Hơn chục năm nay, người dân xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã quá quen với hình ảnh một ông già mù lọm khọm vác trên vai bó chổi và chiếc bội tre dò dẫm đi bán dạo khắp xã.
Cả gia đình trông vào người mù
Ông Đoàn Nở đã ở vào tuổi 74 già yếu, đôi mắt lại mù lòa nhưng trên đôi vai của ông vẫn còn gánh nặng trách nhiệm trụ cột gia đình, nuôi vợ ốm con đau. Trước đây, ông là du kích địa phương, năm 1965, trong một trận càn quét của địch, ông bị bắt tù đày. Chúng tra tấn ông hơn một năm, đến khi đôi mắt mù hoàn toàn và cơ thể không còn sức sống thì trả về. Từ đó cuộc đời ông ngập tràn màu đen tối.
Ông nói: “Xã Tam Hoà đa số nếu không đi biển thì làm nông, tui mù không làm được, tui chỉ có trí nhớ còn minh mẫn và đôi tay này nên chọn nghề đan tre sống qua ngày”.
|
Trên vai ông Đoàn Nở nặng gánh kế sinh nhai. |
Cái nghề mà sản phẩm làm ra cần độ bền và đẹp, phải có đôi mắt biết nhìn tre mà chọn, đôi tay vót nan đủ độ dày mỏng. Với người sáng mắt đã là việc không dễ, với người mù càng khó gấp trăm. Ngày ngày ông đi khắp thôn mua tre nhờ người vác về rồi chẻ ra vót. Cứ thế, ông tập dần ngày qua ngày, cho đến khi có được cái nghề nuôi cả gia đình.
Nhìn cảnh ông già mù lọ mọ chặt chẻ tre, tay chân bị gai xước chảy máu, ai cũng thương cảm. Đoạn đường vác tre về vướng chỗ này, đụng chỗ nọ khiến ông mấy lần vấp té. Động lòng, người nào thấy cũng giúp ông một tay, nhưng người dân ở xã thuần nông Tam Hòa ai cũng nghèo, muốn giúp ông nhiều hơn cũng lực bất tòng tâm.
Bà Võ Thị Phi, người vẫn thường bán tre cho ông nói: “Chưa thấy ai khổ như ổng (ông ấy), từ hồi đi du kích địa phương tới giờ chưa được ngày an nhàn, thiệt tui cũng ưng có ai giúp được ổng, tui chỉ có mấy cây tre, ổng xin thì tui cho chứ bà con cũng nghèo lắm”.
Ông Phan Văn Thanh, trưởng thôn Bình An nói thêm: “Gia đình ông Đoàn Nở hiện đang thuộc dạng đặc biệt khó khăn của thôn, một người mù nuôi hai người bệnh thì bảo sao không khổ”.
Khó khăn chồng chất
Sóng gió chưa dừng lại ở đó, con trai ông, anh Đoàn Văn Khải đang làm nghề phụ hồ nuôi cha mẹ già chẳng may gặp tai nạn giao thông, 8 năm nay bán thân bất toại không thể làm gì. Thêm vào đó, vợ ông, bà Trần Thị Mật (72 tuổi) đang mang bệnh tim, mất khả năng lao động lại thường ốm liên miên. Đau đớn cùng cực, ông chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than “Thiệt không biết khổ tới bao giờ”.
|
Bữa ăn của gia đình ông Đoàn Nở. |
Ông hiểu rõ bản thân đang là trụ cột chính của gia đình, hơn 10 năm nay, ngày nào cũng dò đường dạo bán khắp chợ, khắp xã, không biết qua bao nhiêu cây số. Ông cũng không phân biệt ngày đêm, cứ ước lượng khi nào đi mỏi thì về. Hôm đi xa quá lạc cả đường, có người thấy tội nghiệp nên dẫn về.
Ông cũng không cho phép mình đau ốm, vì ông mà nằm xuống thì ai lo cho vợ con ông, cả hai đều không thể làm được việc gì. Khi nào thấy không khỏe trong người, ông lại ra trạm xá xã xin ít thuốc uống tạm. Mà cơ thể của ông cũng yếu lắm rồi, đủ thứ bệnh, lưng đau gối mỏi, song ông tự gắng sức, không cho phép mình được nghỉ ngơi.
|
Ngày qua ngày ông dò dẫm đi khắp xã bán chổi và bội tre. |
Nhưng không phải lúc nào ông cũng bán được, lắm hôm đi khắp xã này đến xã nọ mà chẳng bán được món nào. Đặc biệt, khi mùa mưa đến thì cả nhà chỉ còn trông vào khoảng trợ cấp mỗi tháng dành cho hộ nghèo. Ba người bữa no bữa đói chống cự cả mùa mưa. Trong vườn có thứ rau gì thì ăn rau nấy, bữa cơm của ba người nguyên chỉ có nồi canh rau lộn ở giữa. Hôm nào sang thì có cá người ta bán rẻ mua về kho mặn, ăn dễ trôi cơm hơn.
Không chỉ đói ăn, trong căn nhà tềnh toàng nằm trên đồi cát chẳng có vật dụng gì đáng giá. Nhìn quanh chỉ thấy những mảng tường rạn nứt và phên liếp đã nát bươm, trống hoác. Ba con người ăn mặc phong phanh trong những chiếc áo sờn gần hết vải, và mùa đông họ cũng không có được tấm áo khá hơn.
Bà con ở xã nghèo ven biển này vẫn bảo nhau ai giúp được ông chút gì thì giúp. Người giúp chặt tre, người cho bữa cơm lúc ông lỡ đường. Riêng với ông Đoàn Nở, ông chỉ mong mình còn khỏe ngày nào thì lo cho vợ cơn ngày nấy, ông ngã xuống rồi cả nhà biết trông vào đâu.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:
1. Ông Đoàn Nở, thôn Bình An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ.
Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.
Trân trọng!
|
TIN BÀI LIÊN QUAN: