Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm kín thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, muốn tự tử thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời. Đáng nói, những hội nhóm này thu hút hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người tham gia với khoảng trên 20 bài cập nhật mỗi ngày.
|
Các hội nhóm túng quẫn làm liều, hướng dẫn bùng nợ xuất hiện tràn lan trên Facebook. Ảnh: Chụp màn hình |
Trong các hội nhóm tiêu cực này, thành viên tham gia thường thể hiện quan điểm lệch lạc, trái với luân thường đạo lý hay những thú vui, sở thích quái đản mà ngoài đời bị lên án, thậm chí là xu hướng hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật.
Chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng dễ dàng tìm thấy và gia nhập các hội nhóm tiêu cực trên, có thể điểm mặt một số hội nhóm tiêu cực sở hữu đông thành viên như:
|
Các hội nhóm mang nội dung "hướng dẫn bùng nợ". Ảnh: Chụp màn hình |
|
Một số nội dung được đăng tải trong "Hội những người muốn tự tử". Ảnh: Chụp màn hình |
|
Nhóm hướng dẫn bùng nợ thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Ảnh: Chụp màn hình |
|
Một bài đăng trên nhóm "Hội những người vỡ nợ túng quẫn làm liều. Ảnh chụp màn hình. |
|
Nội dung được đăng tải trong "Hội những người muốn tự tử". Ảnh: Chụp màn hình |
|
Hội “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” có đến hơn 20 nghìn thành viên. Ảnh: Chụp màn hình |
|
“Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc...” cũng là hội nhóm có nội dung tiêu cực. Ảnh: Chụp màn hình |
Các thành viên tham gia đa số vì cảm xúc tiêu cực của bản thân, xuất phát từ khó khăn, áp lực cuộc sống hoặc lạc lõng, mất phương hướng như nợ nần, mắc bệnh hiểm nghèo, không có điểm tựa tinh thần...
Những hội nhóm trên mạng xã hội dù là ảo nhưng hệ lụy của chúng có thể là thật. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa qua, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm; Google đã gỡ 480 video vi phạm trên YouTube; TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm.
Một số ý kiến của chuyên gia về các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội:
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu:
Dưới góc độ tâm lý học hành vi, tôi cho rằng, có thể nhận định, những người muốn tự tử, quyên sinh ở tình trạng tiêu cực nhất của cảm xúc. Họ bi quan, buồn bã, chán nản, mất lòng tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nguy hiểm hơn, lối thoát tiêu cực để trốn tránh trách nhiệm trước cuộc đời bằng cách tìm đến cái chết, được những người trong nhóm đón nhận. Tâm lý đám đông lây lan, sẽ tạo ra động lực để nhiều người tìm cách giải thoát cuộc đời.
Trong các gia đình có người tự tử, cảm xúc vô cùng nặng nề. Người ở lại có thể sống trong sự thương nhớ, đau khổ, day dứt, ân hận khôn nguôi, những người phụ thuộc mất đi nguồn cấp dưỡng, mất niềm tin vào tương lai, tình người. Bởi vậy, những hội nhóm muốn tự tử là rất nguy hại cho xã hội.
Ngành chức năng cần làm việc với admin, yêu cầu hạ gỡ, xóa bỏ các trang, hội nhóm này, để lành mạnh hóa sinh hoạt trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh giải pháp như yêu cầu mạng xã hội Facebook ngăn chặn, xóa bỏ các nhóm hướng dẫn, xúi giục tự tử và hướng dẫn bùng nợ trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng:
Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên chây ỳ không trả nợ. Người trước khuyên người sau không trả nợ và thành lập hội bùng nợ lên tới hàng trăm nghìn người trên Zalo, Facebook… nhưng chưa bị xử lý.
Theo tôi, cần kiến nghị với cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ công ty tài chính tiêu dùng triệt phá ổ nhóm trên mạng, xử lý một cách thích đáng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khuyến cáo để người dân hiểu rằng, tất cả công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều đã lưu trữ dữ liệu tại các cơ quan chức năng...
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng, cùng với việc yêu cầu hạ gỡ, xóa bỏ các trang, hội nhóm tự tử, bùng nợ, cần phải xử lý nghiêm hành vi xúi giục tự tử cũng như hành vi rủ nhau bùng nợ. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.