Thế nhưng, ở TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã có một thầy giáo làm được điều này.
Anh Lê Quốc Toàn (SN 1980, ngụ TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) chính là người làm nên những chiếc túi xách bằng vỏ mì tôm độc đáo. Anh Toàn hiện là một giáo viên mỹ thuật tại trường tiểu học, THCS Lý Thường Kiệt.
Thầy Toàn chia sẻ: "Cái nghề mỹ thuật đưa mình đến việc nghiên cứu làm sao để làm ra sản phẩm có thể tái sử dụng được rác. Cơ duyên xuất phát từ việc trường có căn tin, số lượng vỏ mì gói bỏ đi rất nhiều. Tôi thấy vậy mới nhặt lại rồi áp dụng làm thử một vài túi xách và thấy khá ổn, từ đó mình phát triển luôn".
|
Bộ sưu tập 80 chiếc túi xách từ hơn 40.000 vỏ mì gói là thành quả sau nhiều năm không ngừng tìm tòi, sáng tạo của thầy giáo Toàn. Ảnh: M.A. |
Ấp ủ ý tưởng từ khi còn là sinh viên trường Trung Cấp Mỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, thế nhưng, mãi đến năm 2014 chàng trai này mới có cơ hội để thực hiện ước mơ của mình. 80 chiếc túi xách từ hơn 40.000 vỏ mì gói là thành quả sau nhiều năm không ngừng tìm tòi, sáng tạo của anh.
Thầy giáo Toàn cho biết: "Để làm nên 1 chiếc túi xách từ vỏ mì, anh cần ít nhất 250 vỏ mì gói. Và trải qua cũng gần chục công đoạn mới tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Tùy theo kích thước, một số túi lớn hơn có khi sử dụng từ 380 - 500 vỏ mì gói".
|
Ít ai nghĩ rằng, bằng chất liệu vỏ mì gói có thể tạo nên những chiếc túi xách đầy tính thẩm mĩ như thế này. Ảnh: M.A. |
Vỏ mì gói sau khi đem về sẽ được cắt bỏ những mối nối và vệ sinh thật sạch. Sau đó, anh Toàn cuộn lại thành từng sợ và theo kích thước đã chọn. Tùy theo màu sắc của vỏ mì mà anh Toàn sẽ cho ra đời những chiếc túi xách với thiết kế riêng.
"Các công đoạn để làm hoàn thành chiếc túi xách hoàn toàn là thủ công, từ sơ chế vỏ mì, se, đan, chỉ có ruột là may bằng máy còn toàn bộ khâu tay, quá trình kết là 100% khâu tay. Ban đầu ý tưởng mình làm ra mang tính chất giáo dục, để hướng dẫn các em học sinh biết tái sử dụng rác, nâng ý thức bảo vệ môi trường. Sau đó tôi muốn ứng dụng vào thực tế", anh Toàn cho hay.
|
Mong muốn của thầy Toàn ban đầu chỉ là tạo ra sản phẩm có thể tái sử dụng rác. Ảnh: M.A. |
|
Và "Bộ sưu tập túi xách từ vỏ mì gói đầu tiên và nhiều nhất tại Việt Nam" cũng được xác lập kỷ lục. Ảnh: M.A. |
Không chỉ là đam mê, mà đó còn cả tâm huyết, vì thế trong từng chi tiết cho tới đường kim, mũi chỉ điều được thầy Toàn dốc hết tâm sức. Khi bắt đầu làm những chiếc túi đầu tiên, anh Toàn chưa nghĩ đến việc xác lập kỷ lục, mục tiêu chính của anh là việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ và đánh giá cao việc làm "lạ đời" của thầy giáo trẻ.
|
Để tạo ra được những chiếc túi xách bằng vỏ mì gói, thầy giáo Toàn phải bỏ ra nhiều công sức và đa số công đoạn được làm thủ công. Ảnh: M.A. |
Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, anh vẫn miệt mài thực hiện đam mê của mình. Và "Bộ sưu tập túi xách từ vỏ mì gói đầu tiên và nhiều nhất tại Việt Nam" cũng được xác lập kỷ lục. Đây là cơ hội để anh Toàn gửi gắm thông điệp thời trang đi kèm bảo vệ môi trường. Với ưu điểm bền, đẹp, đa dạng màu sắc, rất dễ bảo quản và sử dụng kể cả khi trời mưa,…những chiếc túi xách do anh Toàn làm nên có độ bền lên đến hàng chục năm.
Chị Trương Thị Kim Phương (TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Màu sắc của chiếc túi xách từ vỏ mì gói rất độc lạ, mỗi cái điều có 1 phong cách riêng. Thấy tận mắt, sờ tận tay, tôi thấy thích thú lắm, rất đẹp mà độ bền của nó không thua gì cái hàng hiệu ở ngoài đâu".
|
Thầy Toàn đang ấp ủ ý tưởng sử dụng vỏ mì gói để tạo nên nhiều sản phẩm hữu ích khác. Ảnh: M.A. |
Theo anh Toàn, vỏ mì gói này nếu bỏ vào môi trường nó rất khó phân hủy. Khi chọn chất liệu này, ngoài ưu điểm tái sử dụng rác, thì nó lại có màu sắc sẵn, anh không cần phải phun sơn hay nhuộm màu. Anh mong muốn mang sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người không có việc làm ổn định, kiếm thêm thu nhập ngoài giờ.
Không dừng lại ở túi xách, thầy giáo Toàn còn thử thách mình ở những sản phẩm thủ công khác cũng từ chất liệu vỏ mì gói.