Với Gen Z, gặp gỡ trực tiếp không còn là phương thức ưu tiên khi kết nối các mối quan hệ trong cuộc sống và công việc, theo Quartz.
Ngày nay, người trẻ sử dụng Internet và công nghệ như công cụ kết bạn, giao lưu với cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí tìm kiếm tình yêu.
Dù cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại, thế hệ trẻ thích giao tiếp qua thế giới "ảo" hơn, tạo nên cách thức kết nối hoàn toàn mới.
|
Đại dịch đã phần nào ảnh hưởng tới xu hướng sử dụng Internet và mạng xã hội trong giao tiếp đời thường và công việc của Gen Z. Ảnh: BBC.
|
Kết nối thực qua thế giới "ảo"
Theo Quartz, một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 10 ứng viên tìm việc làm thì có 7 người tin họ không cần gặp mặt trực tiếp để tạo dựng quan hệ nơi công sở.
Một báo cáo khác lại chỉ ra một nửa thanh niên Gen Z quen biết bạn bè qua mạng xã hội.
Quartz cho rằng bản sắc cá nhân và hình ảnh trên mạng của Gen Z có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
|
Nhắn tin qua app, gọi video trở thành phương thức hẹn hò được nhiều người trẻ ưa chuộng trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Parade.
|
Điển hình, hẹn hò trực tuyến trở thành xu hướng nổi bật với người trẻ trong 2 năm qua.
Theo trang web kết đôi OkCupid, 1/4 người dùng thích trò chuyện qua Internet hơn gặp mặt trực tiếp. Trên Hinge, 65% người dùng hẹn hò qua những cuộc gọi video trước khi làm quen ở đời thực.
Ở khía cạnh công việc, ngày càng nhiều Gen Z kết nối với các nhà tuyển dụng nhờ mạng xã hội.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy 3,5 triệu tin nhắn trao đổi giữa sinh viên và các công ty tiềm năng qua nền tảng Handshake trong 12 tháng qua.
8/10 người thuộc gen Z đồng tình rằng việc tạo mối quan hệ với cấp trên qua mạng có nhiều ưu điểm, dễ dàng hơn so với thế hệ trước. Ngoài ra, họ cũng chuộng hình thức phỏng vấn online hơn.
Tự tin hơn trên Internet
Sự ưu ái với thế giới "ảo" của người trẻ không dừng lại khi đại dịch tạm lắng xuống ở một số quốc gia.
40% người dùng Tinder vẫn tiếp tục hẹn hò qua tin nhắn, cuộc gọi video; 54% sinh viên dùng nền tảng Handshake muốn tham dự các buổi hướng nghiệp, tuyển dụng trực tuyến.
Ngoài tính tiện lợi, nhanh chóng, Gen Z chuộng mở rộng mối quan hệ trên Internet vì cho rằng "thế giới ảo đem lại cảm giác công bằng hơn".
Nghiên cứu của trang Handshake chỉ ra các buổi tuyển dụng online giúp sinh viên da màu, nữ giới, cộng đồng LGBTQ+ và người khuyết tật thấy "an toàn hơn".
Họ thấy được thừa nhận, ít bị đánh giá khi gặp nhà tuyển dụng qua màn hình máy tính và tự tin thể hiện bản thân hơn trong buổi phỏng vấn.
|
Hình thức phỏng vấn trực tuyến được Gen Z ưa chuộng vì đem lại cảm giác an toàn, thoải mái để thể hiện khả năng hơn. Ảnh: Getty.
|
Procter & Gamble, công ty có trụ sở tại Cincinnati (bang Ohio, Mỹ), nói rằng doanh nghiệp có thể tận dụng điều đó vào quá trình tuyển dụng online.
Trước đó, công ty này thường cạnh tranh với những doanh nghiệp ở New York hay Los Angeles để tìm kiếm các ứng viên thuộc cộng đồng LGBTQ+.
Khi tung ra chiến dịch tuyển nhân viên trực tuyến có tên "This is Love", công ty này đã tạo điều kiện để ứng viên trò chuyện với nhiều người có ảnh hưởng trong cộng đồng như Megan Mitchell - người dẫn chương trình nổi tiếng, biểu tượng LGBTQ+ ở Cincinnati.
Trong vòng 2 tuần, Procter & Gamble nhận về hơn 500 đơn đăng ký ứng tuyển từ những người tham dự sự kiện.
Một số tập đoàn như Ford Motor Company hay Microsoft hiện đã cam kết thực hiện chiến lược tuyển nhân viên trực tuyến, thừa nhận rằng nhóm nhân lực trẻ đang "từ bỏ" cách kết nối với nhà tuyển dụng qua sơ yếu lý lịch và danh thiếp.
Họ cũng nhận ra rằng nhờ Internet và mạng xã hội, nhà tuyển dụng có thể tiếp cận nhiều ứng viên trẻ hơn mà không cần tốn ngân sách di chuyển, tổ chức sự kiện.
Ngay cả với những công ty đã chiêu mộ được những người trẻ tiềm năng, họ phải tìm chiến lược phù hợp để thúc đẩy sự tương tác và giữ chân Gen Z.