Sự nhàm chán quen thuộc
Stuart Taylor đang khởi động cùng các thủ môn khác của Southampton là Fraser Forster và Alex McCarthy. Anh đang đứng trên đường biên, mặt đối diện với 2 người còn lại và đá qua đá lại quả bóng để họ chộp lấy.
Sau 15 phút, cả ba đều sẵn sàng, họ trở lại phòng thay đồ. Forster – thủ môn của ĐT Anh, và McCarthy thay trang phục thi đấu để chuẩn bị cho 90 phút căng thẳng. Họ đều ổn, nhưng trong trường hợp 1 trong 2 người dính chấn thương, Taylor mới được nhắc tới.
|
Taylor cản phá cú sút của Olivier Giroud (Arsenal) trong màu áo Reading năm 2013. |
Tuy nhiên, chẳng có chấn thương nào cả. Taylor mặc lại áo khoác, trèo lên cầu thang và kiếm một chỗ trên khán đài. Công việc của anh đã xong ngay từ khi trận đấu còn chưa bắt đầu. Giờ đây, nhiệm vụ của Taylor, đơn giản là “quan sát”.
Phận đời éo le
Đó là những gì Taylor đã làm, làm rất nhiều trong suốt 18 năm qua. Trước Southampton, anh đã từng chơi cho Arsenal, Aston Villa và Manchester City. Cùng với những đội bóng khác nữa, dường như có cảm giác anh còn chưa chơi bóng: Tổng cộng 95 trận, chỉ 10 lần ra sân từ năm 2009 và không có lần nào từ năm 2015.
Anh nhìn lại sự nghiệp của mình đầy khiên cưỡng. Những người anh gọi là đồng đội, những đội bóng anh coi là nhà, chỉ toàn nỗi thất vọng ở mỗi nơi anh đặt chân. Taylor đã dành cả sự nghiệp bóng đá của mình để đi theo một vai trò không bao giờ được hoan nghênh hay tán dương: Thủ môn dự phòng.
Điều đó làm nên một phần danh tiếng của Taylor. Anh vẽ lại bản thân bằng một chút tức giận, giống như kẻ “chỉ thích chạy quanh các đội bóng, nhận tiền dù chẳng làm gì. Với chừng ấy thời gian, anh thường gọi mình là “triệu phú truyền kỳ” tại Premier League.
Nó chẳng phải một miêu tả đúng đắn, xét trên bất cứ khía cạnh nào. Taylor cười với ý nghĩ: Ở tuổi 37, anh sẽ sớm giải nghệ với cuộc sống an nhàn. “Tôi phải làm việc. Mọi người cho rằng tôi kiếm được rất nhiều tiền. Chẳng có đâu”, Taylor nhoẻn miệng. Cuộc sống của một thủ môn dự phòng chỉ ngồi đó và không làm gì, chạy đến tập luyện rồi quay qua trêu chọc đồng nghiệp... Không! Công việc đó không như thế một chút nào.
Điều đau đớn nhất có lẽ là khi người ta nghĩ Taylor cố tình làm như vậy. Đây không phải sự nghiệp mà anh dự kiến. Anh đã làm tất cả những gì có thể để thoát khỏi cái chuồng này. Nhưng mỗi khi anh cố gắng, sự thất vọng ập đến với ý nghĩ bất lực. Và Taylor không phải là người duy nhất. “Mỗi HLV tôi từng gặp, mỗi thủ môn tôi từng làm việc đều nói lẽ ra tôi phải có 200 hay 300 trận ở Ngoại hạng Anh”, Taylor chia sẻ. “Tôi nhìn lại mọi việc và cũng tự dằn vặt như vậy”.
Khởi đầu trong mơ
Ở tuổi niên thiếu, Taylor được dự đoán một tương lai lớn. Anh sớm đến Arsenal sau giai đoạn ngắn ở Wimbledon, chung nhà với những ngôi sao người Anh sáng nhất thời bấy giờ ở Lilleshall.
