ở đâu cũng sống được!
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, chính vì tiền lương thấp nên đã không níu được chân người tài ở lại trong cơ quan nhà nước?
Tiền lương trong cơ quan nhà nước hiện nay theo thang bậc lương là không phù hợp vì tính theo thâm niên công tác cứ không tính theo mức độ phức tạp của công việc. Tuy nhiên, không thể đổ hết tội cho tiền lương được vì nếu anh thật sự có năng lực thì ở đâu anh cũng sống được, vì có nhiều cơ hội để kiếm tiền một cách chân chính. Người càng có tài thì càng nhận được nhiều việc và tất nhiên là nhiều tiền.
Nhưng không ai đảm bảo sẽ không có chuyện "chân ngoài dài hơn chân trong" khiến cho chất lượng công việc ở cơ quan của công chức bị kém hiệu quả?
Lương công chức thấp không đủ để họ nuôi bản thân và gia đình nên buộc họ phải làm thêm bên ngoài. Còn chất lượng công việc ở cơ quan của công chức bị kém hiệu quả do nhiều lý do khác có liên quan đến chế độ trách nhiệm công vụ của từng người chứ không phải chỉ mỗi vấn đề tiền lương.
Lại có người bảo, người tài về Việt Nam cũng chẳng có "đất" để thể hiện hết năng lực?
Thế nào là không có "đất" để thể hiện hết năng lực? Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay là mảnh đất rất màu mỡ để thể hiện năng lực của mỗi cá nhân. Đã được coi là người có tài thì họ luôn tìm được "mảnh đất" của mình để "trổ tài". Vấn đề ở chỗ, anh thực sự có tài không, hay chỉ có danh hão.
Để xảy ra chuyện công chức được cử đi học nhưng bỏ ngang, ông có cho rằng chính cơ quan/đơn vị cử người đi học cũng có một phần trách nhiệm?
Tôi không nghĩ vậy, nhưng cần thận trọng và chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyển chọn người đi đào tạo.
Theo ông, để thực sự níu giữ người có năng lực, có tài trong cơ quan nhà nước thì cần phải làm gì?
Muốn níu giữ người tài thì chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ phải thỏa đáng; phải tạo môi trường làm việc thực sự trong sạch như không có tình trạng mất đoàn kết, không có tham nhũng... Nói chung, theo tôi, cơ quan nhà nước cần học tập các doanh nghiệp tư nhân khi sử dụng nhân lực.
Và sau Đà Nẵng, các địa phương khác có nên khởi kiện nếu họ cũng gặp tình huống tương tự?
Tôi nghĩ là nên kiện và cần phải kiện!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Đà Nẵng thực hiện từ 2004. Đến nay, đã có 523 học viên đi đào tạo bằng ngân sách. Học viên đi học ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí trung bình từ 600 - 800 triệu đồng/người/năm. Nếu học viên học xong không phục vụ TP Đà Nẵng trong 7 năm (học viên ở nước ngoài) hoặc 5 năm (học viên trong nước) như cam kết thì sẽ đền bù gấp 5 lần số tiền mà ngân sách đã chi cho học viên đi học. Đợt này, Đà Nẵng đang xem xét khởi kiện 3 trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng, nếu sau 120 ngày gia đình không lo được tiền đền bù như cam kết.
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Candy

Kiện, nên kiện, nên kiện 1000 lần