|
Nhiều trẻ bị viêm hong, viêm A mủ chỉ vì thói quen hằng ngày. |
Thói quen ...nguy hiểm
Chị Nguyễn Thu Lan (Ba Đình, Hà Nội) mấy hôm nay cũng khốn khổ vì “dàn đồng thanh” từ hai đứa con của chị.. Sau đợt nắng nóng như đổ lửa vừa qua, hai không chỉ con bé 4 tuổi mà ngay cả cậu con trai lớn 16 tuổi. mấy năm trời chưa đụng đến viên kháng sinh, cũng ho như cuốc kèm sốt cao, nằm bẹp dí cả tuần trời.
Chị Lan kể: “Con bé, ở nhà không kiểm soát được, thi thoảng lại lôi nước lạnh, sữa chua ra …uống đã đành. Đằng này thằng lớn, mới sáng nó vẫn còn đi đá bóng ầm ầm. Thế mà chỉ đến chiều… lờ đờ rồi “tắt đường tiếng". Đến đêm thì mất luôn “đường hình”. Hỏi bà nội thì mới biết, ngày nào đi đá bóng về mồ hôi nhễ nhại liền bật quạt thổi thốc vào người, đồng thời làm thêm chai nước lạnh rồi mới đi tắm. Xong xuôi, cu cậu chui vào phòng bật điều hòa chờ đến bữa. Thời khóa biểu ấy được nó lặp đi lặp lại, đến hai tuần thì… lăn ra ốm”, chị Lan vừa dìu con đi lấy máu xét nghiệm vừa kể lại.
Tại bệnh viện bác sĩ kết luận, con chị bị viêm phế quản, viêm amidan mủ cấp…. Các bác sĩ giải thích, bệnh viêm họng thường xảy ra khi có sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Điều này dễ xảy ra khi uống nước quá lạnh khi đang nóng hay khi đang toát mồ hôi, vừa ở ngoài trời nóng về đã tắm nước lạnh, từ bên ngoài bước ngay vào phòng lạnh hoặc ngược lại...
Ngoài ra, một thói quen khiến các cháu rất dễ bị viêm họng là vừa đi ngoài trời hoặc hoạt động nhiều ra mồ hôi lại ra ngay trước quạt đứng. Do đó, bệnh viêm họng dễ xảy ra trong mùa hè hơn là mùa đông. Trong khi đó, mùa hè, thời tiết nóng, sức đề kháng của cơ thể thường giảm, nên là tác nhân làm gây viêm đường hô hấp, nếu nặng có thể gây viêm họng mủ, viêm amiđan mủ.
PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội cho biết thêm viêm họng là hiện tượng tổn thương ở niêm mạc của họng nhưng nguyên nhân không phải do vi khuẩn hay virut như những bệnh viêm họng thông thường mà do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường xung quanh tác động lên niêm mạc họng làm niêm mạc họng khô, sung huyết và xuất hiện các triệu chứng của viêm họng. Người bệnh bị viêm họng do thời tiết thường không sốt, thân nhiệt dưới 37,5°C. Triệu chứng cơ năng thường gặp là ngứa họng, cay họng, rát họng, nuốt đau. Khám họng sẽ thấy tình trạng niêm mạc họng đỏ rực, không thấy có hiện tượng tăng tiết nhầy mà có cảm giác như niêm mạc họng không có nước, không có lớp chất nhầy che phủ, khô như giấy ráp. Các xét nghiệm máu nằm trong giới hạn bình thường.
Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cũng cảnh báo, viêm họng cấp nếu không được điều trị rất dễ gây biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát (trẻ nhỏ) và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.
Nước muối súc họng – “thần dược” chữa viêm
Để phòng bệnh, các gia đình nên giữ môi trường sống vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt với trẻ nhỏ, tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc, khói than, lông chó mèo, … để tránh kích ứng hệ hộ hấp của bé. Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà bông để loại trừ vi khuẩn gây hại, nhất là sau khi bé đi vệ sinh. Chú ý vệ sinh bàn chải và cách vệ sinh răng, miệng cho bé. Sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý. Không nên để nhiệt độ quá thấp (nên để ở mức 24 – 26 độ C), không để trẻ nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp thổi vào. Vệ sinh điều hòa thường xuyên.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, các bác sĩ cảnh báo, việc bạn đưa trẻ từ môi trường nóng sang môi trường lạnh một cách đột ngột có thể khiến bé bị đau họng hoặc bị cảm. Do đó, trước khi đưa trẻ từ trong phòng có điều hòa nhiệt độ ra bên ngoài, hoặc từ ngoài trời nóng vào phòng có điều hòa, bạn nên cho trẻ sang một phòng khác có quạt mát khoảng 10 - 15 phút. Không để quạt thốc trực tiếp vào mặt trẻ mà nên hướng quạt về phía chân của trẻ để tránh trẻ bị viêm họng. Không tắm cho trẻ sau khi trẻ vừa vận động hoặc ra nhiều mồ hôi để tránh cảm lạnh do thay đổi thân nhiệt đột ngột. Không cho trẻ uống nước quá lạnh, hay ăn nhiều kem, uống nước đá.
“Trong trường hợp trẻ bị viêm họng cần cho trẻ súc miệng bằng nước muối thường xuyên”, PGS. Bích Đào khuyến cáo, tuy nhiên có một thực tế người dân vẫn có thói quen sử dùng nước muối tự pha để súc họng. Việc này, theo PGS Đào “có thể là một cách rẻ tiền, an toàn và hiệu quả giúp giảm đau, giảm các triệu chứng như: điều trị đau họng nhẹ, giảm khô, rát họng, cân bằng trạng thái pH của niêm mạc và lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc họng, đặc biệt ở những người trải qua hóa trị hoặc xạ trị”.
Tuy nhiên, nước muối có thể diệt một số nhưng không phải tất cả vi khuẩn miệng và họng. Đặc biệt, một số người, trong đó có trẻ nhỏ nên cân nhắc sử dụng. “Những người bị tăng huyết áp hoặc có các bệnh lý khác (thận...) cần hạn chế lượng natri nên tư vấn bác sĩ hoặc nha sĩ trước khi súc miệng bằng nước muối”, PGS. Phạm Bích Đào khuyến cáo.