“I love you mom” (Con yêu mẹ).
Cầu thủ Achraf Hakimi đã viết 4 từ này khi chia sẻ bức ảnh mẹ anh trên trang mạng xã hội cá nhân.
Bức ảnh cho thấy bà Saifa Mouh hôn lên má con trai mình sau khi Hakimi thực hiện thành công cú phạt đền mang tính quyết định, giúp Morocco lần đầu tiên tiến vào vòng bán kết World Cup.
Cùng với tấm hình gây xúc động của Hakimi, video ghi lại cảnh tiền đạo Morocco Sofiane Boufal khiêu vũ với mẹ mình và sửa khăn trùm đầu cho bà sau trận thắng ở tứ kết trước Bồ Đào Nha cũng gây sốt không kém.
Và chắc chắn, chúng sẽ nằm trong số khoảnh khắc ấn tượng nhất của World Cup 2022, cùng với những thay đổi bất ngờ mang tính xã hội mà đội tuyển Morocco đem đến cho giải đấu lần này, The Guardian nhận định.
|
Mời mẹ của các cầu thủ cùng tới Qatar chính là cách HLV Morocco Walid Regragui sử dụng để cổ vũ tinh thần cho các học trò. Ảnh: Reuters.
|
Đưa phụ nữ Hồi giáo lên khán đài, sân cỏ
Bà Saifa Mouh đã góp công lớn trong hành trình đi đến thành công của hậu vệ Hakimi.
Vợ chồng bà đều là những người lao động thu nhập thấp, sinh sống ở vùng ngoại ô công nghiệp Getafe của thành phố Madrid (Tây Ban Nha). Bà là nhân viên lao công, còn người chồng bán hàng rong. Bất chấp gia cảnh khó khăn, người phụ nữ vẫn cố gắng hỗ trợ tài chính, tiếp sức cho niềm đam mê bóng đá của con trai.
|
Sofiane Boufal ăn mừng chiến thắng với mẹ của mình trên sân vận động Al Thumama. Ảnh: @brfootball.
|
Chia sẻ trên chương trình truyền hình Tây Ban Nha El Chiringuito, cầu thủ sinh năm 1998 cho biết: “Cha mẹ đã hy sinh cuộc đời vì tôi. Họ cũng ưu ái tôi hơn anh chị em trong gia đình để giúp tôi có được ngày hôm nay. Bây giờ, tôi chơi bóng là vì gia đình”.
Hành động ăn mừng của các cầu thủ Hakimi và Boufal đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ, thể hiện tầm quan trọng của chế độ mẫu hệ ở một số nền văn hóa, nhất là khi đặt trong bối cảnh những hình ảnh tích cực về đàn ông Hồi giáo gốc Arab, Amazigh và châu Phi còn thiếu vắng.
“Chúng tôi thường biểu hiện hành động đó thông qua thuật ngữ hadith trong Hồi giáo, hoặc nói rằng thiên đường nằm dưới chân mẹ của bạn”, Hanan Challouki, một người hâm mộ Amazigh - Marocco sinh ra ở Bỉ, chia sẻ.
Sự tôn kính đối với mẹ cũng được khắc họa sâu sắc trong nền văn hóa Morocco. Theo Med Mouad, một người hâm mộ sống ở thành phố Agadir (Morocco), những lời chúc phúc của đấng sinh thành, hay còn được gọi là rdat lwalidin theo tiếng địa phương, là một khái niệm rất thiêng liêng trong xã hội quốc gia này.
Lina Duque, một người mẹ Canada gốc Lebanon có con gái 10 tuổi tham gia thi đấu thể thao, cho biết: “Cử chỉ đẹp của các cầu thủ Morocco đã gửi thông điệp đến thế giới rằng những bà mẹ này, những người phụ nữ Hồi giáo Arab, thuộc về nơi đó, tại trung tâm tổ chức giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh”.
|
World Cup đầu tiên được tổ chức ở khu vực Trung Đông cho thấy sự xuất hiện của nhiều CĐV nữ da màu, đặc biệt là phụ nữ Hồi giáo. Ảnh: Al Jazeera.
|
Sự xuất hiện của những phụ nữ da màu ở khán đài World Cup ở Qatar nói chung và phụ nữ Hồi giáo nói riêng đã khiến không ít người bất ngờ, bao gồm Shareen Qureshi, một “cổ động viên cuồng bóng đá” tự nhận. Cô được sinh ra và lớn lên ở Newcastle, mang hai dòng máu Anh và Bahrain.
“Không ngờ 20 năm sau, tôi được chứng kiến World Cup tổ chức ở Trung Đông. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều CĐV là nữ giới đến từ nhiều nơi trên thế giới. Sự kiện lần này mang tính thay đổi toàn thế giới”, cô chia sẻ.
Đoàn kết người Arab khắp thế giới
Sự trỗi dậy của Morocco ở World Cup không chỉ phá vỡ những định kiến về tính nam, họ còn đem lại nhiều hơn thế.
Cộng đồng người Arab trên khắp các thành phố ở châu Âu, bao gồm London (Anh), đã đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng lịch sử của Morocco với tư cách là đội bóng châu Phi và Arab đầu tiên lọt vào vòng bán kết World Cup.
|
Đội tuyển Morocco ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha với lá cờ Palestine. Ảnh: DR.
|
Có lẽ lý do là chỉ 12 trên tổng số 26 thành viên đội tuyển này được sinh ra ở Morocco, theo thống kê của FIFA. Những cầu thủ còn lại là người Morocco nhưng được sinh ở một số nước châu Âu và Canada.
Bên cạnh đó, dù cả Israel và Palestine đều không tham dự kỳ World Cup lần này, lá cờ của Palestine đã xuất hiện cả trong và ngoài sân cỏ.
Đáng chú ý, sau mỗi trận thắng, các cầu thủ Morocco cũng không quên chụp hình với lá quốc kỳ Palestine nhằm gửi đi thông điệp về cuộc đấu tranh của những người anh em Arab tới thế giới.
Ngoài sân vận động, video các CĐV bật khóc khi hát khúc ca Viva Palestina, hoặc cách họ thẳng thừng từ chối, né tránh lời mời phỏng vấn của các phóng viên Israel được lan truyền rộng rãi.
Trong khi đó, những người Palestine trên khắp Bờ Tây, Jerusalem và dải Gaza đã tràn ra đường để ăn mừng thành tựu của những “Sư tử Atlas”.
“Hình ảnh đoàn kết và thống nhất xuyên quốc gia giữa những người Palestine và đội tuyển Morocco, cùng với những fan bóng đá đang vẫy quốc kỳ Palestine thật tuyệt đẹp và sẽ là thứ tôi không bao giờ quên trong đời này”, Malaka Shwaikh, nhà nghiên cứu người Palestine, người xem World Cup từ Scotland cùng với cha mẹ mình, chia sẻ.