Cách hòa giải giúp vợ chồng trẻ chấm dứt “chiến tranh lạnh”

Google News

Đừng ngại ngần cầu viện, tranh thủ sự giúp đỡ giải hòa từ bố mẹ ruột (hoặc bố mẹ chồng/vợ), con cái, bạn bè khi hai vợ chồng có chiến tranh lạnh.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ mới cưới rất hạnh phúc nhưng cũng đau đầu vì những vụ “chiến tranh lạnh”, dù muốn làm lành với đối phương nhưng không ai chịu mở lời trước. Lý do vì họ còn trẻ nên rất đề cao cá tính, lòng kiêu hãnh của bản thân.
Cach hoa giai giup vo chong tre cham dut
Ảnh minh họa. 
6 cách sau đây sẽ giúp những người trong cuộc “chữa cháy” trong hoàn cảnh đó:
1. Tìm mọi cách bắt chuyện với người ấy
Giả vờ nhắn tin nhầm hoặc kiếm cớ hỏi ý kiến về một vấn đề quan trọng nào đó để bắt chuyện lại với chàng/ nàng là điều bạn nên làm mỗi khi hai người xảy ra xích mích, bất hòa.
Tuy người kia đã thôi không giận hờn, “mặt nặng mày nhẹ” với bạn nữa nhưng vì lòng tự tôn mà họ không muốn phải hạ mình trước. Họ chỉ đang chờ bạn “bật đèn xanh” là sẽ “lao” tới ngay lập tức.
2. Chu đáo với việc nhà
Những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” là thời điểm bạn càng phải thể hiện vai trò của mình trong gia đình đối với người ấy.
Cho dù bạn là chồng hay vợ đi nữa thì việc bỏ công sức ra nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp để “lấy lòng”, tạo cảm giác thoải mái cho người ấy sau những giờ làm việc mệt nhọc cũng là điều vô cùng cần thiết.
Những việc làm đó sẽ khiến đối phương thấy ấm lòng, cảm thông và nhanh chóng vứt bỏ sự giận dỗi.
3. Dành thời gian cho gia đình nhiều hơn
Cách nhanh chóng để chấm dứt “chiến tranh lạnh” với người vợ/chồng trẻ của mình chính là sắp xếp công việc một cách khoa học. Hãy tạm gác những chuyện vặt vãnh (bạn bè, nhậu nhẹt, các dự án không quan trọng…) sang một bên để dành nhiều thời gian cho gia đình nhỏ của mình.
Chắc chắn “một nửa” của bạn sẽ rất vui khi thấy bạn thường xuyên có mặt ở nhà và “cố ý lượn lờ” trước mặt, kiếm cớ nói chuyện, sinh hoạt chung (xem phim, ăn uống, đi ngủ cùng lúc…) với bạn đấy.
4. Tổ chức tiệc nhỏ trong gia đình
Tại sao bạn không thử tổ chức một buổi tiệc nhỏ hoặc một cuộc vui chơi nào đó trong gia đình như: ăn lẩu, liên hoan linh đình, cả gia đình cùng nhau đi dã ngoại, đăng ký tham gia một game show vui nhộn…
Người ấy của bạn sẽ không thể nào từ chối cơ hội hàn gắn, hâm nóng tình cảm lý tưởng như vậy được.
5. Nhờ người thân làm cầu nối
Đừng ngại ngần cầu viện, tranh thủ sự giúp đỡ giải hòa từ bố mẹ ruột (hoặc bố mẹ chồng/vợ), con cái, bạn bè.
Bạn hãy thử tưởng tượng xem nếu mẹ bạn đứng ra thuyết phục chàng/nàng vài lời thì sẽ khiến đối phương cảm động, nể nang mà nguôi ngay cơn giận.
Hay cảnh đứa con gái xinh xắn, bé bỏng của bạn cứ chạy theo đối phương nằng nặc đòi cả bố lẫn mẹ đưa đi chơi, chắc chắn người ấy sẽ không thể từ chối, phần vì họ chiều con, phần vì họ cũng muốn làm lành lâu lắm rồi nhưng vì “giữ giá” nên chưa chịu mở lời trước mà thôi.
6. Cần một lời xin lỗi
Hãy dẹp bỏ thể diện, lòng tự cao của mình sang một bên (ngay cả khi bạn không làm điều gì sai trái) để nói lời xin lỗi với chàng/ nàng vì gia đình nhỏ của bạn quan trọng hơn những thứ ấy rất nhiều.
Một lời xin lỗi chân thành thể hiện sự ăn năn, lòng bao dung, quý trọng hạnh phúc, đặt gia đình lên vị trí số một. Lời xin lỗi ấy có thể nói thông qua tin nhắn điện thoại, ghi vào giấy, nhờ con cái chuyển lời hộ…
Bạn cũng có thể kèm theo đó một món quà nhỏ (bông hoa, chiếc áo mới, dụng cụ gia đình…) để tăng sự thuyết phục, làm vui lòng người ấy.
Những lưu ý cần thiết khi hai vợ chồng chiến tranh lạnh:
• Đừng tìm đến rượu bia, thuốc lá hay bất cứ thứ kích thích nào với mục đích giảm căng thẳng trước khi hòa giải.
• Đừng gọi anh ấy để đề nghị một cuộc trò chuyện nghiêm túc về mối quan hệ ngay giữa ngày làm việc căng thẳng.
• Nếu người bạn yêu gọi bạn không đúng lúc bạn chưa muốn nói chuyện với anh ấy, thì bạn vẫn nên nhấc máy. Chỉ cần yêu cầu anh ấy hãy gọi lại sau, hoặc nói với anh ấy rằng bạn sẽ gọi lại sau.
• Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện theo kiểu: "Anh có nhận ra lỗi của mình và sẵn sàng xin lỗi em chưa?" hay “Anh là kẻ chẳng ra gì, nhưng em yêu anh và tha thứ cho anh".
• Đừng ngay lập tức sau khi cãi nhau, bạn đến để yêu cầu "làm rõ mọi việc ở đây và ngay bây giờ”, bởi khi đó người yêu của bạn và cả bạn đều còn đang bừng bừng giận dữ.
• Đừng đe dọa anh ấy là nếu anh ấy không xin lỗi, bạn sẽ tìm một người khác.
• Đừng nhờ vả người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp hòa giải giùm bạn.
• Đừng thảo luận các nguyên nhân gây nên cãi vã trong thời gian hòa giải.
Theo Phununews

Bình luận(0)