Dọc 2 bên đường có rất nhiều cây táo mèo có tuổi đời hơn 100 tuổi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Nhắc đến "săn mây," người ta hay nhớ tới những cái tên như Sa Pa (Lào Cai), Y Tý (Lào Cai), Tà Xùa (Sơn La). Sìn Hồ (Lai Châu), Tà Chi Nhù (Yên Bái), Mã Pì Lèng (Hà Giang)...
Nhưng còn một cái tên khác cũng sở hữu vẻ đẹp hoang sơ không kém khi "biển mây" vờn chân núi quanh năm, đó là đỉnh Lùng Cúng (Yên Bái).
Đỉnh Lùng Cúng có độ cao 2.913m, đứng thứ 9 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, và đây là cung đường tuyệt đẹp để trekking (leo núi).
Do quanh năm bị mây che phủ, đỉnh Lùng Cúng chìm trong lớp mây bạc, giống như ốc đảo trời giữa biển mây. Những năm gần đây, Lùng Cúng trở nên rất nổi tiếng và là trong những địa điểm săn mây tuyệt nhất của Việt Nam.
Đỉnh Lùng Cúng gây choáng ngợp với góc nhìn từ bốn hướng, thoáng đãng và rất dễ gặp được biển mây. Trên đỉnh núi có những triền đồi rộng bạt ngàn trong gió lớn.
Mỗi mùa trong năm, Lùng Cúng sở hữu vẻ đẹp khác nhau. Tùy thời điểm leo núi mà du khách có cơ hội đi ngang những khu rừng nở trắng hoa sơn tra, rừng trúc phủ đầy rêu phong huyền bí hay những phiến đá, những cây cổ thụ già nua nép mình trong gió cùng vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho nơi này.
Tuy nhiên, với độ cao gần 3.000m, du khách sẽ cần phải leo núi để lên được tới đỉnh Lùng Cúng. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi khá vất vả.
Nên tới Lùng Cúng vào thời điểm nào?
Chặng đường đến với Lùng Cúng, du khách sẽ được đi qua nhiều bản làng, địa danh đẹp nổi tiếng của Tây Bắc như Khau Phạ, Chế Cu Nha, Thào Chua Chải, Mù Cang Chải, Thung lũng Tả Cổ Y…
Theo kinh nghiệm, du khách không nên đến với Lùng Cúng từ tháng 5 đến tháng 8 vì khi đó đang là mùa mưa đường rất lầy lội, đất đá dễ xảy ra sạt lở, mưa rừng khiến các lối mòn bị mất dấu rất nhiều, dễ gây lạc đường đối với du khách không có kinh nghiệm.
Hoa Táo mèo trên đỉnh Lùng Cúng thường nở rộ vào tháng Ba hàng năm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Du khách nên đến Lùng Cúng từ tháng 1 đến đầu tháng 4. Giống như những vùng đất Tây Bắc khác, mùa Xuân hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc khắp núi rừng, là cảnh sắc đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Bên dưới núi có thể không có nắng nhưng lên đỉnh, trên lớp sương dày đặc là khoảng trời trong xanh, nắng ấm rực rỡ. Khoảng tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm đẹp nhất để đi săn mây tại đây.
Tháng 9-10 là mùa lúa và táo mèo chín. Chặng đường qua Mù Cang Chải sẽ khiến bạn ngất ngây với khung cảnh ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Bạn cũng sẽ không thể bỏ lỡ bản Lùng Cùng nổi tiếng với hơn 3.000 gốc táo mèo cổ thụ sẽ chín thơm khắp núi rừng.
Trên đường chinh phục đỉnh Lùng Cúng vào tháng 11-12, du khách sẽ đi qua thung lũng Tả Cổ Y, nơi có những cánh đồng hoa tím tuyệt đẹp. Khắp các triền núi là hoa dã quỳ đua nở vàng rực rỡ.
Bạn có thể chọn đi 2 ngày 1 đêm hoặc 2 ngày 2 đêm. Du khách có thể leo theo 3 hướng khác nhau là bản Thào Chua Chải, bản Lùng Cúng hoặc bản Tu San. Các chi phí sẽ không phát sinh nhiều vì ở đây dịch vụ chưa có nhiều, trong khi mức giá đều khá rẻ.
Chi phí cho chuyến đi là bao nhiêu?
Chi phí di chuyển cố định: Để lên được đỉnh Lùng Cúng, du khách sẽ di chuyển từ Hà Nội đến Tú Lệ bằng ôtô riêng, xe khách hay xe máy. Nhưng nếu đi xe khách, bạn có thể đón xe tại Bến xe Mỹ Đình với giá vé trung bình khoảng 600.000 đồng/người cả đi và về.
Để vào điểm leo núi theo hướng bản Tu San, xã Nậm Có. Từ Tú Lệ vào đến điểm gửi xe máy khoảng 12-13km, di chuyển khoảng 1 giờ đồng hồ. Đây chính là chặng đi gian nan nhất của chuyến đi.
Tiếp đó, từ bản Lùng Cúng, bạn có thể đặt xe với giá chiều đi lẫn về là 400.000 đồng/người.
Như vậy, chi phí di chuyển cố định sẽ hết khoảng 1 triệu đồng/người. Tuy nhiên, du khách vẫn nên chuẩn bị thêm chút tiền mặt để đề phòng chi phí phát sinh.
Du khách dừng chân chụp ảnh cùng với những cây táo mèo cổ thụ dọc ven đường. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Chi phí lưu trú: Nếu chỉ leo Lùng Cúng rồi về, bạn chỉ cần chi tiền ở 1 đêm tại Tú Lệ (khoảng 100.000 đồng/đêm). Còn lại, 1 đêm nằm trên đỉnh núi tại lán với mức phí chừng 50.000-100.000 đồng/người.
Chi phí ăn uống: Khoảng 1 triệu đồng (cho 2 ngày). Tại hầu hết các nhà nghỉ tại địa phương đều có phục vụ xôi và mỳ tôm trứng. Nếu không, bạn cũng có thể chọn ăn bún, phở gần đó, với giá khoảng 30.000 đồng/bát.
Còn lại, các bữa chính trong ngày cũng sẽ chỉ hết khoảng 200.000-300.000 đồng/người.
Một số đồ đạc cần chuẩn bị cho chuyến đi tới Lùng Cúng:
- Quần dài, áo phông, áo giữ nhiệt, áo gió, găng tay, mũ rộng vành, mũ len, khăn,...; giày léo núi; dép; gậy leo núi.
- Một số loại thuốc như chống côn trùng, thuốc giảm đau, salonpas giảm đau cơ, thuốc đau bụng, viên sủi hoặc bù điện giải…
- Đèn pin và sạc đa năng, bình nước cá nhân….
|