Nhựa cây chống thối quả
Đây là kết quả của đề tài "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm bảo quản (chế phẩm tạo màng) dùng trong bảo quản một số rau quả tươi" do TS Nguyễn Duy Lâm và các cộng sự Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cùng các cộng sự đã nghiên cứu thành công
TS Nguyễn Duy Lâm cho biết, chế phẩm tạo màng là một dịch lỏng dạng nhũ tương được phun xịt bao quanh bề mặt rau quả, khi dịch lỏng khô đi tạo ra một lớp màng mỏng trong suốt trên bề mặt rau quả. Lớp màng mỏng này sẽ làm giảm khả năng trao đổi khí, từ đó làm chậm quá trình chín hoặc già hóa của sản phẩm. Chế phẩm có thể được sử dụng cho nhiều loại trái cây khác nhau như cam, bưởi, xoài, đu đủ, dưa chuột, cà rốt, dưa hấu.
|
Chế phẩm tạo màng là một dịch lỏng dạng nhũ tương. |
Chế phẩm tạo màng có thể được pha chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau gồm lipit, nhựa cây, polysaccharit, protein và một số ít polymer tổng hợp. Thực tế, đa số các chế phẩm đều là vật liệu composite có ít nhất hai thành phần tạo màng trở lên có bổ sung thêm các phụ gia chẳng hạn chất dẻo hóa, chất hoạt động bề mặt, chất chống bọt, chất nhũ hóa và chất bảo quản để bảo quản chế phẩm được lâu.
Hầu hết màng bao được làm từ các thành phần tự nhiên, không độc hại, trong nhiều trường hợp là những chất dinh dưỡng. Khi pha chế, tùy theo loại quả mà chọn loại nguyên liệu khác nhau để vừa đảm bảo hiệu quả bảo quản nhưng trên hết là phải đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm.
Chế phẩm tạo màng được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên như sáp ong, sáp carnauba, nhựa cánh kiến đỏ, axit béo... nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng.
|
Cam được bảo quản bằng chế phẩm (bên trái) và cam thông thường. |
Làm hoa quả "nghẹt thở"
TS Nguyễn Duy Lâm cho biết, màng bảo quản khi được bọc bên ngoài trái cây sẽ làm chúng "ngạt thở", giống như tình trạng chết lâm sàng. Làm giảm tổn thất khối lượng và giảm biến dạng hình thức do mất nước, làm giảm trao đổi khí (giảm O2, tăng CO2) dẫn tới làm chậm quá trình hô hấp, hay quá trình già hóa, cải thiện hình thức nhờ lớp màng bóng loáng, làm chất mang để bổ sung một số tác nhân hóa học chống vi sinh vật gây hư hỏng rau quả, làm giảm tổn thương cơ học trong vận chuyển.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, ở nhiệt độ bình thường, chế phẩm giúp kéo dài "tuổi thọ" thêm khoảng 8 ngày cho xoài, 40 - 50 ngày cho cam, quýt, 15 ngày cho chuối và gần 100 ngày đối với bưởi. Chất bảo quản đã được bôi lên cam Hà Giang, sau 45 ngày vẫn giữ được màu sắc và hương vị ban đầu, tỷ lệ thối hỏng và hao hụt khối lượng tự nhiên là 6%, hình thức và chất lượng quả được đảm bảo. Chế phẩm này đã được nhân rộng tại một số vùng có diện tích trồng cam, bưởi lớn như Nghệ An, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai, Vĩnh Long...
Người dân có thể pha chế phẩm vào bình có vòi rồi phun một lớp mỏng phủ lên trái cây. Sau khi khô, dung dịch sẽ tạo thành màng mỏng, làm chậm quá trình hô hấp, giảm mất nước tự nhiên và làm chậm quá trình già hóa của trái cây. Ngoài ra, lớp màng còn có nhiệm vụ ngăn sự tấn công của các loại vi khuẩn. Hiện Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cũng có chế tạo các hệ thống nhúng tự động cho trái cây.
Trong điều kiện thử nghiệm quy mô nhỏ tại phòng thí nghiệm, chế phẩm làm tăng thời gian bảo quản cam Vinh từ 20 ngày tới 60 ngày (tăng 3 lần), cam Hàm Yên và cam Hà Giang từ 20 ngày tới 45 ngày (tăng 2,2 lần), bưởi Diễn từ 4 tuần tới 12 tuần (tăng 3 lần), bưởi Đoan Hùng từ 4 tuần tới 13 tuần (tăng > 3 lần). Các chế phẩm có thể kéo dài thời gian bảo quản tới 45 - 60 ngày tùy theo giống quả có múi và điều kiện bao gói.