Taylor được tuyển chọn cho U16 Anh, rồi U18, U20 và U21. Rất nhanh chóng, anh được coi là người thừa kế của tượng đài sống Daivd Seaman. Vào năm 2002, Arsenal vô địch Premier League và cùng với Richard Wright, mỗi thủ môn của Arsenal được bắt ít nhất 10 trận, đủ điều kiện để nhận huy chương.
Đến năm 2003, Taylor là dự bị chiến lược cho Jens Lehmann, thủ môn nhiều kinh nghiệm người Đức. Nhưng anh bỏ lỡ phần lớn mùa giải vì chấn thương và cho tới mùa hè sang năm, HLV Arsene Wenger mang về Manuel Almunia với nhiệm vụ đóng thế cho Lehmann. Wenger nói rằng ông sẽ hiểu nếu Taylor chọn cách ra đi.
Vậy đấy, mọi chuyện chấm dứt với Taylor ở Arsenal. Nhưng phải tới 2 năm sau, anh mới ra đi và chuyển tới Aston Villa. Ở đó, người ta hứa hẹn sẽ cho anh nhiều cơ hội: Nếu lựa chọn số 1 Thomas Sorensen chấn thương hay rớt phong độ, Taylor sẽ được chọn.
“Họ chẳng bao giờ thực hiện”, Taylor tội nghiệp thuật lại. “Tôi được họ xoa dịu liên tục rằng sẽ chơi trận này, trận khác nhưng không hề có. Bạn đặt hi vọng lên cao rồi nó vỡ tan, thật khó để chấp nhận. Bóng đá là trò chơi nghiệt ngã. Người ta chỉ nói với bạn những điều họ nghĩ bạn muốn nghe”.
Ngay cả lúc Sorensen rời đi, Villa lại ký với Brad Friedel rồi Brad Guzan. Taylor được giáng chức xuống vị trí dự phòng của... dự phòng. Anh chuyển tới Cardiff City – một đội bóng hạng dưới, theo dạng cho mượn với hi vọng “một CLB Ngoại hạng Anh nào đó sẽ chú ý và cho mình cơ hội”.
“Tôi luôn luôn có cái nhìn tích cực vào một bức tranh rộng hơn”, Taylor chờ đợi và nhận được tín hiệu. Năm 2009, anh ký với Manchester City để làm dự phòng cho Shay Given.
Given là một nhân cách phi thường, kể cả khi đau tay anh ấy vẫn tiếp tục thi đấu. Taylor chỉ có cơ hội ở FA Cup hay League Cup. Nhưng 1 năm sau đó, đến những suất đấy cũng không còn. Man City gọi lại Joe Hart và Taylor trở thành thủ môn số 3, một lần nữa.
Kể từ đây, Taylor chạy tới Reading, rồi tới Leeds để tìm kiếm vô vọng những cơ hội. Từ 2012 đến 2015, anh chỉ ra sân 9 lần. Sự kiên nhẫn cạn kiệt, Taylor nản chí: “Bạn chạy liên tục với suy nghĩ điều gì đó sẽ đến, rằng chắc chắn các trận đấu đã ở trước mắt, rồi nhận ra mình thật thê thảm. Tôi tuyệt vọng”.
Kế hoạch nghỉ hưu bất thành
Taylor rời Leeds và từ bỏ cả bóng đá. Anh dần vẽ ra kế hoạch nghỉ hưu, bao gồm cả làm giáo viên ở trung tâm huấn luyện thủ môn. Sau từng đấy thời gian, anh đã “quan sát” đủ rồi.
Taylor chán bóng đá nhưng bóng đá chưa buông tha anh. Taylor đến Southampton, nơi anh không còn chỉ là một thủ môn. Taylor đưa lời khuyên cho tất cả mọi người, từ các cầu thủ đến cả nhân viên. Anh biết ai huấn luyện lứa nào, thậm chí cả giờ tan làm của lễ tân.
|
Stuart Taylor. |
Thực ra, Taylor vẫn luôn như thế, ở mọi nơi từng đi qua. Given luôn nói về cách Taylor động viên anh mỗi giờ nghỉ, rằng “Bắt tốt đấy” hay “Cậu thật tuyệt vời”. Chỉ là những điều nhỏ nhặt nhưng nó luôn có ích.
