Thể thao thành tích cao Quân đội - Tìm lại một thuở vàng son

Google News

Thời gian qua, nhóm PV Báo Quân đội nhân dân đã đến các đoàn, đội, trung tâm TDTT Quân đội, thấy các đơn vị tập trung xây dựng, phát triển các môn thể thao truyền thống, thế mạnh, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tài năng trẻ thể thao.

Thành công thấy rõ khi các vận động viên (VĐV) Quân đội giành nhiều thành tích cao ở đấu trường SEA Games, giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được chiến tích ở Olympic, ASIAD, giải vô địch thế giới và châu Á, thể thao Quân đội cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất, con người và chế độ đãi ngộ.
Bài 1: Những chiến công đi cùng năm tháng
Chiến công chói lọi của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio de Janeiro 2016 là trang sử vàng của thể thao Việt Nam, đánh dấu một chặng đường dài thể thao Quân đội góp phần vào chiến công chung của thể thao nước nhà. Giới chuyên môn đều thừa nhận: Phải rất lâu nữa, thể thao Việt Nam mới có cơ hội tái hiện chiến công của tuyển thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh tại đấu trường Olympic. Tuy nhiên trước đó, thể thao Quân đội đã từng có lần “cứu” Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN).
The thao thanh tich cao Quan doi - Tim lai mot thuo vang son
Xạ thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng, thiết lập kỷ lục tại Olympic Rio de Janeiro 2016, ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 202,5 điểm. Ảnh: Getty. 
Cú đá làm rung chuyển karate Nhật Bản
ASIAD 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc), bầu không khí u ám bao trùm lên Đoàn TTVN. Đặt mục tiêu giành 2-3 huy chương vàng (HCV) nhưng đến những môn thi cuối cùng, đoàn vẫn chưa có tuyển thủ nào bước lên bục cao nhất nhận huy chương. Trong lúc đó, thầy trò huấn luyện viên (HLV) karate Lê Công cũng sốt ruột, tiếc nuối trước thông tin thi đấu của đoàn nhà. Trước khi đội lên đường sang Quảng Châu, một lãnh đạo Tổng cục TDTT hớt hải đến gặp HLV Lê Công, nói như khóc: “Anh giúp tổng cục với!”. “Bình tĩnh! Anh cứ yên tâm! Đoạt thành tích cao nhất là trách nhiệm của đội tuyển karate quốc gia, là bổn phận của thầy trò chúng tôi với thể thao nước nhà, thể thao Quân đội”, HLV Lê Công tự tin đáp lời.
Chuyện võ sĩ karate Lê Bích Phương giành HCV hạng 55kg ASIAD 2010 ở Quảng Châu sau đã trở thành huyền thoại. Nhưng để học trò có được tấm HCV này, bản thân HLV Lê Công trước đó phải chịu vô số sức ép. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, HLV Lê Công nhớ lại: “Khi tôi chọn Lê Bích Phương dự ASIAD 2010, các thành viên đội tuyển karate quốc gia ớ người. Tổng cục TDTT cũng có ý kiến khuyên tôi nên cân nhắc. Chuyên gia đội tuyển karate Việt Nam hồi đó, ông Shina (Nhật Bản) vốn rất tin tưởng tôi cũng bối rối khi thấy Phương được chọn”.
Cho đến tận bây giờ, trò chuyện với các lãnh đạo trung tâm, đoàn, đội thể thao Quân đội và tỉnh, thành phố, ngành khác, nhiều người vẫn bảo HLV Lê Công ngày đó “son” quá. Sự kiện Lê Bích Phương hạ võ sĩ người Nhật Bản Kobayashi trong trận chung kết ở hạng cân 55kg đã gây chấn động nền thể thao xứ phù tang. Một đằng là đương kim vô địch thế giới, một đằng chưa có tiếng tăm gì ở trong nước. Khi trận chung kết trôi về những giây cuối cùng, trong một khoảnh khắc xuất thần, Lê Bích Phương đã tung cú đá tạt ngang, móc ngược chân trúng mặt đối thủ. Cú đá này, thầy Lê Công đã chỉ bảo Phương tập cả trăm lần mỗi ngày. HLV Lê Công hồi tưởng: “Tôi biết lúc đó người Nhật và Kobayashi xem nhẹ Phương nhưng đó chính là lợi thế của em".
Khi trận chung kết chỉ còn vài giây, trong tình thế bị dẫn 3-1, Lê Bích Phương đã tung cú đá để đời, chốt tỷ số trận chung kết 4-3. Cú đá không chỉ giúp Đoàn TTVN giành được tấm HCV duy nhất ở đại hội mà còn đưa tên tuổi tuyển thủ Quân đội này vang danh châu lục. Cú đá ngang, móc ngược chân của Lê Bích Phương khiến karate Nhật Bản rung chuyển. Trước đó, các nữ võ sĩ karate đất nước mặt trời mọc rất hiếm khi dùng đòn cao chân vì quan niệm như vậy là không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Nhưng sau thất bại của Kobayashi trước Lê Bích Phương, karate Nhật Bản đã chấp nhận, thậm chí khuyến khích các nữ võ sĩ dùng đòn cao chân.
