Tốt nhưng... tốn
Mặc dù đèn chùm hoặc đèn có chùm treo trần cho các phòng khách hay nơi sinh hoạt chung có diện tích nhỏ, hoặc kết hợp với đèn downlight (đèn rọi trần), đèn tường ở các không gian lớn hơn được sử dụng khá phổ biến trong các kiến trúc xây dựng hiện đại, nhằm mang lại hiệu quả ánh sáng đều trong phòng. Tuy nhiên, thực tế sử dụng, các gia đình lại hiếm khi bật đèn chùm vì... ngại tốn điện.
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc chiếu sáng rất quan trọng đối với mắt người cũng như cảm nhận của con người. Do đó, từ trước tới nay các thiết bị chiếu sáng phục vụ con người nhìn trong bóng tối thường cố gắng đạt được phổ ánh sáng giống như phổ ánh sáng mặt trời, mà điển hình người ta dựa vào chỉ số hoàn màu. Chỉ số hoàn màu càng cao thì mức độ giống với ánh sáng tự nhiên càng lớn. Đèn chùm chủ yếu sử dụng bóng đèn sợi đốt, cho chất lượng ánh sáng tốt bởi bóng đèn sợi đốt có chỉ số hoàn màu bằng 100 (tương đương với ánh sáng tự nhiên). Tuy nhiên, bóng sợi đốt cũng chính là lý do vì sao đèn chùm lại tốn điện.
Còn về lý do vì sao dùng đèn chùm bật sáng thì thấy quá sáng dẫn đến chói mà bật chế độ yếu thì lại thấy khó chịu vì ánh sáng lờ mờ là do sự thiếu để ý của người sử dụng. Thực tế ở nhiều nước, người ta đã có những tiêu chuẩn riêng về cường độ chiếu sáng của đèn chùm, tuy nhiên ở nước ta, khi mua đèn chùm, thích là mua chứ không để ý đến cường độ chiếu sáng của đèn chùm.
BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho rằng, nếu lựa chọn đèn chùm không phù hợp, cường độ chiếu sáng mạnh dễ gây chói, lóa mắt; khi ánh sáng có cường độ lớn chiếu và phản xạ vào mắt thì đồng tử sẽ nhỏ lại để điều tiết ánh sáng. Sinh hoạt trong điều kiện thừa hay thiếu ánh sáng quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mắt, gây các bệnh về thị lực. Trong khi đó, khi mắc đèn chúng ta chỉ chú ý mắc sao cho đẹp, cho hợp lý chứ ít điều chỉnh để đảm bảo ánh sáng vừa mắt, đây chính là lý do vì sao nhiều người sử dụng đèn chùm kêu ánh sáng của đèn chùm không thật khiến mắt khó chịu. Để tránh việc này, khi lắp đèn không nên tự ý mua, lắp mà nên có sự tìm hiểu cũng như sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực chiếu sáng.
|
Ảnh minh họa. |
Làm đèn trang trí
KTS Trần Minh Hiếu, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long cho hay, ngoài công năng chiếu sáng, đèn chùm còn có ý nghĩa trang trí. Đây cũng chính là lý do vì sao người mua khi chọn đèn chỉ cần thử cắm điện thấy bóng sáng là được, chứ không quan tâm đến cường độ ánh sáng bao nhiêu; cái mà họ quan tâm là kiểu dáng, màu sắc ánh sáng, thậm chí màu sắc các chi tiết của đèn có hợp phong thủy, tuổi tác, vị trí sẽ treo đèn hay không, có hòa hợp và làm tôn vẻ đẹp của kiến trúc nội thất hay không. Bởi vậy người ta nói phong cách mỹ thuật của đèn thể hiện trình độ thẩm mỹ, cá tính của chủ nhà. Ở loại đèn này nhiều khi ý nghĩa trang trí còn lấn át cả công năng chiếu sáng bởi hơn 70% thời gian sử dụng không bật đèn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Phan Kiên cho rằng, đèn chùm thực tế là để dùng cho việc trang trí hơn là để chiếu sáng, vì thế việc nhiều gia đình tỏ ra "sành điệu" bằng cách sử dụng đèn chùm làm đèn chiếu sáng thường xuyên là không cần thiết. Đối với việc chiếu sáng cho căn phòng, thị trường có rất nhiều loại bóng có thể vừa cho cường độ ánh sáng phù hợp, vừa có chỉ số hoàn màu tốt cho sức khoẻ của mắt lại vừa không tiêu tốn điện năng.
Trong bố trí ánh sáng cho không gian sống cần có sự tư vấn của các chuyên gia thiết kế ánh sáng để đạt được hiệu quả chiếu sáng tốt nhất. Cường độ ánh sáng cảm nhận được thích hợp nhất trong không gian phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung khoảng 500 lux là hợp lý.
BS Hoàng Cương