Cột đá thề mới Đền Hùng: Liệu có hợp nơi thờ cúng?

Google News

(Kiến Thức) - Cột đá cũ trường khí không còn mạnh. Cột đá thề mới có trường khí âm, phù hợp nơi thờ cúng, nhưng cần đặt lại vị trí thích hợp.

“Đá thề” được sử dụng thế nào? 

Một là dưới hình thức lễ hội hiện đại tại Việt Nam: Lấy lễ hội ngay tại Việt Nam cho dễ hình dung, đó là lễ hội tại làng Hòa Liễu (Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) ngày 14 tháng Giêng âm lịch, mới được phục dựng lại từ năm 2003. Trước hương án người ta vẽ một vòng tròn bằng vôi, ở giữa có tâm gọi là vòng thề. Các bậc kỳ lão (12 cụ ông thọ nhất làng) chức dịch tề tựu trước hương án, bên ngoài vòng thề. Lễ hội minh thề giờ vẫn còn giữ tục uống máu. Một con gà chân vàng, lông nâu, mào đỏ thắm được bê vào khu vực hiến tế. Sau nhát dao, máu gà hòa trong hũ rượu. 

 Con dao hành lễ tại lễ hội ở Hải Phòng, dùng để cắt tiết gà chứ không phải "dao chém vào đá".

Vị chủ tế múc cho mỗi người một chén để đồng dạ, đồng lòng. Trước cột thông thiên, mọi người đồng thanh hô to “Y như lời thề”. Lời thề như dao chém vào đá, trời đất chứng kiến, thần linh ủng hộ. Cột đá thông thiên Hòa Liễu là một di tích cổ hiếm có với chiều cao 3,7m, tạo tác từ Hải Dương chuyển về Hải Phòng qua đường sông Bạch Đằng. Tại đây, có hai phần, cột đá thông thiên và bàn đá thề, chứ không phải cột đá thề.

 Tại lễ hội ở Hải Phòng, không có cột đá thề, mà là cột thông thiên và tấm đá thề. Phía sau không có người qua lại, nên trường khí sẽ ổn định.

Hai là dưới hình thức bộ lạc trên thế giới: Lấy nghi lễ của người Tayal trên đỉnh Smangus Đài Loan làm ví dụ. Đây là một bộ lạc nguyên thủy còn tồn tại trên ngọn núi cao nhất Đài Bắc. Để phân chia ranh giới, các bộ lạc có thể chung sống hòa bình, một trưởng lão lấy que vạch ranh giới lãnh thổ trên đất, mỗi bộ lạc cử người đặt một viên đá nhỏ làm chứng, sau đó chôn một cột đá để tuyên bố ranh giới chủ quyền, bắt lợn cắt tiết lấy máu, rồi đại diện các bộ lạc lấy máu bôi lên đá thề tượng trưng sự liên minh, hòa thuận.

 Bộ lạc người Tayal phân chia ranh giới.
 Chôn trụ đá để làm cột đá thề.
 Cắt tiết lợn cho vào xô, rồi cử đại diện lấy tay bôi lên đá thề.

Như vậy, hình thức lễ hội tại Việt Nam được phục dựng, cũng như một bộ lạc còn tồn tại đến ngày nay sử dụng, đều lấy máu làm vật dẫn kết nối thần linh, chỉ khác là của ta là "uống máu ăn thề" theo tục lệ từ thời Lý, còn của bộ lạc như Tayal vẫn dùng hình thức nhỏ máu lên đá. Cái chung là đều dùng máu động vật thay thế.

Giải mã cột “đá thề” đền Thượng

Theo bài viết đăng trên Người Đưa Tin ngày 13/6/2013, cột đá thề cũ đang được lưu giữ tại bảo tàng Hùng Vương. Cột đá này do Lê Tượng - Trưởng ban quản lý Khu di tích Đền Hùng tự dựng lên từ năm 1968, là cột đá thề tượng trưng. Khi tìm thấy những cột đá cổ của ngôi miếu nằm sâu trong lòng đất tại khu vực Đền Thượng, ông đã lấy một trong những cột đá đó, cho tôn tạo mô phỏng cột đá thề xưa, và đặt cột đá này ở phía bên trái Đền Thượng với ý nghĩa tượng trưng nhằm răn dạy con cháu về ý thức xây dựng, bảo vệ non sông và tri ân tiên tổ.

