Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui được sum vầy cùng con cái, bố mẹ, người phụ nữ còn phải đối diện với đủ nỗi lo như: sắm sửa quà Tết, dọn dẹp nhà cửa, đón tiếp khách khứa... Không chỉ vậy, ngày Tết họ còn phải chịu những cơn bức xúc, nỗi lo lắng, sợ hãi khi ông chồng của mình thường xuyên say xỉn, mê rượu hơn mê vợ.
Ngập đầu trong rượu
Tết đến, đàn bà sợ bếp, đàn ông sợ rượu. Hễ đến nhà ai chúc Tết, thay vì miếng trầu, chén rượu đã trở thành đầu câu chuyện. Mà lý đó đã chính đáng đến vậy thì chẳng mấy người dám hoặc muốn chối từ.
|
Trong ngày Tết, chén rượu đã thay miếng trầu trở thành đầu câu chuyện (ảnh minh họa). |
Chính bởi vậy mà ngoài nỗi lo bếp núc, khách khứa, ngày Tết người phụ nữ còn phải đối diện với một nỗi sợ nữa là dọn dẹp bãi nôn mửa của chồng.
Chị Hằng (30 tuổi, Vĩnh Phúc) kể từ khi lấy chồng đến nay, hiếm khi có một cái Tết trọn vẹn, vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm vì ông chồng có tính ham vui, thích tụ tập, nhậu nhẹt. Đến nhà ai, chồng chị cũng nâng chén, cụng ly, khi thì “bắc cạn”, lúc lại “trăm phần trăm”. Kết quả là cuối bữa tiệc rượu, chồng chị luôn ở trong tình trạng đổ gục như cây chuối, toàn thân mềm nhũn như sợi bún.
Không thể tiếp tục cùng chồng đi chúc Tết đã là một nỗi bực nhưng điều khiến chị ấm ức hơn cả là phải dọn dẹp bãi “rác thải” của chồng. Rượu vào lời không ra mà chỉ thấy cơm cháo “thổ” ra, chị nhắm mắt mũi lau lau, chùi chùi vừa bực bội vừa tủi thân.
“Chồng người ta, sáng đi chúc Tết, tối về quây quần bên vợ con, còn chồng tôi thì sáng tối say xỉn. Vẫn biết cả năm mới có ngày Tết, việc chúc tụng, chén rượu, chén chè là không tránh khỏi nhưng làm chồng, làm cha rồi cũng phải biết tửu lượng mình đến đâu mà liệu uống chứ. Nhiều lúc nhìn chồng mặt đỏ tưng bừng, cầm chén rượu “zô zô” mà tôi vừa lộn ruột vừa xấu hổ, chưa kể, còn phải lo lắng về chuyện sức khỏe của chồng. Thế nên, cứ hễ đến Tết là tôi thấy sợ”, chị Hằng chia sẻ.
Không ham vui, không thích nhậu nhẹt nhưng vì cả nể nên Tết này chồng chị Thắm (29 tuổi, Vĩnh Phúc) cũng luôn ở trong tình trạng say xỉn. Kể từ ngày cưới đến nay đã được 5 năm, đây là lần đầu tiên vợ chồng, con cái chị về quê ngoại trọn vẹn 3 ngày Tết nên đi đâu, chàng rể quý cũng được... mời rượu.
Với những lời mời mọc hết sức chân tình, chồng chị Thắm không thể từ chối chén rượu nào. 5 năm mới được một lần về ngoại ăn Tết, chị cũng không dám chạy đến cản chồng tiếp rượu, sợ cả nhà mất vui. Thế là hết chén này đến chén khác, chồng chị uống cho đến khi “gục” tại chỗ.
“Nhìn chồng uống rượu mà tôi xót ruột. Tửu lượng anh ấy kém, trước giờ lại chưa từng bị nhiều người “quây” đến thế nên không tránh được say xỉn. Trước khi về ngoại tôi chỉ lo chuyện xe cộ rồi quà Tết nhưng sau này chắc tôi còn phải lo thêm khoản chồng tiếp rượu”, chị Thắm giãi bày.
Mất Tết vì rượu
Không ít lần bực bội về ông chồng mê rượu hơn mê vợ nhưng chưa bao giờ chị Thúy (32 tuổi, Hưng Yên) phải trải qua phen hú hồn như Tết này. Chồng chị bị ngộ độc rượu vào đúng hôm mùng 2 Tết.
Chị kể: “Mùng hai thường là ngày các anh em bên nhà nội tôi sum họp. Sáng đó, anh ấy đã uống rất nhiều rồi, trưa về chưa kịp ăn gì đã lại lật đật xuống nhà ngoại ăn uống với các anh. Tối về, anh ấy bảo vẫn còn một “kèo” với hội bạn nữa, tôi giật mình khuyên chồng ở nhà vì thấy anh ấy uể oải quá rồi, thế mà anh ấy không chịu. Y như rằng, hai tiếng sau có người gọi về, bảo đang đưa anh ấy đi cấp cứu, tôi rụng rời hết chân tay”.
Chị Thúy cho hay, chồng chị do uống quá nhiều rượu trong một ngày, lại không ăn gì nên đã bị ngộ độc rượu.
“Nghe kể lại, lúc đó toàn thân anh ấy mềm như bún, mặt tím tái, liên tục nôn mửa, mọi người sợ quá đưa đi cấp cứu luôn. Tôi hoảng hồn, cũng may vào viện kịp thời nên anh ấy không sao nhưng con cái tôi thì mất Tết”, chị Thúy ngậm ngùi.
Trong cuộc vui ngày Tết, việc nâng ly, cụng chén là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, để niềm vui Tết được trọn vẹn, các đấng mày râu nên tự lượng sức mình, uống để vui chứ không phải để say.