Gần đây, video về dịch viêm phổi do virus corona liên tục xuất hiện trên nền tảng YouTube tại Việt Nam. Bên cạnh chia sẻ thông tin về dịch bệnh hay cách phòng tránh, có một bộ phận không nhỏ YouTuber mang chủ đề này ra để đùa cợt, câu view bất chấp như trường hợp dưới đây.
Cụ thể, một kênh YouTube tại Việt Nam với hơn 2 triệu lượt đăng ký, đã đăng video với nội dung giả vờ nhiễm corona để xem phản ứng của người thân.
|
Video giả vờ nhiễm corona để xem phản ứng người thân của một kênh YouTube có hơn 2 triệu lượt đăng ký tại Việt Nam. (Ảnh: N.P.Vlog) |
“Nhân dịp này, mình sẽ chơi Xu (vợ của YouTuber) bằng cách giả vờ bị dính virus corona để thử lòng, xem Xu phản ứng như thế nào”, người này nói trước máy quay.
Sau đó, YouTuber này chuẩn bị một cốc nước ấm và cặp nhiệt độ, leo lên giường giả bệnh chờ vợ quan tâm. Khi thấy chồng có nhiều triệu chứng giống người nhiễm virus corona, người vợ đã gọi điện cho bác sĩ để hỏi thăm và được khuyên nên đi khám đàng hoàng.
Tuy nhiên, YouTuber này sau đó lại đứng lên cười cợt và phun nước bọt khắp căn phòng.
Bên dưới bình luận, nhiều người xem đã tỏ ra bất bình đối với chủ kênh YouTube.
“Troll kiểu này không vui gì hết! Cứ giả vờ rồi đến khi mà bị thật thì lại chả ai thèm quan tâm! Đừng làm “Cậu bé chăn cừu” nữa! Vớ vẩn lên phường!”, một người xem bình luận.
“Chuyện dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng hàng trăm người, vậy mà anh mang ra làm trò đùa. Anh nên xóa video này đi”, một tài khoản khác lên án YouTuber.
Theo chia sẻ của một người làm YouTube, các video thiếu nghiêm túc thế này dễ tạo trào lưu lệch lạc, ảnh hưởng đến cộng đồng. Đặc biệt, những khán giả nhỏ tuổi như trẻ em nếu xem được có thể dẫn đến những suy nghĩ sai lệch về bệnh dịch nguy hiểm này.
Hiện tại, cộng đồng mạng Việt Nam đang kêu gọi report (báo cáo) những kênh có nội dung lấy virus corona ra để câu lượt xem.
Ngày 2/2 vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam sẽ yêu cầu Facebook, Google ngăn chặn, gỡ video, bài cùng các tài khoản đăng sai sự thật về dịch virus corona. Những tài khoản tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và gây khó khăn cho việc chống dịch sẽ bị đưa ra xử lý.