Nhớ về ASIAD 2010, nhiều lãnh đạo Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam giờ vẫn còn "hãi", có người đã đánh mất sự nghiệp vì thành tích yếu kém của đoàn. Nếu Lê Bích Phương không đoạt HCV, không rõ chuyện gì xảy ra.
Chiến công vang dội năm châu
6 năm sau ngày Lê Bích Phương giành HCV ASIAD, một tuyển thủ Quân đội khác cũng bước lên bục cao nhất nhận HCV, nhưng lần này là ở đấu trường đỉnh cao hơn-đấu trường Olympic. Chiến công vang dội năm châu này thuộc về tuyển thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh. Ở Olympic Rio de Janeiro 2016, Hoàng Xuân Vinh đã đoạt 1 HCV, 1 HCB, thiết lập 1 kỷ lục đại hội, khiến đội ngũ làm thể thao nước nhà mừng mừng tủi tủi. Chứng kiến giây phút Hoàng Xuân Vinh bắn trúng hồng tâm, đoạt HCV, thiết lập kỷ lục Thế vận hội nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 202,5 điểm, ông Hoàng Vĩnh Giang, khi đó là Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam đã lên cơn đau tim. Gặp chúng tôi trong Văn phòng Chính phủ, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) gặp mặt động viên, khen thưởng Đoàn TTVN dự Olympic Rio de Janeiro 2016 trở về, ông Hoàng Vĩnh Giang bật khóc nức nở trong góc phòng. Lúc đó, ông gọi một nhóm phóng viên lại, vừa nói vừa khóc: “Chúng mày (ông vẫn có thói quen gọi yêu như vậy-PV) không biết lão già này suýt chết khi Vinh giành HCV đâu. Lúc đó chú lên cơn đau tim, may có vợ ở bên lấy kịp thuốc. Đoạt được HCV, phá kỷ lục ở Olympic không dễ đâu. Chiến tích huy hoàng này, mấy thập niên nữa TTVN cũng khó lặp lại”. Ông Hoàng Vĩnh Giang mỗi lần nói về thể thao Quân đội đều luôn dành sự tôn trọng đặc biệt. Ngày ông mất vì cơn đau tim, những người làm thể thao Quân đội đã rơi nước mắt.
Với những người hoạt động lâu năm trong ngành thể thao, chiến công đoạt HCV, HCB, lập kỷ lục đại hội của Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 là báu vật của thể thao Việt Nam, của Quân đội và nhân dân Việt Nam. Trong thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trên đất Brazil ghi dấu ấn trực tiếp của Quân đội, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT... Bên cạnh đó là sự hy sinh vô điều kiện của Hoàng Xuân Vinh. Ở trong nước, điều kiện tập luyện của anh và đồng đội không được như các VĐV đẳng cấp thế giới, cơ số đạn bắn tập không đủ cung cấp. Một ngày giơ súng lên, đặt xuống cả nghìn lần nhưng chỉ có vài trăm viên đạn, có lúc chỉ có vài chục viên đạn. Bóp cò thế nào đây? Chỉ có khổ luyện, dùng quyết tâm, ý chí của mình để vượt qua mọi áp lực.
Thành tích vang dội của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio de Janeiro 2016, của Lê Bích Phương, của kình ngư Ánh Viên, chân chạy Nguyễn Văn Lai, Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin, đội bóng Viettel... không chỉ là nguồn cổ vũ lớn lao cho thể thao nước nhà, thể thao Quân đội, mà còn là sự động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này cũng minh chứng cho việc thể thao Quân đội đầu tư cho lực lượng VĐV tinh nhuệ, các môn thể thao trọng điểm đã mang lại hiệu quả; đồng thời cho thấy sự khổ luyện, ý chí quyết thắng của VĐV đã góp phần tạo nên những trang sử vàng cho thể thao Quân đội.
Bốn thập niên qua, TTVN tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài, giành 5 huy chương, gồm 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 là kỳ Olympic thành công nhất của TTVN khi xạ thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB, lập 1 kỷ lục đại hội. Trở về từ Olympic Rio de Janeieo 2016, kỷ lục gia Thế vận hội Hoàng Xuân Vinh khẳng định: "Tôi luôn tự hào là người lính, được Quân đội nuôi dưỡng để có ngày hôm nay. Tôi xin cảm ơn người hâm mộ đã cổ vũ, cảm ơn những người thầy đã dìu dắt, cảm ơn gia đình đã luôn ở bên tôi".
(còn nữa)

Theo CƯỜNG HÙNG TRƯỞNG/Quân đội nhân dân

>> xem thêm

Bình luận(0)