Sáng chế “độc” đánh bay vi khuẩn trên khẩu trang của nhà khoa học quân đội

Google News

Các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật Quân sự phối hợp với Bệnh viện Quân y 103 đã thiết kế, chế tạo thành công buồng khử khuẩn sử dụng tia cực tím nhằm khử khuẩn thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang y tế N95.

Tái sử dụng lại khẩu trang nhờ tia cực tím
TS. Nguyễn Mạnh Cường, chủ nhiệm Bộ môn Điện tử Y sinh, Khoa Kỹ thuật Điều khiển, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, trong đại dịch COVID- 19, các thiết bị y tế như các bộ đồ bảo hộ, khẩu trang N95... được sử dụng rất nhiều. Nhiều nước khi dịch COVID -19 bùng phát đã xuất hiện tình trạng khan hiếm đồ bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang y tế N95.
Sang che “doc” danh bay vi khuan tren khau trang cua nha khoa hoc quan doi
 Với buồng khử khuẩn, khẩu trang y tế N95 có thể tái sử dụng lại được.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, khẩu trang y tế N95 được sản xuất từ vật liệu polypropylene nhiều lớp và được thiết kế vừa với khuôn mặt để tránh tối đa lượng khí lọt ra ngoài, hạn chế sự xâm nhập của virus vào trong. Đây là loại khẩu trang đắt tiền, công suất sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh.
Trước tình trạng này, một số nước trên thế giới đã tính đến phương án tái sử dụng đồ bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang N95. Có 3 phương pháp được các nhà khoa học đưa ra gồm: để khẩu trang trong điều kiện không khí khô từ 3 - 4 ngày; sử dụng nhiệt (70 độ C trong 30 phút) và sử dụng tia UV. Ngoài ra ở Mỹ, các nhà khoa học còn sử dụng hóa hơi nước oxi già để làm sạch khẩu trang.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ toàn dân chung tay chống dịch, sau một thời gian nghiên cứu, hợp tác cùng Khoa Kiểm soát nhiễm bệnh, Bệnh viện Quân y 103, Bộ môn Điện tử y sinh- Khoa Kỹ thuật Điều khiển đã bắt tay thiết kế buồng khử khuẩn sử dụng tia cực tím (model UV MTA).
Sang che “doc” danh bay vi khuan tren khau trang cua nha khoa hoc quan doi-Hinh-2
Cận cảnh buồng khử khuẩn của các nhà khoa học quân đội. 
Giải thích lý do lựa chọn công nghệ tia cực tím, TS. Nguyễn Mạnh Cường cho biết, công nghệ này có ưu điểm: thời gian tiệt trùng nhanh, không tiêu hao hóa chất, không gây ra mùi khó chịu cho người sử dụng…
Sau khi tính toán không gian, thời gian và công suất chiếu tia cực tím, các nhà khoa học quân đội đã quyết định thiết kế buồng khử khuẩn UV MTA với kích thước cao 120cm, rộng 55cm, sâu 60cm, có bánh xe linh động trong bệnh viện, công suất tiêu hao 120W, mật độ năng lượng chiếu tia UV có giá trị thấp nhất là 0.1mW/cm2.
Các bước khử khuẩn được thực hiện gồm: sơ chế thu hồi khẩu trang từ nhân viên y tế, xếp khẩu trang vào buồng theo hướng dẫn, chiếu tia cực tím trong 15 phút, máy sẽ tự động ngắt theo thời gian đã đặt.
Đánh bay vi khuẩn sau 15 phút
TS. Nguyễn Mạnh Cường cho hay, thời gian nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp buồng khử khuẩn là tháng 3/2020, đúng thời điểm căng thẳng của dịch. Lúc đó, tất cả các cửa tiệm, kể cả gia công cơ khí đều đóng cửa, thầy trò phải lặn lội ra ngoại thành, tìm cửa hàng cơ khí rồi đóng cửa tự gia công bên trong. Sau nhiều khó khăn vất vả, buồng khử khuẩn ra đời.
Sau khi chế tạo thành công buồng khử khuẩn UV MTA được đưa đi đo lường các tham số bức xạ UV tại Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng quân đội, đồng thời được đưa sang khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân y 103 để đánh giá hiệu quả khử khuẩn.
Quy trình đánh giá hiệu quả khử khẩu bao gồm: khuẩn được cấy lên mẫu, sau đó mẫu được đưa vào buồng, chiếu tia trong 15 phút. Công đoạn cuối cùng là mẫu được đưa đi đánh giá. Kết quả khử khuẩn đạt được các yêu cầu đề ra, cụ thể là sau 15 phút đã diệt hoàn toàn các vi khuẩn thuộc chủng S. aureus và P. aureginosa với số lượng 0,3.107 vi khuẩn/ml.
TS. Nguyễn Mạnh Cường cho biết, với công suất này trong 1 giờ sẽ giúp khử khuẩn được từ 60-80 khẩu trang N95 cùng nhiều đồ bảo hộ.
“Buồng khử khuẩn UV MTA là thiết bị dự phòng để khử khuẩn nhằm tái sử dụng khẩu trang N95 trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguồn cung ứng khẩu trang khan hiếm, hoặc không có để sử dụng”, TS. Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh “Hy vọng rằng, với kết quả này, sau khi hoàn thiện các thủ tục cấp phép, sản phẩm có thể được sản xuất hàng loạt với thương hiệu Học viện Kỹ thuật quân sự góp phần vào nỗ lực chống dịch COVID- 19”.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Mời độc giả xem video:Quảng Ninh - Bắc Giang: Đoàn kết, nghĩa tình trong chống dịch. Nguồn: QTV.


Lan Hoa

>> xem thêm

Bình luận(0)