Mở hay đóng đều phải "chuẩn"
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, trời nồm là hiện tượng thời tiết xảy ra theo chu kỳ. Trời nồm xuất hiện vào tháng 2, tháng 3 và nửa đầu tháng 4, khi những đợt không khí lạnh biến tính không còn khô và lạnh mà bắt đầu ấm và ẩm. Các đợt không khí lạnh này mang hơi nước từ biển vào gặp bề mặt lạnh của đất liền và độ ẩm trong không khí cao liền bị ngưng kết lại. Đây chính là nguyên nhân khiến nhà cửa bị ẩm ướt, đặc biệt những nền nhà sử dụng đá, gạch tráng men (không thấm hơi nước) có bị đổ mồ hôi, đọng nước và trơn trượt.
Nhằm "trị" nồm, người dân thực hiện nhiều cách trái ngược nhau. Người thì mở, người thì bịt cửa. Tuy nhiên, thực hiện theo cách nào cũng cần phải làm đúng.
Lý do là vì muốn trị được nồm thì quan trọng nhất là phải tạo sự luân chuyển không khí giữa bên ngoài và bên trong, thay thế không khí ẩm hơn bằng không khí khô hơn. Đóng cửa làm hạn chế hơi nước từ ngoài bay vào, nhưng cũng "đóng" hơi nước từ trong nhà bay ra bên ngoài.
Nếu đóng kín cửa thì phải sử dụng máy hút ẩm hoặc máy điều hòa nhằm hút hết hơi ẩm trong phòng và thay bằng không khí khô hơn. Đóng kín cửa mà không sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm thì nhà vẫn bị ẩm ướt, đồng thời làm cho không khí bị "ô nhiễm" do không được lưu thông hoặc thay thế bằng không khí khác khô và sạch hơn. Tránh tuyệt đối việc đóng kín cửa rồi bật quạt. Hơi lạnh từ quạt thổi ra không những không làm bay hơi nước trong phòng đã bị đóng kín, mà còn làm cho không khí ẩm do hơi lạnh càng làm ngưng kết mạnh hơn, nước đọng lại càng nhiều hơn.
Trong trường hợp mở cửa thì phải mở cả cửa trước lẫn cửa sau, ví dụ, mở cửa chính thì phải mở cả cửa phụ hoặc mở cửa sổ. Cách này giúp không khí từ bên ngoài vào nhà bằng một cửa nhưng cũng tạo cơ hội cho không khí từ trong nhà thoát ra bằng một cửa khác (tùy vào hướng nhà).
Ngoài ra, trời nồm xảy ra thành từng đợt, cuối mỗi đợt, trời thường hửng nắng, thậm chí ngay trong thời gian trời nồm vào buổi trưa hoặc chiều, trời đôi khi cũng hửng nắng. Khi thấy trời hửng nắng thì phải mở toang nhà cửa để ánh nắng mặt trời tràn vào nhà, một phần "hong" khô nhà cửa, ngoài ra ánh nắng mặt trời tràn vào nhà còn giúp diệt virus, vi khuẩn tồn tại trong không khí trong nhà, làm sạch và khô không khí.
|
Đóng cửa làm hạn chế hơi nước từ ngoài bay vào, nhưng cũng "đóng" hơi nước từ trong nhà bay ra bên ngoài. |
Sấy, hút cũng phải chú ý
Ông Lê Văn Bình, Công ty dịch vụ vệ sinh Hoàng Gia cho biết, không chỉ làm nhà cửa ướt át, không khí ẩm ướt còn tác động đến các đồ điện tử trong gia đình. Với các trang thiết bị điện, điện tử nên cho máy chạy thường xuyên, kể cả khi không sử dụng cũng nên để ở chế độ chờ, để làm nóng máy, giúp hạn chế ảnh hưởng của hơi ẩm đối với các linh kiện bên trong. Đặc biệt, với máy ảnh nên đặt trong hộp chống ẩm chuyên dụng để đảm bảo máy được hoàn toàn cách ẩm. Nếu có điều kiện thì sử dụng máy sấy hoặc chế độ sấy của máy giặt để làm khô quần áo sẽ nhanh hơn là phơi ngoài trời.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, trong những ngày nồm ẩm, việc cắm điện để ở chế độ chờ với các thiết bị điện như máy tính, ti vi, đầu đĩa... sẽ giúp thiết bị không bị ẩm mốc. Ngay cả khi không sử dụng cũng nên 2, 3 ngày lại bật ti vi, máy tính, đầu, đài ít nhất khoảng một giờ sẽ có tác dụng "sấy" cho nóng máy và thoát hơi ẩm. Tránh để các thiết bị điện xuống nền nhà hoặc kê sát tường, nhất là tường bao quanh nhà vì độ ẩm của những bức tường này rất cao. Tốt nhất nên đặt các thiết bị điện tử cao hơn mặt đất khoảng 1m và cách tường 10 - 15cm.
Việc sử dụng máy hút ẩm cần lưu ý đến công suất máy, hầu hết các máy hút ẩm gia đình hiện có trên thị trường phù hợp với diện tích phòng khoảng 20 - 25m2. Khi dùng máy hút ẩm cần chú ý đóng kín các cửa thì mới đảm bảo hiệu quả hút ẩm. Thông thường, máy hoạt động hiệu quả nhất cũng chỉ có thể giảm độ ẩm xuống còn khoảng 50 - 60%. Khi sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa nên để ở chế độ "Dry".
TS Nguyễn Phan Kiên, Khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lưu ý thêm: Không phải trong thường hợp nào thấy thiết bị điện tử ẩm ướt cũng mang máy sấy ra "hong khô". Với những đồ điện tử phức tạp như ti vi, máy tính... nếu có trục trặc vào ngày nồm nên nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia. Tự ý tháo lắp và sấy không đúng có thể dẫn đến chập, cháy các mạch điện tử bên trong. |
ĐANG ĐỌC NHIỀU