|
Anh Bùi Sỹ Tới bên sản phẩm máy cày mini tự sáng chế Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Hai năm sau, sản phẩm của anh được người dân ở nhiều tỉnh như Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An mua về dùng.
“Nhiều người bảo tôi khùng”
Sinh ra trong một gia đình đông con, anh Tới chỉ học hết trung học cơ sở rồi học thêm nghề sửa xe máy. Anh có niềm đam mê đặc biệt với nghề này.
Cách đây vài năm, xã Nậm Búng quê anh được tặng hai chiếc máy cày từ một dự án. Máy cày to, không phù hợp với địa hình vùng cao. Một người bạn anh Tới khi sử dụng máy đã bị thương khá nặng. Anh Tới nảy ý tưởng làm một chiếc máy cày phù hợp với đặc thù vùng cao để bà con tiện dùng.
Tận dụng động cơ xe máy đã qua sử dụng, anh Tới tiến hành cải tiến, lắp ráp, thay đổi cơ chế cài số của xe máy từ chế độ dùng chân đạp sang chế độ gạt cần số tay; cải tiến các số máy phù hợp với sản xuất. Trong quá trình cải tiến, lắp ráp, anh thường xuyên đưa chiếc máy cày tự chế của mình ra những thửa ruộng cạnh nhà chạy thử.
Khi chiếc máy đầu tiên hoàn thiện, anh Tới mang sản phẩm đi khắp vùng Văn Chấn giới thiệu, có hôm lặn lội đến mấy chục cây số. Tự đổ xăng, tự cày hàng chục héc ta cho bà con song sản phẩm của anh vẫn không bán được. “Mình cày giúp xong, bà con chỉ cười cảm ơn rồi bảo gia đình tôi chưa có điều kiện sắm”, anh Tới kể.
Nhiều người kêu anh là đồ khùng, suốt ngày chúi đầu vào đống sắt vụn . “Tôi về các địa phương giới thiệu sản phẩm. Chính quyền xã không những không động viên mà có khi nghĩ tôi là thằng hâm dở”, anh nhớ lại.
Cần mẫn qua hai vụ lúa đi cày không công cho bà con, một người bạn anh đã đồng ý mua sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, đến nay, hàng trăm sản phẩm của anh đã được tiêu thụ.
Sản xuất đến đâu, hết ngay đến đó
Hiện nay, không chỉ người dân trong vùng mà bà con nhiều tỉnh, thành khác cũng tìm đến mua sản phẩm của anh Tới như Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương . Một số đại lý bán máy cày cũng tìm đến cơ sở sản xuất của anh để nhập hàng về bán.
Xưởng sản xuất máy cày mini của anh Tới hiện có 6 nhân công. Mỗi tháng trung bình sản xuất 30 sản phẩm. Sản phẩm làm đến đâu, bán hết đến đó. “Tôi chưa dám sản xuất đại trà vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng, bà con không vừa lòng”, anh Tới tâm sự.
Cũng theo anh, sáng chế máy cày mini vẫn tiếp tục được hoàn thiện. “Tôi muốn hướng đến một sản phẩm thật hoàn hảo, không thua gì các sản phẩm máy cày nhập từ Trung Quốc. Bà con có ý kiến gì tôi đều cố gắng tiếp thu để hoàn thiện hơn nữa”, anh chia sẻ.
Từ ngày cho ra sản phẩm đầu tiên đến nay, máy cày của anh chuẩn bị qua lần cải tiến thứ ba. Sản phẩm cũng được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế và chuẩn bị tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái.
Anh Tới cho biết, thời gian tới, sẽ cố gắng mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đặt hàng từ các địa phương. Anh mong muốn các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ nguồn vốn để hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất.
“Tôi muốn hướng đến một sản phẩm thật hoàn hảo, không thua gì các sản phẩm máy cày nhập từ Trung Quốc. Bà con có ý kiến gì tôi đều cố gắng tiếp thu để hoàn thiện hơn nữa”.
Nông dân Bùi Sỹ Tới
Theo kỹ sư Phạm Văn Rỡ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Yên Bái, máy cày do anh Tới sáng chế có ưu điểm là gọn nhẹ (chưa đến 90kg), di chuyển dễ dàng ở vùng núi cao, tận dụng được động cơ xe máy đã qua sử dụng. Công suất của máy khá lớn trong khi tiêu hao nhiên liệu ít (một lít xăng có thể cày bừa được 1.000m2 ruộng.
Mỗi máy một ngày có thể cày được 3.000 – 4.000 m2). Ngoài ra, khi sản phẩm hỏng hóc có thể dễ dàng thay đổi phụ tùng và tiếp tục hoạt động trong khi nhiều sản phẩm khác trên thị trường hiện nay rất khó thay thế phụ tùng, ông Rỡ cho biết.