Những ngày qua, về nghị lực và chiến công phi thường của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh thu hút sự chú ý của công luận, không chỉ bởi góc độ chuyên môn mà hơn thế, tiếp tục dấy lên sự trăn trở về thực trạng chế độ đãi ngộ cho vận động viên (VĐV) thể thao hãy còn quá thấp, không tương xứng với những cống hiến, hy sinh của họ.
|
Lương tháng 7 triệu, "cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh phải bán hàng online để kiếm thêm. |
Liên tục ghi chiến công qua các kì SEA Games nhưng khi nghe tới câu chuyện mưu sinh của Nguyễn Thị Oanh nhiều người chắc hẳn sẽ cay cay nơi sống mũi. Cụ thể, "cô gái vàng" của điền kinh Việt Nam chỉ nhận mức lương hơn 7 triệu đồng, phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống cũng như phụ giúp thêm cho gia đình vốn dĩ rất khó khăn (nhà Oanh có tới 8 anh chị em)…
Sau chiến công oai hùng, thậm chí phải nói là thần kỳ của Nguyễn Thị Oanh, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc tặng xe, tặng nhà… Nghe đến những phần thưởng trên, ai cũng bảo "Oanh hoàn toàn xứng đáng" nhưng lẽ ra cô phải nhận được chế độ đãi ngộ đặc biệt từ lâu mới phải!
Từ câu chuyện lương thưởng của Nguyễn Thị Oanh, nhiều người sẽ hồi tưởng lại trước đó, không ít lần những "cô gái vàng", những "nữ hoàng thể thao" khác của Việt Nam từng phải vừa tập luyện vừa lo kế sinh nhai hàng ngày.
Điển hình như tiền bối của Nguyễn Thị Oanh là Vũ Bích Hường - chân chạy 100m rào từng đem về tấm HCV SEA Games đầu tiên cho điền kinh Việt Nam (tại SEA Games 18 năm 1995) từng lâm vào tình cảnh kiệt quệ sau khi giải nghệ rồi bị tai nạn, con trai thứ hai lâm bệnh, hoàn cảnh gia đình khốn khó đến mức báo giới phải vào cuộc để kêu gọi sự ủng hộ từ xã hội.
|
Chân chạy 100m rào từng đem về tấm HCV SEA Games đầu tiên cho điền kinh Việt Nam - Vũ Bích Hường lâm vào cảnh kiệt quệ sau khi giải nghệ. |
Hay năm 2014, bức ảnh nữ tuyển thủ đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Thị Liễu ngồi bán rau ở quê khiến nhiều người không khỏi cám cảnh. Bức ảnh được đăng tải trên facebook với dòng chú thích: “Sau khi chinh chiến, gặt hái rất nhiều huy chương cùng đội tuyển, cô ấy lại trở về làm một người bình thường mưu sinh”. Sau đó, nhiều người người cảm thấy buồn bởi sự bất công cho những cầu thủ bóng đá nữ ở Việt Nam.
|
Cầu thủ Vũ Thị Liễu phải bán rau để mưu sinh. |
Với nhiều VĐV, được thi đấu, được cống hiến cho màu cờ Tổ quốc là điểm tựa để họ vượt khó trong cuộc sống nhưng khi ngày đi tập, tối về lại phải chăm lo nồi cơm, đấu gạo thì quá khó cho các VĐV.