Gen Z chơi chứng khoán: "Bỏ tiền mà không rõ mình đầu tư vào đâu"

Google News

Các nhà đầu tư cá nhân Gen Z non trẻ đều dễ vấp phải những vấn đề chung như chưa có kế hoạch rõ ràng, vướng bẫy FOMO, sốt ruột khi thấy lỗ.

Những ngày đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán, Ánh Hồng (24 tuổi, nhân viên truyền thông) miêu tả mình như đứng trước một ma trận thông tin. Những thuật ngữ như phái sinh, giá tham chiếu, thanh khoản.... nghe đều xa lạ.

Vì muốn có một số kiến thức nền nhất định, Hồng quyết định sẽ học một khóa dạy “chơi chứng” cơ bản trước khi "thực chiến".

"Chỉ vần vài giây tìm kiếm trên mạng là ra vô số khóa học dạy cách thức đầu tư chứng khoán, với giá tiền từ vài triệu đến cả chục triệu đồng cùng lời chào mời hấp dẫn. Người làm trái ngành, kiến thức hay kinh nghiệm đều là trang giấy trắng như mình không tránh khỏi hoang mang, không biết phải nghe hay tin bên nào", Hồng cho hay.

Gen Z choi chung khoan:

Ngày càng nhiều bạn trẻ Gen Z tập đầu tư vào chứng khoán. Ảnh: BI.

Khó khăn Ánh Hồng trải qua là vấn đề không xa lạ mà nhiều bạn trẻ gặp phải khi tập tành đầu tư. Với số lượng người trẻ tuổi dấn thân vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, hầu hết đều vấp phải ít nhiều khó khăn trước khi kiếm được thêm thu nhập cho mình.

Bỏ tiền học

Sau khoảng 1 tuần tự tìm hiểu, Hồng chọn một chỗ học theo lời review trên mạng. Mức tiền bỏ ra là 1,5 triệu đồng cho 5 buổi học online qua Zoom - con số theo Hồng là hợp lý, trong khả năng chi trả.

Theo cô, ở hai buổi đầu, những thứ "vỡ lòng" như các loại hình đầu tư, hướng dẫn mở tài khoản, cách nạp tiền để giao dịch khá dễ. Tuy nhiên, ở nửa sau, cô gặp khó khi kiến thức dần phức tạp lên, "có khi ngồi nghe cả buổi chỉ hiểu được 20-30%".

"Ban đầu, mình còn chần chừ, chưa mở tài khoản chứng khoán nên có khá nhiều phần nghe giảng mình không hình dung hay quan sát được. Để khắc phục, mình thực hành luôn, mua thử vài mã và ghi âm lại buổi học, nghe lại chừng 3-4 lần mới dần hiểu", cô nói.

Gen Z choi chung khoan:

Minh Khánh muốn rèn tâm lý, kỷ luật khi đầu tư của mình vững hơn. Ảnh: NVCC.

Kết thúc khóa học đầu tiên, Hồng dự tính đăng ký những lớp dạy chuyên sâu hơn. Cô sẵn sàng bỏ thêm tiền để đi học.

"Đầu tư mà thiếu đi kiến thức nền tảng sẽ chẳng khác gì cờ bạc. Mình nghĩ thà mất tiền học phí còn hơn sau mất tiền trên thương trường", cô nói.

Minh Khánh (sinh năm 1997, Hà Nội) gia nhập loại hình đầu tư này chưa lâu nhưng cũng đã đúc rút cho bản thân một số kinh nghiệm.

"Ban đầu, mình cũng bối rối trước một loạt thuật ngữ. May mắn là công việc chính mình làm có liên quan đến kinh doanh nên tham khảo kiến thức từ người đi trước khá dễ", Khánh cho biết.

Theo anh, nhu cầu về kiến thức đầu tư chứng khoán phụ thuộc vào độ lấn sâu vào thị trường của mỗi người.

"Nếu muốn đánh các mã đơn giản, an toàn trong dài hạn thì các cá nhân không cần tìm hiểu quá nhiều. Nhưng nếu muốn đánh theo dự án thì tự mình phải tìm tòi, xem công ty đó lãi lỗ ra sao, đang hay chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực gì".

Vì chỉ coi chứng khoán là nguồn thu nhập bên ngoài công việc chính nên Khánh không bỏ quá nhiều thời gian đọc thêm sách về lĩnh vực này.

"Muốn tìm hiểu khía cạnh cơ bản nào, mình sẽ chọn cách nhanh nhất là lên mạng tra cứu", anh cho biết.

Gen Z choi chung khoan:

Chứng khoán không còn là sân chơi xa lạ đối với giới trẻ hiện nay, song kiếm lời không phải chuyện ai cũng mau chóng làm được.

Loạn thông tin, tâm lý sợ bỏ lỡ

Điều Minh Khánh muốn cải thiện nhất sau thời gian đầu tư chứng khoán là tâm lý khi đầu tư.