 Cột đá thề cũ, lấy từ cột đá cổ của ngôi miếu.

Cột đá thề mới được thay năm 2011, khi ông Nguyễn Tiến Khôi làm Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng, nay là Chủ tịch Hội sử học Phú Thọ. Người tìm thấy cột đá thề mới - khối mã não cao 2,6m là Lê Mạnh Tuấn - hội viên Hội Di sản Việt Nam.
 Cột đá thề mới nên di chuyển ra nơi ghi công đức để có "tọa".

Tranh cãi hiện nay chủ yếu xoay quanh vấn đề "cột đá thề cũ" đã bị thay bằng "cột đá thề mới", trong đó có các vấn đề cần làm sáng tỏ: Thứ nhất, cột đá thề cũ có phải từ thời Hùng Vương không? Thứ hai, trường khí cột đá thề cũ thế nào? Thứ ba, cột đá thề cũ có phải đưa về vị trí cũ không? Thứ tư, cột đá thề mới có phù hợp không? Thứ năm, vị trí cột đá thề nên đặt ở đâu? Giải quyết được các câu hỏi này, ta sẽ có cách ứng xử thích hợp.

Về câu hỏi thứ nhất, cột đá thề cũ có phải từ thời Hùng Vương không? Giải thích của ông Nguyễn Tiến Khôi - Nguyên giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng: "Cột đá thề được dựng khi vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán" là hợp lý. Cột đá được dựng sau thời vua Hùng, lại trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, câu chuyện lại mang tính "sự tích" khó có thể kiểm chứng, khó có một trụ đá hay cột đá thề tồn tại và lộ thiên được đến ngày nay. Ông Nguyễn Tiến Khôi cũng cho rằng cột đá cũ được dựng từ chân cột miếu cũ vào năm 1968, giải thích này có phần hợp lý khi cột đá có những mặt được mài nhẵn, không thể có vào thời Thục Phán. Hơn nữa chính ông Vũ Kim Biên - người nghiên cứu lâu năm về đền Hùng, cách đây hơn 1 năm lại đưa ra giả thiết về đá thề ở dưới đền Hạ. 

 Cột đá thề cũ đã gãy, không còn trường khí tốt và mạnh.

Lời bàn: Thực tế cột đá thề cũ đền Thượng, hay hai hòn đá dưới đền Hạ đều chỉ có tính giả thiết, hay mô phỏng lại. Có đúng hay không còn phải khảo cứu lâu dài, và khó có chứng minh thuyết phục, nên cũng không cần thiết phải phục dựng lại cột đá cũ, cũng như khảo sát hai hòn đá đền Hạ.

Thứ hai, trường khí cột đá cũ thế nào? Bản thân hòn đá nhỏ bình thường đã có năng lượng, hay trường khí, tất nhiên trường khí âm hay dương, tốt hay xấu còn phải kiểm tra sau, nhưng khi đưa vào thờ cúng, trường khí sẽ gia tăng đáng kể, cả về năng lượng đo đạc thực tế cũng như tâm linh. Tiếc là không đo đạc được trường khí cụ thể, nên chúng tôi không dám kết luận, tuy vậy trường khí sẽ không được mạnh, nhất là khi đã vỡ đôi, nên cũng không thể sử dụng lại. 

Nhận định chủ quan của người tập khí công "hòn đá hút được nhiều năng lượng dương khí và có thể chữa bệnh" là chưa hiểu thấu đáo về tâm linh, cũng như không thuyết phục. Không phải lúc nào dương khí mới là tốt, và không phải đá nào cũng dùng để chữa bệnh. "Hòn đá lạ" có trường khí âm trong đền Thượng sẽ xấu, vì nó tạo ra âm khí lan tỏa ra xung quanh, mang đi đâu đặt nó vẫn mang khí xấu, âm khí này là do bị "nhiễu sóng điện từ" bởi các hình thù, ký tự chằng chịt vẽ bên trên, phát sinh từ bên trong, và vỏ ngoài hòn đá. 

