|
Làng chài Phước Hải cách TP.HCM khoảng 2 tiếng chạy xe, phù hợp cho các chuyến vui chơi ngắn ngày.
|
Cách TP. HCM khoảng 90 km, làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sở hữu khung cảnh thơ mộng không kém gì những ngôi làng miền biển trong phim Hàn Quốc. Chuyến đi này tôi quyết định dành 3 ngày 2 đêm để hòa mình vào cuộc sống dung dị của những người dân trong làng, tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của những cánh đồng lúa, bãi biển, tìm hiểu về văn hóa - lịch sử và thưởng thức hải sản tươi ngon của vùng đất này.
Đặt chân đến Phước Hải, tôi được sống chậm lại, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của làng chài bình yên cùng những khu vực lân cận, cảm nhận sự hiếu khách của những con người nơi đây.
Tôi là Lê Viết Vinh, hay còn gọi là Vinh Gấu, một travel blogger ham đi, thường ghi lại và chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm trên hành trình khám phá thế giới.
Làng chài nhỏ thơ mộng, bình yên
Nằm cạnh chân núi Minh Đạm, Phước Hải là một làng chài lâu đời, sở hữu bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp với làn nước trong xanh và bờ cát trải dài. Không đông đúc, đa dạng dịch vụ như các thành phố biển khác, đây là một địa điểm rất đẹp và bình yên, cách trung tâm Vũng Tàu khoảng 16 km và cách TP.HCM chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ lái xe.
Địa điểm đầu tiên không thể bỏ qua trên chặng đường di chuyển đến Phước Hải đó là đèo Nước Ngọt - cung đường giáp biển có hình chữ C uốn lượn ôm vách núi tuyệt đẹp. Đến đây, tôi được ngắm nhìn làn nước biển trong xanh vỗ bờ, tận hưởng làn gió biển mát, ghi lại những tấm ảnh đẹp với cung đường độc đáo.
|
Khung cảnh biển bình yên, thơ mộng của Phước Hải vào sáng sớm
|
Vốn là một ngôi làng đơn sơ nằm cạnh bờ biển, Phước Hải chỉ mới được quy hoạch, mở ra các địa điểm vui chơi để phục vụ du khách trong những năm gần đây. Đến với quảng trường diều, các bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn những con diều siêu to với nhiều màu sắc sặc sỡ, tạo hình ấn tượng đang no gió, chao lượn trên bầu trời trong xanh.
Cách ngôi làng nhỏ khoảng 15 phút di chuyển là cánh đồng lúa An Nhứt - một địa điểm siêu "hot" trong thời gian gần đây với con đường nhỏ chạy xuyên những cánh đồng lúa vàng óng trải dài đến tận chân trời. Nếu may mắn các bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh đồng quê yên bình với những ruộng lúa chín, hít hà mùi hương đồng nội, tận hưởng hoàng hôn rực rỡ cuối ngày.
|
Cánh đồng An Nhứt - địa điểm ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp.
|
Ngồi bên bờ ruộng, hít hà mùi hương của cây cỏ, của nắng gió, mang đến cho tôi cảm giác thư thái, bình an, xua tan mỏi mệt. Không đông đúc ồn ào, không xô bồ náo nhiệt, sau khi thưởng thức bữa tối, mọi người có thể đi dạo biển, ra bờ kè ngồi trò chuyện, hóng gió.
Tờ mờ sáng, những chiếc ghe, thuyền thúng lần lượt cập bờ sau một đêm thả lưới. Sau khi an vị, những chiếc thúng đầy ắp các loại hải sản như cá trích, cá mòi, tôm, ghẹ, ốc…, sẽ được xe máy cày kéo lên bờ. Tiếng trò chuyện, cười đùa rôm rả của những người ngư dân đang cùng nhau gỡ lưới, làm việc dưới ánh bình minh dát vàng trên mặt biển mang đến cảm giác bình yên, thơ mộng của một làng chài ven biển.
|
Người dân thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng chia sẻ về công việc, cuộc sống qua những câu chuyện.
|
Tại Phước Hải, tôi được trò chuyện, tìm hiểu về công việc và cuộc sống những người ngư dân sinh sống tại đây. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây. Đi đến đâu chúng tôi cũng được chào đón với những nụ cười thật tươi trên khuôn mặt rạng rỡ.
Những điều thú vị bị lãng quên
Không chỉ có biển, Phước Hải còn có núi Minh Đạm và một loạt các căn cứ, hang di tích nằm trong Khu di tích lịch sử Minh Đạm.
Sau khi ghé thăm đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi tiếp tục men theo những bậc thang để đến với hòn Đá Chẻ hay còn gọi là đỉnh Chóp Mao. Đây là đỉnh cao nhất trong dãy núi Minh Đạm. Tại đây các bạn có thể tìm hiểu về công cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến.
