Vừa đặt cọc phòng trọ ở Hà Nội vào ngày 13/2, Minh Phương (19 tuổi, Hải Phòng) hoang mang khi trường đại học thông báo hoãn kế hoạch học tập trung vì đại dịch.
Do đã ký hợp đồng nửa năm và cọc một tháng tiền nhà, nữ sinh này đành tiếp tục nán lại thành phố, học online tại nơi ở mới thuê.
"Tôi vừa đóng 8 triệu đồng tiền nhà, không thể hủy được nữa. Chỉ vài ngày trước, tôi phấn khởi khi vượt qua 'cuộc chiến tìm trọ', giờ lại thất vọng do sự thay đổi đột ngột này", nữ sinh năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Giống như Minh Phương, nhiều sinh viên vừa lên Hà Nội thuê trọ, chuẩn bị trở lại học trực tiếp rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi nhà trường hủy kế hoạch bởi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh.
|
Nhiều bạn trẻ băn khoăn giữa việc tiếp tục ở lại Hà Nội học online, hoặc trả phòng trọ để về quê khi trường đại học hủy, dời lịch học trực tiếp. Ảnh: Việt Linh.
|
Hụt hẫng
Chia sẻ với Zing, Minh Phương cho biết cô bắt đầu tìm phòng trọ từ 4 tháng trước. Vừa học online tại nhà, cô vừa tham gia nhiều nhóm môi giới trên mạng xã hội tìm nơi ở gần trường và bạn cùng nhà.
"Khi đó, tôi nghe nói một số trường dự định cho sinh viên đi học trở lại nên bắt đầu xem nhà qua mạng, phòng trường hợp nhận thông báo đột xuất. Ai ngờ, dịch bệnh căng thẳng khiến lịch học tập trung bị hoãn hết lần này tới lần khác", cô kể.
|
Minh Phương quyết định ở lại Hà Nội học online, chờ thông báo mới từ nhà trường.
|
Vài tuần trước, trường đại học của Phương đã có thông báo về kế hoạch quay trở lại học tập trung. Nữ sinh này đã sắp xếp lên Hà Nội sớm để kịp chọn phòng trọ rẻ, sạch sẽ, gần trường.
"Thời điểm này, nhiều sinh viên cũng ráo riết đi 'săn trọ' để chuẩn bị đi học từ giữa tháng 2 hoặc đầu tháng 3, nên tìm được chỗ ở hợp lý không dễ.
Vì đó, tôi thấy hụt hẫng khi lại phải học online đột ngột, rơi vào thế bị động vì không biết bao giờ mới được gặp bạn bè, thầy cô".
Đọc thông báo hoãn lịch học tập trung, Bảo Ngọc (19 tuổi, Thái Nguyên) nửa thấy thất vọng, nửa may mắn. Chỉ một ngày trước khi nhận thông báo hủy đến trường, cô mới hẹn chủ thuê để ký hợp đồng phòng trọ.
"Đáng lẽ đầu tháng 3, tôi sẽ được học trực tiếp nên chỉ nhờ bạn bè đi xem phòng và đặt cọc trước. Ai ngờ tiền còn chưa đưa mà đã phải hủy. Dù chủ nhà đã thông cảm, tôi vẫn thấy tiếc vì sợ đến lúc đi học lại sẽ không tìm được nơi ở giá hợp lý, gần trường như thế nữa", Ngọc kể.
|
Chưa kịp mừng vì thuê được phòng ở sau "cuộc chiến tìm trọ" vài tuần trước, nhiều sinh viên lại băn khoăn khi phải tiếp tục học online. Ảnh: Việt Linh.
|
Nữ sinh này cho biết cô vốn thuộc diện được lưu trú tại KTX, song phải chủ động tìm chỗ ở bên ngoài một thời gian do nơi này được trưng dụng làm khu cách ly.
Do còn chưa quen đường sá và nhu cầu tìm trọ tăng cao đột ngột, Ngọc gặp khó khăn khi tìm chỗ ở. Chưa kịp mừng khi chọn được phòng trọ vừa ý, cô lại hoang mang trước sự thay đổi nhanh chóng này.
"Mãi mới chọn được chỗ ở với giá 2 triệu đồng, chỉ cách trường 100 m, sẵn sàng tinh thần đi học lại mà giờ lại hủy bỏ hết. Tôi bối rối vì chưa thể trải nghiệm cuộc sống sinh viên, dù đã nhập trường được 10 tháng", cô nói.
Thấp thỏm
Dù tuần sau phải có mặt Hà Nội để chuẩn bị đi học, Nguyễn Thị Quỳnh Mai (19 tuổi, Thái Nguyên), sinh viên năm nhất của Học viện Tài chính, vẫn chần chừ chưa cọc tiền trọ.
Số ca F0 ở Hà Nội tăng chóng mặt, cùng với việc một trường đại học trên địa bàn hủy kế hoạch đón sinh viên trở lại càng khiến cô thêm hoang mang.
“Tôi đã chuẩn bị tinh thần để xa nhà, nhưng chỉ lo lên đến nơi lại phải về”, cô nói.
|
Quỳnh Mai cân nhắc về việc đặt tiền cọc thuê trọ ở Hà Nội sau khi thấy một số trường hủy, dời lịch học tập trung.
|
Theo thông báo chính thức, Quỳnh Mai và các sinh viên khác sẽ trở lại trường vào ngày 28/2. Cô bắt đầu tìm trọ dần trên mạng xã hội. Chị gái và người quen tại Hà Nội sẽ giúp cô đến tận nơi xem nhà.
Cô cho biết thông báo của học viện được đưa ra hơi muộn nên số lượng phòng thuê sạch đẹp, an toàn và gần trường không còn nhiều. Mất khá nhiều thời gian để Quỳnh Mai tìm được trọ phù hợp. Dự định tuần tới, cô sẽ đặt tiền cọc.
“Tuy nhiên, tôi đang rất cân nhắc. Nếu không đặt cọc bây giờ, tôi sẽ mất phòng. Nhưng nếu đặt cọc ngay, lỡ trường tôi tiếp tục cho sinh viên học trực tuyến thì sao?”, cô chia sẻ.
Quỳnh Mai đã dành phần lớn thời gian năm nhất đại học trên giảng đường online.
Cô thừa nhận khối lượng kiến thức đại học lớn hơn rất nhiều so với thời THPT, và học trực tuyến có những bất cập nhất định nhưng cô vẫn tiếp thu được nhờ sự nhiệt tình chỉ dẫn của các thầy cô.
Cô cũng làm quen được với nhiều bạn mới và gia nhập câu lạc bộ của nhà trường thông qua mạng xã hội. Do đó, những tháng ngày học tập online của Quỳnh Mai phần nào bớt khó khăn.
Mặt khác, Quỳnh Mai vẫn có chút tiếc nuối vì chưa có cơ hội gặp thầy cô, bạn bè trực tiếp, cũng như chụp bức ảnh kỷ niệm tại ngôi trường đại học.
“Với tôi, việc học trực tuyến hay trực tiếp đều có những lợi ích, bất cập riêng. Tôi có thể thích ứng với mọi hình thức. Lúc này, tôi chỉ mong rằng nếu có sự thay đổi nào, nhà trường hãy sớm đưa ra quyết định để tôi và các sinh viên khác không rơi vào thế bị động, hoặc mất khoản tiền cọc trọ”, cô nói.