Nhưng ngược lại, với hòn đá được thờ cúng, có bát hương và hàng ngày người dân tới lễ, nó sẽ mang trường khí âm, nhưng trường khí âm này là "âm khí" từ linh khí của thần linh nhập vào, phát sinh từ bên ngoài hòn đá. Âm khí của "cột đá thề" là tốt, trong trường hợp cúng tế, chiêm bái, nhưng cũng sẽ không tốt nếu đứng gần thường xuyên, nên không có chuyện đứng cạnh cột đá ở đây mà mong chữa bệnh. Nếu nói lên vùng đất Tổ, không khí trong lành, trường khí tốt, tâm tư thoải mái, giúp giảm bớt lo lắng về bệnh tật, tăng thêm niềm tin chữa bệnh,... thì còn chấp nhận được.

Thứ ba, cột đá thề cũ có phải đưa về vị trí cũ không? Như đã phân tích ở trên, cột đá thề cũ không phải có từ thời Thục Phán, không phải di tích cổ, khả năng chỉ là cột đền cũ, đã gãy, trường khí không còn ổn định, nên cũng không nên mang lại vị trí cũ. Như vậy sẽ phải thay bằng cột đá mới.

Thứ tư, cột đá thề mới có phù hợp không? Hay phải thay tiếp bằng cột đá khác? Như đã phân tích về trường khí của cột đá cũ, cột đá mới dùng để thờ cúng, cũng sẽ có trường khí âm. Đo đạc thực tế bằng máy đo năng lượng cảm ứng cho thấy, cột đá thề mới có trường khí âm. Với máy đo điện từ trường (trường Maxwell), trường khí ở sân ngoài xung quanh ở mức 529-600Khz, đến gần cột đá thề mới trường khí âm không ổn định ở mức 307~457Khz. Phương pháp đo đạc thực tế tại hiện trường, bằng cách kết hợp giữa máy đo năng lượng cảm ứng và máy đo điện từ trường có thông số định lượng, là phương pháp làm khoa học đáng tin cậy nhất hiện nay. 

Trường hợp dùng con lắc, ngồi tại nhà, in hình ảnh hòn đá ra giấy rồi đo ra năng lượng âm hay dương, thấp hay cao chỉ là huyễn hoặc, mang đầy tính chủ quan. Cảm nhận cá nhân tại hiện trường mà không có máy móc còn thiếu tính thuyết phục, nữa là ngồi một chỗ xa vời để phán, chẳng khác gì "bàn binh trên giấy". Nếu dùng còn lắc ngồi một nơi biết được sự thay đổi của trường khí, bắt mạch được năng lượng ở nơi khác, thì các bác sỹ đã nhàn, chỉ cần con lắc là ngồi nhà khám bệnh được cho bệnh nhân ở bệnh viện!

Trường khí âm ở nơi thờ cúng là phù hợp, có thể giữ cột đá thề mới. Tuy vậy do đặt trơ trọi ngoài sân, người qua lại thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của trường khí. Như hình đá thề tại lễ hội tại Hải Phòng, nên đặt có "tọa" (chỗ dựa) để không có người đi lại đằng sau. Vậy cần đặt ở đâu?

Thứ năm, vị trí cột đá thề nên đặt ở đâu? Muốn đặt cột đá ở đâu cho phù hợp cần xem xét phong thủy của đền Thượng. Để phân tích sâu về phong thủy đền Thượng có lẽ cần một bài chuyên sâu hơn, tuy vậy với tọa hướng hiện nay sơn tinh vượng tinh ở phía trước, trước đền Thượng cần có "sơn", nên chỉ có hai phương án hợp lý là di chuyển cột đá thề ra chính giữa trước đền Thượng (phù hợp phong thủy, nhưng không có tọa sơn, tạm chấp nhận được), hoặc di chuyển ra hẳn ngoài cùng bên trái thay vào vị trí nơi ghi công đức (phù hợp phong thủy, có tọa sơn, đảm bảo trường khí ổn định cho cột đá thề, là phương án tối ưu, trong trường hợp này, nơi ghi công đức cần chuyển xuống sân dưới). 

Với khảo sát và phân tích như trên, theo chúng tôi, cột đá cũ khả năng lớn không phải cột đá thề từ thời Thục Phán, đã gãy, trường khí không còn mạnh, không nên phục dựng. Cột đá mới có trường khí phù hợp, có thể sử dụng nhưng cần đặt lại vị trí thích hợp.

Phòng nghiên cứu Phong thủy Kiến trúc 

Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị - ĐHXD


TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bình luận(0)