"Mã lãi thì không sao nhưng thấy lỗ ai cũng sốt ruột, muốn 'về bờ' sớm để thoát hàng, dành tiền cho mã khác. Đến lúc mình bán đi rồi thì mã đó lại bứt tốc, tăng mạnh, hoặc khi người khác phím cho 'mã ngon' nhưng mình chần chừ chưa mua, lúc giá lên thì lại tiếc. Mình nghĩ ai cũng từng trải qua cảm giác đó một lần khi chơi chứng khoán".

Sau những lần mua bán không thành công, bài học Khánh rút ra là phải xây dựng kỷ luật cho bản thân.

"Tự mình chọn lọc thông tin và kiểm chứng tính chính xác, thấy ổn thì đầu tư. Rót tiền vào thì phải giữ niềm tin; đặt điểm chốt lời, điểm cắt lỗ rõ ràng, đạt được mục tiêu thì bán, không gồng gánh gì cả. Nếu không phải trader chuyên nghiệp thì cần rèn tính kiên nhẫn, hạn chế FOMO vì chứng khoán không phải 1-2 ngày là đã thấy lãi", anh chia sẻ.

Gen Z choi chung khoan:

Thời gian đầu, Thùy Linh đầu tư theo cảm tính, chưa có kế hoạch cụ thể. Ảnh: NVCC.

FOMO (fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ lỡ) là cái bẫy chung dễ mắc ở những người mới chơi chứng khoán. Đó là khi nhà đầu tư chưa sẵn sàng đầu tư cổ phiếu nhưng vẫn muốn đua cùng đám đông mua mã này bán mã kia, trong khi bản thân không có một kế hoạch đầu tư rõ ràng.

Năm ngoái, Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, nhân viên PR) tập tành đầu tư chứng khoán với số vốn nhỏ.

Linh cho hay trong thời gian đầu, cô chơi theo cảm tính, mua "cổ" theo sự tin tưởng dành cho doanh nghiệp hoặc nghe các room tư vấn phím hàng.

Theo Linh, số lượng room tư vấn mua bán cổ phiếu rất nhiều. Mỗi nơi hoạt động rất nhộn nhịp nên những nhà đầu tư F0 rất dễ bị cuốn theo, không biết nên tin bên nào.

"Dù hiểu rằng đầu tư thì không có gì chắc chắn 100%, mỗi room đều cố gắng nghiên cứu và dự đoán thị trường nhưng thông tin nhiều quá dễ khiến mình bị loạn. Khi loạn thông tin thì bản thân dễ rơi vào FOMO, mang nỗi sợ không kịp mua hay lỡ cơ hội sinh lời", Linh cho hay.

"Phi vụ thất bại đầu tiên của mình là bỏ tiền mua một mã mà thậm chí không biết công ty đó hoạt động trong lĩnh vực gì, kết quả kinh doanh ra sao mà chỉ tin lời phím hàng. Nửa năm sau đó, mã đỏ triền miên khiến bản thân cũng nản nhiều, đến khi về được điểm hòa vốn là bán vội", cô nói thêm.

Gen Z choi chung khoan:

Phương Anh cho hay dù có nền tảng cơ bản về tài chính, cô vẫn gặp khó khăn nhất định khi thực hành đầu tư. Ảnh: NVCC.

Về sau, Linh chuyển sang đầu tư theo tư vấn từ người môi giới quản lý tài khoản và khuyến nghị từ phòng phân tích tại công ty chứng khoán mà cô đăng ký.

So với lúc mới bước vào thị trường, Linh cho hay tâm lý giờ vững hơn, bớt bị hù dọa bởi những pha rung lắc của thị trường.

"Ai mới chơi cũng hay có tâm lý mã nào cũng muốn sở hữu, làm dày danh mục nắm giữ. Giờ, mình đã đầu tư có trọng tâm và theo cách hiệu quả hơn, dồn tiền vào mua khối lượng phù hợp thay vì dàn trải".

Tương tự, Nguyễn Phương Anh (23 tuổi, nhân viên môi giới chứng khoán) cho biết bản thân cũng không tránh khỏi tâm lý sợ bỏ lỡ.

Tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính, công việc đòi hỏi theo dõi và cập nhật thông tin liên tục, Phương Anh có một số lợi thế nhất định khi gia nhập thị trường so với những bạn trẻ làm trái ngành nghề khác.

Tuy vậy, cô cho biết bản thân cũng gặp phải những khó khăn ai cũng mắc. Khi mới chơi, Phương Anh bị cuốn theo các thông tin xuất hiện trên mạng mà không kiểm chứng lại, cộng với khả năng phân tích kỹ thuật chưa vững nên giai đoạn đó mang tâm thế cố đu đỉnh.

"Sau hơn 1 năm rưỡi đầu tư, mình có lời có lỗ nhưng biết quản trị rủi ro để khoản lỗ trong mức cho phép, sinh lời vẫn nhiều hơn. Tâm lý cũng không còn bị FOMO hay lên xuống theo bảng điện tử nữa".

Theo Hiền Thy/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)