Taylor trở thành “HLV động viên” ở Southampton. Anh biết mình không được thuê để làm điều đó nhưng vẫn thấy trách nhiệm của mình: “Tôi được mang đến đây để giúp đỡ người khác bằng sự nhiệt huyết của mình. Để khiến mọi thứ tốt đẹp, để cố gắng và tạo ra tác động tích cực”.
Taylor vẫn thường xem những trận đấu qua TV và cảm nhận mình “vẫn có thể làm được”. Southampton đã tiếp cận anh thay vì Hart – nhân vật đã nói ở trên. Đó là một sự ghi nhận và Taylor biết rằng: “Chẳng ai hứa hẹn gì với tôi ở đây. Tôi biết vai trò của mình”.
Trời tối dần, sân tập tắt đèn, bãi đỗ xe cũng gần như trống trơn. Ngay cả Alfie, con mèo mun đã trú ngụ rất lâu trong học viện, cũng đã đi ngủ. Taylor nói lời tạm biệt, quay vào trong, đi qua những cánh cửa quen thuộc. Đó là công việc mà dường như anh vẫn chưa sẵn sàng chia tay.
Chấp nhận cô đơn để theo đuổi đam mê
Cuộc sống của Taylor tại Southampton - miền nam nước Anh chẳng hào nhoáng chút nào. Trái lại, nó vô cùng khó khăn. Taylor sống một mình trong căn hộ đi thuê ở gần Wichester. Vợ anh cùng 3 đứa nhỏ vẫn ở lại Romford, vùng ngoại ô phía đông London.
Mất khoảng hơn 2 tiếng để di chuyển nếu Taylor nhớ gia đình nhỏ của mình. Anh chỉ ký 1 năm với Southampton, nó có đáng để anh xa những người thân yêu nhất của mình? Chẳng ai biết, Taylor vẫn thường cô đơn trong phòng gym khi mà những người khác đều đã về nhà.
Nhưng đó là cuộc sống Taylor đã chọn. Anh đã tập luyện, cả vô tình lẫn hữu ý, suốt nhiều năm qua. Anh là một thủ môn giỏi, một cầu thủ chuyên nghiệp. Đã có đàm phán từ phía Southampton nhằm gia hạn thêm 1 năm hợp đồng. Ở đây, ít ra, anh được ghi nhận.
Khi Taylor rời Leeds, anh nhận được rất nhiều lời mời từ các đội bóng ở hạng dưới nước Anh. Nhưng Taylor từ chối tất cả. “Nhiều người sẽ nói tôi sai lầm nhưng tôi chỉ muốn được chơi ở đẳng cấp cao nhất, nơi mà tôi nghĩ tôi thuộc về. Tôi đủ tốt để ở lại Ngoại hạng Anh”.
Đương nhiên, sẽ luôn có “nếu như” trong đầu mỗi người. Taylor cũng dằn vặt nhiều lần về quyết định khi xưa, nếu lúc đó anh chấp nhận lùi 1 bước để tiến 2 bước thì sao? Cậu con trai 8 tuổi của anh cũng đang theo nghiệp thủ môn. Liệu nó có muốn nhận lời khuyên nào từ người cha của mình không? Taylor không biết nhưng chắc chắn rằng nó “muốn một con đường hoàn toàn khác với tôi”.
Đó sẽ là sự lựa chọn của con trai anh, còn với Taylor, anh nuối tiếc nhưng chưa bao giờ hối hận về cách trân trọng cái nghiệp của mình. Công việc của anh là thủ môn. “Họ sẽ không để tôi ở đây nếu tôi không thể đứng trong khung thành”. Taylor kiên quyết, nghiêm túc trong từng buổi tập. Anh luôn muốn cản phá được nhiều hơn các “đối thủ” của mình là Forster và McCarthy tại Southampton.
Sau mỗi buổi tập chính, Taylor vẫn thường ở lại với các tiền đạo để giúp họ tập thêm những cú sút xa. “Tôi yêu thích những cuộc tranh đấu, nơi họ cố để đánh bại tôi. Còn bản thân, tôi không bao giờ để họ đánh bại mình”.