Cách đó không xa là Bạch Vân Động và Bạch Vân Điện, nơi được bao quanh bởi khu rừng nguyên sinh giữa dãy núi Minh Đạm, nơi thờ cúng nhiều vị như Phật Bà Nam Hải, Phật A Di Đà, Ngũ Hành Nương Nương…
Từ trên núi cao, đứng ở bất cứ đâu tôi cũng có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn biển cả bao la, xanh ngát một vùng trời. Đứng trên hòn đá cao, tôi thấy mình thật nhỏ bé trong thế giới rộng lớn này, rũ bỏ đi mọi muộn phiền, tôi hít thật sâu, tận hưởng bầu không khí trong lành, thưởng thức nét hoang sơ, bình yên của vùng đất này.
|
Đỉnh Chóp Mao nhìn ra làng chài Phước Hải phía xa xa.
|
Cũng trong chuyến đi này tôi được khám phá Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên nằm ngay dưới chân núi Kỳ Vân, nơi đây được công nhận là ngôi chùa có đàn khỉ đông nhất Việt Nam. Hiện là mùa khô nên nơi đây khá nắng, nếu có dịp các bạn hãy đến đây vào mùa mưa khi cây cỏ xanh mát để tận hưởng cảnh quan, ngắm nhìn những bạn khỉ.
Quay lại làng chài, tôi ghé thăm Ngọc Lăng Nam Hải - ngôi mộ cá ông lớn nhất Việt Nam. Đây là nơi thờ cúng, cầu bình an cho những ngư dân đang sinh sống và đánh bắt ở vùng biển nơi đây.
|
Bờ kè Lộc An là điểm check-in khá "hot" thời gian gần đây. Các bạn có thể ghé mua hải sản tươi ở cảng cá Lộc An gần đó.
|
Là một người yêu thích xê dịch, tôi tiếp tục lên xe, đi khoảng 10 phút thì đến bờ kè Lộc An - điểm check-in "hot" với khu vực kè đá kéo dài hàng chục mét. Nơi đây sở hữu khung cảnh vắng vẻ, lãng mạn. Bãi biển Lộc An trong xanh, kín gió, tôi thong thả đi dạo, ngắm hoàng hôn dần buông phía chân trời. Đến đây các bạn có thể chụp ảnh với những chiếc tàu cá nhiều màu sắc được neo đậu ngay ngắn tại cảng cá Lộc An cách đó không xa.
Hải sản tươi ngon, giá siêu rẻ
Để cảm nhận trọn vẹn nhịp sống của người dân địa phương, tôi chọn ăn sáng ngay trong tại Phước Hải. Bước vào lòng chợ, tôi được chào mời bởi đa dạng những món ăn từ khô đến nước như bánh xèo, bánh khọt, bún, bánh canh chả cá… Sau khi dạo một vòng chợ, tôi quyết định ngồi xuống thưởng thức cháo đậu ăn kèm với cá kho và nộm rau, măng và hoa chuối.
Hương vị món ăn được nêm nếm khá vừa miệng, ăn cùng các loại rau khá thú vị, kích thích vị giác, tiếp đó tôi thử món bún riêu. Mang đặc trưng ẩm thực của những làng chài ven biển, nước lèo nơi đây cũng có vị khá ngọt.
Vào buổi trưa và tối, dọc bờ kè Phước Hải tập trung nhiều hàng quán, nơi bạn có thể tìm thấy nhiều loại hải sản tươi ngon được những ngư dân sinh sống trong khu vực này đánh bắt, đặc biệt là hàu sữa. Những chú hàu sữa tươi ngon sau khi được hấp chín chấm với nước sốt được bán với giá 35.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể thử món hàu sữa bằng nhiều cách chế biến khác như hàu sống ăn với chanh, cháo hàu…
|
Hải sản Phước Hải rất đa dạng, tươi ngon.
|
Tại đây còn bán nhiều loại cá, hải sản khác, mỗi món ăn có giá 35.000-120.000 đồng/món, thuận tiện cho du khách nếu đi theo nhóm nhỏ nhưng vẫn muốn thưởng thức được nhiều món. Chúng tôi gọi món cá sòng và cá đục nướng cuốn bánh tráng. Thịt cá dai ngọt, ăn kèm với các loại rau dưa, chấm cùng nước mắm mang đến hương vị hòa quyện, thơm ngon.
Trên đường quay về TP. HCM, tôi ghé quán bún nóng nổi tiếng ở huyện Đất Đỏ. Tương tự như bún thịt nướng ăn cùng chả giò, điểm đặc biệt là sợi bún được sản xuất ngay tại chỗ ăn. Đây cũng là một trải nghiệm đáng thử trong chuyến hành trình của mình.
Chuyến hành trình khám phá làng chài Phước Hải mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Có đến tận nơi và sống chậm ở ngôi làng này, tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp và sự hiếu khách của con người nơi đây.