Lịch sử xây dựng đình Hậu ở xã Bắc Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là một câu chuyện đặc biệt khiến hậu thế không khỏi bất ngờ. Chính các nhà nghiên cứu cũng chưa khám phá được bí quyết dựng đền thủ công “thần tốc” của cha ông.
Làng nghèo lập mưu dựng đình
Các bậc cao niên trong làng cho biết ngôi đình có tuổi thọ trên 300 năm, dù không biết chính xác được dựng vào năm nào. Trước kia, xã Bắc Thành được chia thành 3 làng, gồm làng Thượng, làng Thái và làng Hậu. Mỗi làng đều xây một đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa của làng xã và thờ phụng Thành hoàng, tên các đình được gọi theo tên làng. Đình Hậu được xây dựng trên vùng đất có tên gọi là Cồn Thung, mặt quay hướng Nam, trông sang sông Vũ Giang và động Tù Và (thuộc ngọn núi cao nhất huyện Yên Thành). Lịch sử xây dựng ngôi đình là một câu chuyện đặc biệt khiến hậu thế không khỏi bất ngờ.
Cụ Nguyễn Đức Thứ (73 tuổi), một cao niên trong làng kể lại, ban đầu làng Thái và làng Thượng khá giả hơn nên dựng được đình làng trước, riêng làng Hậu chưa có đình. Thời gian sau, làng Hậu muốn dựng một ngôi đình ở gần đình làng Thượng, bởi vị trí đình Thượng rất đẹp, được quan niệm là nơi long mạch có thể giúp dân làng ấm no, hạnh phúc. Nhưng dân làng Thượng nghe tin đã phản đối, sợ đình mới xây lên sẽ án ngữ hướng Tây Nam của đình làng mình, chiếm hết phúc lộc.
Để ngăn cản làng Hậu dựng đình, dân làng Thượng đã cử một đội trai đinh lực lưỡng gồm hơn 20 người có nhiệm vụ ngày đêm canh chừng, hễ thấy làng Hậu dựng đình thì phá. Tinh thần “quyết tử” đến mức cả làng quán triệt: Nếu có mệnh hệ gì thì vợ con và gia đình sẽ được làng lo chu đáo.
Các bô lão làng Hậu lo xung đột không đáng có với làng Thượng nên đành tạm hoãn việc thi công để tìm phương án thích hợp. Một kế hoạch âm thầm được triển khai. Bề ngoài, làng Hậu làm như đã từ bỏ ý định dựng đình nhưng vẫn chuẩn bị chu đáo các vật liệu. Thanh niên trai tráng lặng lẽ vào rừng chặt gỗ kéo về làng. Một thời gian sau, các vật liệu cần thiết để dựng đình đã đầy đủ, hiềm nỗi không thể dựng công khai được do bị làng Thượng canh chừng.
Nín thở lót rơm đóng ván
Rất nhiều cuộc họp làng Hậu được tổ chức nhưng vẫn chưa tìm ra cách nào vừa dựng đình vừa tránh xung đột. May thay có sự giúp đỡ của cụ quan Phủ về hưu (là hậu duệ của vị khai hoang lập làng) lúc đó đang ở tại quê hương làng Hậu. Lúc đó quan Phủ đang ở tại quê hương, các bô lão đã đến nhờ cụ giúp đỡ. Chiều tối hôm đó, cụ Phủ cho người đến mời tổ canh gác của làng Thượng đến nhà trò chuyện thân tình, đồng thời bày rượu thịt thết đãi cả nhóm. Được một người đức cao vọng trọng như cụ Phủ mời ăn uống, nhóm trai làng Thượng vui mừng, hãnh diện, không nghi ngờ gì cả, cùng nhau ăn uống no say và đánh một giấc ngon lành cho đến sáng.
Trong lúc tiệc rượu tại nhà quan Phủ diễn ra, người dân làng Hậu lặng lẽ dựng đình trong đêm tối. Không ai dám nói với ai câu nào, tất cả giao tiếp đều thông qua kí hiệu bằng tay, sợ tạo tiếng ồn sẽ bị người làng Thượng phát hiện. Thậm chí dân làng Hậu còn đem vải, rơm trải dưới các tấm gỗ để búa đóng cho êm.
Sau một đêm “nín thở” làm việc, trời tảng sáng cũng là lúc đình Hậu dựng xong. Tốp trai làng Thượng tỉnh dậy thì sự đã rồi, không ai dám phá. Từ đó hai ngôi đình tồn tại song song.
