Hiện ổ dịch COVID-19 tại KCN Bắc Giang đang rất phức tạp, khiến Bắc Giang trở thành tỉnh có ca mắc COVID-19 tăng “chóng mặt”.
Theo các chuyên gia mức độ lây nhiễm COVID-19 ở Bắc Giang đang rất phức tạp. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài. Việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến dịch lây lan...
Từ trường hợp nhiễm COVID-19 tại KCN Bắc Giang cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm việc trong khu công nghiệp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro thành ổ dịch. Nguyên nhân là do tập trung đông công nhân, làm việc trong môi trường kín, đi lại nhiều, nhà ở chật chội đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại…
Câu hỏi đặt ra làm thế nào để doanh nghiệp vững vàng vượt qua được dịch COVID 19?
PGS.TS. BS. Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 198 cho biết, thoáng khí đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch COVID -19, nhất là đối với các doanh nghiệp tập trung một lượng lớn công nhân.
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các doanh nghiệp cần hạn chế đến mức thấp nhất việc làm việc trong phòng kín, bí.
|
Môi trường làm việc trong doanh nghiệp cần đảm bảo thoáng khí. |
Thay vào đó, để phòng dịch COVID -19 hãy tăng cường không khí trong lành ngoài trời vào trong tòa nhà bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào. Ngoài ra, sử dụng quạt để tăng hiệu quả lưu thông không khí khi mở cửa sổ.
Để làm điều này một cách an toàn, vị trí đặt quạt rất quan trọng và sẽ tùy thuộc vào hình dạng phòng. Tránh đặt quạt theo cách có khả năng luân chuyển không khí bị nhiễm mầm bệnh từ người này sang người khác một cách trực tiếp.
Ngoài ra, cần giảm sử dụng những không gian không thể tăng cường thông gió ngoài trời.
Một lưu ý nữa để phòng dịch COVID -19 là cần cải thiện chất lượng không khí nơi làm việc, ví dụ xem xét hệ thống quạt/lọc không khí dạng hạt (HEPA) di động để giúp tăng cường khả năng làm sạch không khí. Một việc làm cần lưu tâm khác đấy là thường xuyên làm sạch và khử trùng không gian làm việc.
Cách ly chủ động
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đóng tại các khu công nghiệp có đặc điểm là tập trung một lượng công nhân lớn, đi lại nhiều, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại… Vì thế rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Vì vậy, ngoài thay đổi ca hoặc phân chia ca làm việc; điều chỉnh giờ làm việc để giảm tiếp xúc; đo thân nhiệt; điền thông tin tờ khai y tế.. theo PGS.TS. BS. Hoàng Thanh Tuyền, khi có dịch tốt nhất các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần “cách ly” chủ động công nhân với môi trường bên ngoài.
Nếu có thể doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong khu công nghiệp nên bố trí nơi ở tập trung cho công nhân, có xe đưa đón từ chỗ làm đến nơi làm để hạn chế công nhân đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều. Việc này có thể gây tốn kém cho doanh nghiệp, công nhân cảm thấy gò bó, bí bách. Nhưng, trong điều kiện dịch bệnh, đó là một giải pháp để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, việc này cần đảm bảo điều kiện về nơi ăn, chốn ở, chất lượng bữa ăn cho người lao động. Đặc biệt việc đưa đón công nhân đi làm bằng xe cần đảm bảo thực hiện đúng quy định phòng dịch của Bộ Y tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn.
Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần xây dựng kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra và tùy từng mức độ để kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng, từ việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, tới đảm bảo phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19.
Tuân thủ 5K
Một trong những vấn đề cốt tử của doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cần phải làm trong mùa dịch đấy là tuân thủ thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế).
|
Đeo khẩu trang cần được coi là một nếp sinh hoạt. |
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp cần giám sát chặt việc đeo khẩu trang của công nhân tại nhà máy, xí nghiệp; ngoài nước sát khuẩn cần lắp đặt thêm nhiều bồn rửa tay gần phân xưởng sản xuất để người lao động rửa tay thường xuyên.
Ngoài ra, cần nghiêm túc thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách và không tập trung đông người. Ví dụ, tại nơi làm việc có thể thiết lập vách ngăn, chỗ ngồi đảm bảo giãn cách, điều chỉnh giờ làm/giờ ăn để tránh tập trung đông người.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với tất cả lao động; rà soát, phân loại, cách ly y tế theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Theo PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền, 5K chính là lá chắn trong phòng chống dịch, đặc biệt, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang cần được coi là nếp sinh hoạt hàng ngày, cần thay đổi tư duy và thói quen để coi đây là biện pháp phòng dịch nghiêm túc.
Kiến nghị tiêm vaccine cho công nhân
Ngày 24/02/2021, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam
Từ ngày 8/3, Việt Nam đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu như các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các lực lượng công an, quân đội…
Ngày 16/5, Việt Nam tiếp tục nhận 1.682.400 liều vaccine của AstraZeneca đợt 2 do chương trình COVAX tài trợ để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay các công nhân làm việc trong nhà máy, xí nghiệp là những người trên tuyến đầu sản xuất và cũng là những người thuộc nhóm nguy cơ cao khi dịch bùng phát. Vì thế, cần xem xét kiến nghị để đưa công nhân trong các công xưởng, nhà máy vào diện được tiêm vaccine sớm.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.