Thủy Tiên bị chê mặc quần ôm đi từ thiện và sự soi mói vô lý

Google News

Ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp tiền, đi phát đồ cứu trợ ở miền Trung ngập do lũ. Thay vì động viên, nhiều người chỉ chăm chăm soi trang phục, bình phẩm thân hình nữ ca sĩ.

“Sao đi từ thiện lại mặc quần đó”, “Hết quần hay sao mà mặc quần như thế nhỉ”, “Body đẹp đấy”.
Trong video livestream phát quà từ thiện tại miền Trung của nữ ca sĩ Thủy Tiên vài ngày gần đây, những bình luận tương tự xuất hiện không ít.
Không phải bày tỏ sự xót thương cho bà con vùng lũ; không hỗ trợ thông tin, quyên góp; cũng không động viên hay khích lệ đoàn cứu trợ, những gì một bộ phận dân mạng nhìn thấy và chăm chăm bình phẩm trên màn hình chỉ là trang phục, thân hình của người phụ nữ này.
Đùa cợt tục tĩu
Những ngày qua, tình hình mưa lũ khiến nhiều tỉnh thành ở miền Trung bị ngập úng, cô lập. Cuộc sống của hàng nghìn người dân Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình bị đảo lộn, kéo theo nhiều thiệt hại về người và của.
Trước tình cảnh đó, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm và nghệ sĩ kêu gọi quyên góp tiền, mua thực phẩm cứu trợ người dân. Nổi bật là ca sĩ Thủy Tiên. Chỉ sau khoảng 3 ngày, giọng ca Ngôi nhà hạnh phúc đã kêu gọi được 30 tỷ đồng.
Thuy Tien bi che mac quan om di tu thien va su soi moi vo ly
Những bình luận đùa cợt về ca sĩ Thủy Tiên. Ảnh chụp màn hình.
Qua những clip livestream trên trang cá nhân, hình ảnh nữ ca sĩ nhỏ nhắn, quần xắn cao lội nước cả ngày dài đến tận nơi phát nhu yếu phẩm cho từng người dân vùng lũ khiến nhiều người cảm phục.
Khi đi phát quà trong ngày 14/10, Thủy Tiên mặc một chiếc quần thun ôm dài, co dãn. Đến đoạn nước ngập cao, cô phải xắn quần lên quá đầu gối.
Trong những cảnh livestream quay phía sau nữ ca sĩ, nhiều bình luận đùa cợt tục tĩu, thậm chí mang tính quấy rối được nhiều dân mạng để lại ở phần bình luận, thích thú, cười đùa với nhau và cho đó là “hài hước”.
“Mọi người nên quan tâm đến hành động của người ta. Chứ bình luận miệt thị ngoại hình không giúp các bạn trở nên hài hước đâu. Vô văn hoá lắm. Chưa kể cái quần của Thủy Tiên chẳng có vấn đề gì cả, không lẽ đi vào chỗ nước ngập phải thả ống quần xuống cho lịch sự hay mặc quần âu thẳng thớm?”, tài khoản Trung Nam bức xúc lên tiếng trước tràng dài bình luận cợt nhả dưới bài đăng về nữ ca sĩ trong một nhóm Facebook.
Trước Thủy Tiên, không ít trường hợp người nổi tiếng hay nữ mạnh thường quân đi từ thiện cũng bị soi mói, bình phẩm về trang phục, vẻ ngoài. Chẳng quan tâm hành động của họ ý nghĩa, đẹp và thiết thực đến đâu, chỉ cần sơ sẩy mặc chiếc quần hơi ngắn, cái áo hơi điệu đà đều có thể nhanh chóng trở thành tâm điểm công kích.
Giữa tháng 7, diễn viên Lan Ngọc cùng ê-kíp giúp đỡ một em bé bị bỏ rơi ở chùa Long Sơn (TP Cần Thơ) được phẫu thuật chữa hàm ếch. Trong các bức ảnh được chia sẻ, cô mặc áo trắng có phần cổ khoét sâu và bộ móng tay nhọn, sơn cầu kỳ.
Cho dù đã giải thích là vừa đi dự sự kiện, chưa kịp chuẩn bị đồ khác, cô vẫn bị nhiều người mỉa mai, cho rằng muốn gây sự chú ý.
Phái nữ bị soi mói trang phục
Từ lâu, chuyện ăn mặc của phụ nữ đã trở thành đề tài tranh luận tại nhiều nơi, trong nhiều sự việc. Phái nữ cũng luôn phải nhận sự đánh giá khắt khe, hà khắc hơn hẳn nam giới trong vấn đề này.
Mới đây, nữ ca sĩ Billie Eilish xuống phố đi dạo ở Los Angeles (Mỹ) với áo hai dây, quần short, dép lê. Với cô, đây chỉ là buổi đi dạo bình thường trong trang phục khiến mình thấy thoải mái. Nhưng nhiều người lại lao vào ném đá chiếc áo hai dây trông “lộn xộn” của cô.
“Hãy thử nghĩ xem: bạn đã bao giờ nghe một người phụ nữ bảo một người đàn ông phải cài hết cúc áo sơ mi lên vì cô ấy cảm thấy khó chịu khi phần lông ngực của anh ta lộ ra chưa?”, nhà báo Chandni Doulatramani đặt câu hỏi trong một bài viết về áp lực trang phục của phụ nữ trên Asia Times.