Điều đặc biệt, sau đó giữa sân đình Hậu bỗng dưng mọc một cây sung, cành lá phát triển rất nhanh. Lo lắng cây lớn lên chọc thủng cả mái đình, một số người có ý định chặt cây, nhưng lại sợ thần linh quở phạt. Cây sung cứ thế đội đất, đội gạch vươn lên tỏa bóng khắp sân đình và tồn tại đến ngày nay. Quả sung trĩu trịt, mọc leo từ gốc đến ngọn. Mỗi khi nhánh cây chìa ra chuẩn bị làm hỏng mái đình, những người trông coi lại làm lễ thắp hương xin phép chặt cành.
|
Cây sung đội gạch mọc lên giữa đình.
|
Dựng một đêm, đứng vững hơn 300 năm
Đình Hậu được làm theo kiến trúc chữ “Khẩu” gồm có nhà bái đường, nhà tả vu và nhà hậu cung, trong đó nhà bái đường và nhà hậu cung song song với nhau. Đáng chú ý hơn cả là hệ thống ván hồi phía hai bên nhà bái đường được các nghệ nhân tạo nên những tác phẩm điêu khắc mang giá trị thẩm mỹ cao. Đề tài trang trí chủ yếu mang tính truyền thống, vừa mang đậm kiến trúc cung đình vừa mang đậm nét dân gian như cảnh vinh quy bái tổ, đánh cờ, các hình long, ly quy, phượng… Hoa văn chạm trổ tinh tế khiến ai nhìn cũng phải tấm tắc khen. Trong đình còn lưu giữ rất nhiều tượng Phật và các đồ cổ có giá trị lịch sử.
Đứng ở sân đình Hậu có thể phóng tầm mắt trông xa hàng chục kilomet. Lưng đình tựa vào Cồn Thung rậm rạp. Phía trước cổng có một chiếc giếng và ao rộng khoảng 3000m2. Nước trong giếng và ao quanh năm đầy ắp, trong vắt. Cạnh ao là một cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cách khoảng 70m ở phía Đông Bắc là đình Thượng. Cách 50m trên đỉnh Cồn Thung là ngôi chùa Thuần Hậu cổ kính. Đình Hậu ở giữa uy nghi, trầm mặc. Toàn bộ cấu trúc của ngôi đình dựng trong một đêm trải qua mấy trăm năm hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2002, ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trải qua sự tàn phá của thiên nhiên và thời gian, đình Thượng và đình Thái ở gần đó đều bị xuống cấp, hư hỏng, chỉ duy nhất đình Hậu vững chãi cho đến ngày nay. Điều này gây ngạc nhiên vì đình Hậu chỉ được dựng vội vàng trong một đêm. Nhiều nhà nghiên cứu đã đến tìm hiểu về kĩ thuật dựng đình của cha ông nhưng bí mật vẫn chưa được khám phá.
Rộn ràng hội đình hàng năm
Ngôi đình qua mấy trăm năm còn tránh được mưa bom bão đạn một cách kỳ diệu. Khi nhiều nhà cửa, đền chùa trúng bom bốc cháy ngùn ngụt, đình Hậu vẫn an lành. Xung quanh ngôi đình còn rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Một số người dân sống gần đình cho biết, trước đây có một số người vào đình trộm gỗ, gạch và đồ vật về dùng, sau đó đều lăn ra ốm không rõ nguyên nhân. Người nào đem đồ vật lên đình trả rồi thắp hương tạ tội, về sẽ khỏi. Người nào không chịu trả đồ thì cứ ốm lay lắt dù chạy chữa khắp nơi.
|
Đình Hậu vẫn lưu giữ các sắc phong và bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
|
Một cao niên thành kính cho biết: “Ngôi đình này rất linh thiêng, ai vào đình nói bậy, xả rác lung tung hay trộm cắp đều sẽ bị quở phạt, nhẹ thì lăn ra ốm, tai nạn bất ngờ, nặng thì mất mạng. Người dân chúng tôi không ai dám làm điều gì mạo phạm trong đình Hậu. Hiện nay dù gỗ và gạch trong đình rất nhiều nhưng tuyệt đối không ai dám đụng đến”.
Ông Trần Danh Lam, cán bộ văn hóa xã Bắc Thành, cho biết: “Từ lâu Đình Hậu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Theo truyền thống địa phương, cứ vào ngày 10/2 âm lịch, người dân lại tổ chức lễ tế tại đình. Đó là dịp con em trong xã đang làm việc ở khắp nơi quay về để kính cẩn thắp hương trong đình làng, mong bình an cho gia đình. Chính quyền xã cũng đã có nhiều biện pháp bảo quản, giữ gìn ngôi đình chu đáo”.