Làm giả bằng máy cắt tiện vi tính
Theo đó, Trần Văn Phương, chủ cửa hàng kinh doanh máy lọc nước tại 137 phố Định Công, quận Hoàng Mai đã không xuất trình được giấy tờ cũng như chứng từ liên quan chứng minh nguồn gốc hàng hóa khi lực lượng cảnh sát kinh tế Đội 4, Công an TP Hà Nội yêu cầu.
Tại đồn công an, đối tượng khai nhận ký hợp đồng với một xưởng sản xuất thuộc Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Đào Thịnh có địa chỉ tại ngõ 15 tổ 1 Định Công, Thịnh Liệt, để “liên kết” làm giả các thiết bị. Khi khám xét xưởng trên, cơ quan công an bắt quả tang nhân viên của công ty đang thực hiện cắt tiện nhiều lõi lọc nước giả nhãn hiệu Kangaroo.
Bước đầu, nhân viên khai nhận, chỉ với chiếc máy tiện cắt chữ vi tính, mỗi ngày cơ sở này cho tung ra hàng trăm lõi lọc nước, cùng nhiều thiết bị khác để “dựng” thành máy lọc nước Kangaroo giả. Sau khi hoàn tất thành phẩm, nhân viên dán nhãn mác in chữ Kangaroo vào để giao cho Trần Văn Phương bán.
Ở phương diện sử dụng máy lọc nước an toàn cho sức khoẻ, KS Nguyễn Văn Lâm, Phòng Môi trường, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, có hai hình thức làm nhái, giả sản phẩm lọc nước hiện nay. Đó là sản phẩm có chất lượng nhưng dán nhãn mác giả nhằm mục đích tiêu thụ hàng. Còn loại nhái giả thứ hai là hàng không đạt chất lượng, dán nhãn có uy tín để bán kiếm lời. Với cách nào doanh nghiệp cũng thiệt hại, nhưng nhái bằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ rất cao, đặc biệt là thiết bị lọc nước RO.
“Bởi người dân dùng máy lọc nước chủ yếu ở những nơi có nguồn nước đầu vào không đảm bảo. Với máy giả, người dân vẫn chủ quan nước đã an toàn nên sử dụng không phòng tránh. Vô hình chung, hàng giả khiến họ rước thêm bệnh vào người. Trong khi, nước không sạch không thể phân biệt bằng mắt thường mà phải qua các phân tích hóa học”, KS Nguyễn Văn Lâm cho hay.
|
Người dân nên mua sản phẩm tại các địa điểm phân phối, có ký kết đại lý để mua hàng đạt tiêu chuẩn |
Những nguy cơ
Vị chuyên gia này cũng cho hay, hiện có nhiều loại màng lọc được nhái RO như màng siêu lọc, vi lọc... Các màng lọc nhìn bề ngoài đều có kết cấu, hình dáng giống nhau nhưng thực chất hoàn toàn khác. Để làm giả, các đối tượng chỉ cần gọt dũa rồi dán nhãn mác (in ở đâu cũng được) là có thể qua mặt người tiêu dùng. Dù trên nhãn được đề xuất xứ Mỹ, Canada, Úc... nhưng thực chất sản phẩm “made in” Trung Quốc hoặc gia công như trường hợp trên. Người làm giả không mất công kiểm soát từng thiết bị mà đặt hàng hàng loạt.
“Màng RO lọc theo nguyên lý thẩm thấu ngược, loại bỏ triệt để các chất đi qua như kim loại nặng, vi khuẩn cũng như vi khoáng. Nước sau khi lọc đạt tiêu chuẩn là nước đóng chai, tinh khiết. Trong khi các màng lọc khác có cấp độ thấp hơn, không thể tách khoáng, vi khuẩn... Đây chỉ là các màng lọc tiền xử lý cho quy trình lọc. Tại các địa điểm nước nhiễm độc như asen, người dân mua phải hàng giả, nhái coi như gửi tính mạng vào đó. Tưởng bỏ ra mấy triệu mua sức khoẻ thì lại mang họa hơn. Hiện các thiết bị lọc nước trên thị trường bị loạn, quản lý lỏng lẽo, dễ dàng làm nhái...”, KS Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.
Trao đổi về sản phẩm của công ty mình bị làm giả, ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc phụ trách pháp chế thuộc hãng Kangaroo cho hay, hiện công ty đang làm việc với cơ quan công an để tiếp cận thông tin sản phẩm nhái, giả. Trước đây, chính đơn vị này đã phát hiện một số trường hợp tương tự, tuy nhiên, chưa nghiên cứu kỹ sản phẩm dùng chất liệu gì, có đảm bảo chức năng lọc nước sạch cho người sử dụng hay không. Có thể sản phẩm của họ vẫn đạt chức năng lọc.
“Để mua hàng đạt tiêu chuẩn, người dân nên mua sản phẩm tại các địa điểm phân phối, có ký kết đại lý... Ngoài ra, khi mua máy lọc Kangaroo hãy cào tem trên thân máy, nhắn tin về tổng đài 1127 của Bộ Công an để xác minh hàng giả hay thật. Khi nhận được tin nhắn xác thực người mua mới phải thanh toán chi phí mua máy. Đây là biện pháp khách hàng tự bảo vệ mình”.
Ông Đặng Trần Khanh