Câu chuyện bắt đầu sau lễ hội mùa xuân năm 2006, một người dân tên Từ Hoán Triêu, ở làng Tây Cao Huyệt, thị trấn An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã bất ngờ phát hiện một cái hố lớn đường kính khoảng một mét, với phần đất như mới bị đào. Ngay sau đó, dân làng đã cùng anh lấp hố trộm này, nhưng chỉ hai hay ba ngày sau họ lại thấy nó được mở ra. Đồng thời, trong khu vực xuất hiện tin đồn đây là một ngôi mộ phi thường.
Tin tức nhanh chóng được đưa lên chính quyền địa phương và chuyên gia được cử đến làm việc nơi đây đó là nhà khảo cổ Phan Vĩ Bân. Xuất phát từ kinh nghiệm nghề nghiệp cùng sự giúp sức người dân địa phương, anh đã quyết định điều tra từ lỗ hổng của tên trộm để lại.
|
Hình ảnh khai quật ngôi mộ. (Ảnh: Chinanews) |
Bước đầu nhận định, nhà khảo cổ cho rằng đây là ngôi mộ có cấu trúc phức tạp, quy mô lớn cùng kiến trúc gạch đặc biệt. Hơn nữa anh còn phát hiện bên trong ngôi mộ là cả một hội trường lớn.
Theo kiến thức của mình cũng như lịch sử địa phương, đã ước tính rằng đây là một ngôi mộ cổ của người có chức quyền từ thời Đông Hán. Mãi đến năm 2008, Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc mới chính thức phê duyệt đơn xin cứu hộ khai quật lăng mộ này.
Tuy nhiên, kết quả của các cuộc khai quật ban đầu khiến các nhà khảo cổ học rất thất vọng. Dường như ngôi mộ lớn này đã bị những kẻ trộm phá hủy. Các viên gạch ước tính ban đầu được xây dựng bằng gạch Hán ba lớp và nay chỉ còn lại một đoạn phế tích cao chưa đầy 1m. Nội thất của ngôi mộ thậm chí còn bị hư hại nghiêm trọng, nhiều đồ gốm và đá bị đập vỡ.
Công cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ diễn ra, các nhà khảo cổ nuôi hy vọng tìm kiếm một dấu tích để xác định thân thế của ngôi mộ.
Bước ngoặt lịch sử trong những cố gắng xác định danh tính ngôi mộ
Cuối cùng phải đến cuối ngày làm việc tháng 11 năm 2009 các thành viên nhóm khảo cổ đến từ Anh và Thượng Kim Sơn đã khai quật được 8 phiến đá đặc biệt quý. Các phiến đá lần lượt được khắc chữ: Ngụy Võ Vương thường dụng cách hổ đại kích, Ngụy Võ Vương thường dụng cách hổ đại đao... và một chiếc gối đá có ghi Ngụy võ vương thường sở dụng cách Hổ.
Sau khi tiến hành phân tích chiếc gối đá cùng với nghiên cứu lịch sử quả đúng danh xưng Ngụy Võ Vương đã được dùng khi Tào Tháo qua đời thì các nhà khảo cổ đã xác định được đây chính là lăng mộ của Tào Tháo.
|
Hình ảnh khai quật mộ Tào Tháo. (Ảnh: Chinanews) |
Vào tháng 12 năm 2009, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Di sản Văn hóa của Trung Quốc đã xác định được ngôi mộ của Tào Tháo ở phía nam làng Tây Cao Huyệt, thị trấn An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.
Số phận lăng mộ của Tào Tháo đúng là quá thê thảm. Trong số những tấm bia đá khai quật được từ lăng mộ Tào Tháo, những tấm có vua Ngụy Ngô đều bị đập vỡ, những tấm không có vua Ngụy Ngô thì còn nguyên vẹn. Ngoài ra, hài cốt trong lăng cũng đã không còn.
Thông thường những kẻ trộm mộ chỉ tìm kiếm tiền và sẽ không phá vỡ lăng mộ trong quy mô lớn đến vậy. Dựa trên điều này, các chuyên gia suy đoán rằng rất có thể lăng mộ của Tào Tháo đã bị phá hủy do bị trả thù chính trị và thời điểm sớm nhất mà Cao Lăng của Tào Tháo bị đánh cắp đó có thể là trong thời kỳ nổi dậy của Bát vương gia thời Tây Tấn.
|
Nhà khảo cổ Phan Vĩ Bân. (Ảnh: Chinanews) |
Vừa qua, Triển lãm đặc biệt về chủ đề văn hóa - Tam quốc tại Bắc Kinh đã trưng bày một số hiện vật khai quật được từ mộ Tào Tháo và tấm bia đá Ngụy võ vương thường sở dụng cách Hổ được coi là một trong những bằng chứng quan trọng để khẳng định ngôi mộ của Tào Tháo.