Không chỉ có một bà Chúa Kho mà là nhiều người được tôn vinh danh xưng này. Họ có xuất thân khác nhau nhưng đều là những người phụ nữ có công trông giữ kho lương thực của triều đình, góp phần quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Ở Hà Nội có miếu thờ bà Chúa Kho Lý Châu Nương.
|
Hình minh họa. |
Châu Nương là con gái của một vị tù trưởng họ Lý tên là Quỳnh ở phường Cổ Pháp, huyện Tiên Du, đạo Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh). Sau đó gia đình ông chuyển đến phường Võ Trại (nay gọi là làng Giảng Võ, Hà Nội). Bà sinh ngày 22 tháng hai năm Ất Tỵ (1245), nổi tiếng là cô gái xinh đẹp, thông minh lại có tài võ nghệ, thật là một trang nữ lưu tuấn kiệt. Bấy giờ có vị Thái bảo là dòng dõi nhà Trần, người Chân Định đạo Sơn Nam giữ chức đô đốc ở Hoan Châu, cũng là bậc anh tài, tuấn kiệt. Vợ cả của ông mất sớm, nghe tin Châu Nương xinh đẹp, tài nghệ nổi tiếng khắp kinh thành, ông liền đến xin cưới nàng làm vợ và đưa nàng về dinh.
Bấy giờ vào thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293), có giặc Nguyên sang xâm lược nước ta. Thế giặc rất mạnh, Trần Đô đốc và Châu Nương chỉ huy hơn ngàn tinh binh chiến đấu quyết liệt, nhưng bị giặc Nguyên vây hãm phải cố thủ trong thành Hoan Châu. Ông giao kho lương cho bà trông coi, còn mình tìm cách giải vây. Khi ông rút ra khỏi thành, giặc Nguyên thấy trong thành chỉ còn mình bà liền đem quân đánh thành để cướp lương thực và khí giới. Châu Nương một mặt cố giữ kho lương, mặt khác cắt tóc cải trang thành nam giới, cùng quân quyết đánh. Hơn một tháng mà địch không hạ được thành. Nhờ sự tiếp viện của Trần Đô đốc, giặc Nguyên thua chạy rút khỏi thành Hoan Châu.
Được tin thắng trận, vua phong cho Châu Nương làm Khố Nương công chúa, Quản chưởng quốc khố phu nhân, triệu về kinh đô trông coi kho lương của triều đình. Có lần nghe tin Vua và Trần Đô đốc ra khỏi thành đi đánh giặc, một số kẻ xấu định lợi dụng vào cướp kho lương, nhưng đã bị Châu Nương tiêu diệt, bảo vệ nguyên vẹn kho tàng. Sau đó Trần Đô đốc hy sinh ở mặt trận sông Thao, Châu Nương thương chồng vô hạn. Bà ngửa mặt lên trời mà nói "Trời sinh ta là gái, nhưng ta nguyện vì dân vì nước, dù thịt nát xương tan cũng phải để lại tiếng thơm muôn đời".
Biết thế không cản được giặc, bà cho phân tán cất giấu của cải kho lương nhà nước rồi lấy khăn hồng thắt cổ tuẫn tiết theo chồng. Từ đó nàng rất linh ứng phù hộ bảo vệ kho lương luôn được nguyên vẹn.
Được tin bà mất, nhân dân các vùng Hoan Châu, Ngọc Sơn, Đông Thành đều lập miếu thờ phụng. Bà được Vua phong là Anh linh hiển ứng khố nương công chúa; chủ khố đại vương phu nhân thánh mẫu. Cho phường Võ Trại (nay là Giảng Võ) được làm hộ nhi và được miễn sưu thuế để phụng thờ mãi mãi.
Sự tích của bà được ghi rõ ở câu đối thờ tại đình làng Giảng Võ như sau:
"Tài chinh túc sung quân, khổn nội mệnh văn thiên tử chiếu/Âm mưu năng thoái lỗi, quốc trung danh chấn nữ thần quyền". Nghĩa là: "Của cải đủ nuôi quân, khăn yếm ra tay vâng chiếu chỉ/Hồn thiêng còn đuổi giặc, non sông vang dậy tiếng thần quyền".
Đình thờ Bà Chúa Kho ở Giảng Võ tọa lạc tại ngõ 612 đường Đê La Thành và đã được xếp hạng di tích lịch sử năm 1994.
BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU