HLV Troussier từng nói về đấu pháp áp dụng cho U22 Việt Nam: “Đối với tôi, phòng ngự phản công chỉ là một phần của bóng đá. Chúng ta có thể áp dụng chiến thuật này nhưng tuỳ thuộc vào đối thủ, hoàn cảnh trận đấu.
Những trận ở cấp độ châu Á, khi chúng ta đối đầu đối thủ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc thì có thể phỏng đoán chúng ta chỉ có thể kiểm soát bóng từ 30-40% trong thời gian thực tế. Phải có đấu pháp thiên về phòng ngự phản công nhiều hơn. Nhưng đối thủ cùng đẳng cấp, trong Đông Nam Á chẳng hạn, thì đương nhiên chúng ta được đánh giá mạnh hơn, có thể kiểm soát bóng vượt trội hoàn toàn so với đối thủ.
Lúc đó triết lý của tôi muốn đội bóng áp dụng là kiểm soát bóng tốt, có nhịp chơi hợp lý, không nhất thiết lúc nào cũng tấn công nhanh mà có thể nhịp bóng nhanh chậm tuỳ hoàn cảnh, làm thế nào không bị mất bóng một cách dễ dàng. Các cầu thủ trong hoàn cảnh đó làm thế nào ra quyết định chơi bóng cho hợp lý và đặc biệt có sự hiệu quả trong 1/3 cuối sân”.
Thực tế không như phát biểu của HLV Troussier. 90 phút trước Lào mang đến thống kê thất vọng lớn dành cho U22 Việt Nam. Thời gian kiểm soát bóng của U23 Việt Nam chỉnh nhỉnh hơn 1 xíu so với Lào, 56% và 44%, riêng hiệp 2 thì Lào chủ động hơn so với đội bóng của HLV Troussier.
Một thống kê đáng quên khác là Lào sở hữu đến 67 lần tấn công nguy hiểm. Việt Nam kém 6 lần với 61 đợt tấn công. Đây là thống kê của trang Scorebar.
Với triết lý đá áp đặt đối thủ, HLV Troussier được kỳ vọng tạo ra làn gió mới nhưng sự thật đang chỉ nói suôn. U22 Việt Nam không thể lấn áp Lào thì làm sao kiểm soát bóng nhiều như HLV Troussier tuyên bố “đối thủ cùng đẳng cấp, trong Đông Nam Á chẳng hạn, thì đương nhiên chúng ta được đánh giá mạnh hơn, có thể kiểm soát bóng vượt trội hoàn toàn so với đối thủ”?
Cần nhắc, U22 Việt Nam đã thắng Lào may mắn. Quãng thời gian hiệp 2 là 45 phút đáng quên, bởi Lào ép sân, liên tiếp tạo sóng gió và một lần làm rung chuyển khung thành của thủ môn Văn Chuẩn.
Chỉ có thể nói rằng, tạm thời phải thất vọng với HLV Troussier!