Thuy Tien bi che mac quan om di tu thien va su soi moi vo ly-Hinh-2
Nữ ca sĩ phải xắn cao quần khi đi qua khu vực ngập nước.
Có thể có, nhưng chắc chắn không nhiều bằng phía ngược lại.
Là người có tầm ảnh hưởng nhất định, Ivanka Trump nhiều lần bị soi mói những chi tiết nhỏ nhất như trang phục cô diện lên người, cho đến các phát ngôn, cử chỉ.
Tháng 9/2019, con gái ông Trump có chuyến công du đến trại tị nạn tại Colombia. Chiếc váy có giá xấp xỉ 1.082 USD của cô trở thành chủ đề bàn cãi khi số đông cho rằng nó không thích hợp để đi từ thiện. Nhiều người nhận xét "cô quá sang chảnh và giống trình diễn thời trang hơn là đi làm việc".
Đầu tháng 5, vợ chồng Hoàng tử Harry được nhìn thấy tay trong tay xuất hiện trên đường phố Los Angeles khi đi phát suất ăn từ thiện cho những người dân bị bệnh nặng và có hoàn cảnh khó khăn ở Mỹ.
Cả hai xuất hiện với trang phục giản dị, đeo khẩu trang và khăn che mặt, đội mũ lưỡi trai và đeo túi đồ đi đến một số căn hộ. Tuy vậy, Nhiều người dùng mạng còn bình luận rằng, mái tóc rối rắm của Meghan là một chi tiết khiến cô "mất điểm". Họ cho rằng Meghan chắc chắn sẽ không bận rộn đến mức không thể chăm lo cho vẻ ngoài của mình một cách chỉn chu và gọn gàng.
Cuối tháng 7, Nhiệt Y Trát (Reyizha Alimjan) - nữ diễn viên người dân tộc Kazakh – gây chú ý khi mặc quần jean và áo hai dây khoét sâu, xuất hiện tại sân bay Thượng Hải. Nhiều người lên án cách ăn mặc của nữ diễn viên là “hở hang, khoe da thịt quá đà”.
Nhà nữ quyền Joy Lin (Thượng Hải, Trung Quốc) cho rằng hầu hết tranh luận xoay quanh vấn đề trang phục của phụ nữ không chỉ là câu chuyện thời trang.
"Thông thường, khi bình luận về những gì chúng ta mặc, mọi người không quan tâm đến việc chiếc váy đó phù hợp với kiểu tóc hay những thứ tương tự, mà là về cơ thể của chúng ta như liệu thân hình có thon thả hay không. Một số ý kiến có thể rất xúc phạm", Lin bày tỏ.
Từ áo ngực đến giày cao gót
Tháng 8/2019, bài viết mang tên Wish Chinese girls the freedom to dress (tạm dịch: Mong ước phụ nữ Trung Quốc có quyền tự do ăn mặc) gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng WeChat.
Nội dung bài viết đề cập đến thực tế phụ nữ ở đất nước tỷ dân phải chịu những lời bình phẩm ác ý, trò đùa thô tục nếu quần áo của họ để lộ nhiều da thịt.
“Nếu các cô gái ăn mặc theo cách khiến những khuyết điểm trên người lộ ra rõ hơn, họ sẽ bị chế giễu công khai”, tác giả đề cập.
Dưới bài viết, không khó để bắt gặp các bình luận phân biệt giới tính, như trang phục thể hiện nhân phẩm phụ nữ hay quan điểm đàn ông cần có tiếng nói trong việc bạn gái, vợ và con gái của họ nên ăn mặc thế nào khi ra đường lẫn ở nhà.
Trong khi vấn đề trang phục của phụ nữ tại Trung Quốc đang nhen nhóm ở những cuộc tranh luận trực tuyến. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các phong trào quy mô hơn đã xuất hiện.
Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc tin rằng từ chuyện trang điểm, làm đẹp đến việc mặc áo ngực là sự lựa chọn và quyền quyết định của mỗi cá nhân.
Trong khi đó, phong trào KuToo được lấy cảm hứng từ kutsu (nghĩa là giày trong tiếng Nhật), kutsuu (đau) và phong trào #MeToo kêu gọi bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục, bạo lực, được hưởng ứng tại Nhật Bản.
Sự thực là phụ nữ dễ phải đối diện với tiêu chuẩn kép đặt lên họ, từ cách họ nên ăn mặc thế nào để vừa lòng số đông.
Trước đó, Billie Eilish từng lên tiếng giải thích cô thường xuyên mặc đồ quá cỡ như một cách bảo vệ bản thân mình trước những ánh mắt soi mói dính chặt lên cơ thể.
"Cơ thể sinh ra là của tôi đúng không? Nhưng nếu tôi mặc đồ rộng, cá tính thì bị chỉ trích không phải phụ nữ, tôi mặc gợi cảm lại nói là hư hỏng. Giá trị của tôi chỉ phụ thuộc vào bạn hay sao?”, ca sĩ 18 tuổi chỉ ra.
Theo Mai An / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)