Show hẹn hò, sống chung với người yêu cũ gây tranh cãi ở Hàn Quốc

Google News

Gần 10 chương trình hẹn hò, sống chung với người yêu cũ lên sóng giờ vàng khiến khán giả nhàm chán, nghi ngờ về tính chân thực.

We Got Divorced, chương trình thực tế có các cặp tái hợp sau khi chia tay, ly hôn khởi chiếu vào tháng 11/2020, đã tạo được tiếng vang với khái niệm "show hẹn hò kiểu mới". Trước đó, rất hiếm cho các cặp vợ chồng đã ly hôn xuất hiện cùng nhau trong một chương trình ở Hàn Quốc.

Sau thành công của We Got Divorced, gần 10 chương trình hẹn hò dành cho các đôi đã chia tay hoặc ly hôn, chẳng hạn như EXchange hay First Love, Again, xuất hiện và chiếm sóng khung giờ vàng của nhiều kênh truyền hình tại Hàn Quốc, theo The Korea Times.

Show hen ho, song chung voi nguoi yeu cu gay tranh cai o Han Quoc

Gần 10 chương trình hẹn hò lên sóng truyền hình Hàn Quốc trong vài tháng qua. Ảnh: I am Solo/SBS.

Bùng nổ

Nền tảng phát trực tuyến Tving công chiếu mùa hai của chương trình Exchange vào ngày 15/7, sau khi mùa đầu tiên ra mắt hồi năm ngoái có tỷ suất người xem ấn tượng.

Chương trình đưa các thí sinh, những người đã chia tay vì nhiều lý do, đến sống cùng nhau. Trong khi suy nghĩ về mối quan hệ và cuộc chia tay trước đây, những người này tích cực tương tác để xác định xem họ muốn tìm một tình yêu mới hay quay lại với người cũ.

First Love, Again, chương trình hẹn hò mới trên kênh truyền hình cáp MBC every1, cũng có format tương tự, xoay quanh những người gặp lại mối tình đầu sau nhiều năm xa cách.

Các thí sinh mời mối tình đầu của họ đến ngôi nhà chung với những người độc thân khác. Họ vừa dành thời gian ôn lại kỷ niệm cùng người cũ, vừa dành cơ hội tìm hiểu những thí sinh khác.

"Cảm giác mà bạn có khi gặp lại mối tình đầu thật khó để diễn tả bằng một từ. Bạn có thể trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau thông qua chương trình của chúng tôi", Kim Ye-rin, nhà sản xuất của chương trình, mô tả.

Show hen ho, song chung voi nguoi yeu cu gay tranh cai o Han Quoc-Hinh-2

Change Days của Netflix giúp các cặp đôi quyết định có nên chia tay hay không. Ảnh: Netflix.

KBS cũng tung ra một chương trình thực tế với các cặp đã chia tay, Love Recall, hồi giữa tháng 7. Diễn viên Sung Yu-ri, thành viên nhóm nhạc K-pop Highlight Son Dong-woon, diễn viên hài Yang Se-hyung, nhân vật truyền hình Jang Young-ran và rapper Gree tham gia chương trình trong vai trò MC, bình luận viên.

Trong mỗi tập, show hẹn hò theo chân những thí sinh khác nhau, những người này đều mong muốn đoàn tụ với bạn gái hoặc bạn trai cũ.

Những người tham gia gặp mặt trực tiếp với người yêu cũ để nói về cuộc chia tay trước đây của họ, đồng thời diễn tả cảm xúc hiện tại để có cơ hội nối lại tình xưa.

"Đã có rất nhiều chương trình hẹn hò có sự góp mặt của một nhóm nam và nữ mong muốn tìm kiếm tình yêu. Nhưng tôi cảm thấy còn thiếu những chương trình mô tả cảm xúc mà các đôi đã chia tay phải trải qua", nhà sản xuất chương trình Hwang Sung-hoon cho biết trong một cuộc họp báo đầu tháng này.

Còn chương trình hẹn hò Change Days của Kakao TV tuyên bố sẽ giúp các cặp đôi xác định nên chia tay hay tiếp tục mối quan hệ.

Chương trình cũng phát trên Netflix, xoay quanh các cặp đôi ngoài đời thực đang trên bờ vực đổ vỡ tình yêu.

Dành thời gian cho một kỳ nghỉ lãng mạn, 4 cặp đôi cố gắng khám phá cảm xúc của họ để quyết định xem họ nên hàn gắn mối quan hệ hiện tại hay theo đuổi tình yêu mới.

"Chúng tôi muốn nắm bắt vấn đề thực tế của các cặp đôi có thực. Chúng tôi muốn mang đến những khoảnh khắc mà người xem có thể đồng cảm, thấy chính mình trong đó", nhà sản xuất Lee Jae-seok cho biết tại buổi họp báo ra mắt chương trình.

Tranh cãi

Sự bùng nổ của các show hẹn hò, sống chung với người yêu cũ cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều khán giả nghi ngờ về tính chân thực của các chương trình, trong khi số khác cảm thấy nhàm chán vì nội dung show hẹn hò na ná nhau, chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ.

Nhà phê bình văn hóa Hwang Jin-mi nói với The Korea Herald rằng khán giả Hàn Quốc ngày càng "bội thực" vì chương trình hẹn hò thực tế phủ sóng truyền hình.

"Vì có quá nhiều show hẹn hò vào thời điểm hiện tại, người xem có thể cảm thấy mệt mỏi khi xem những chương trình có vẻ giống hệt nhau, được trình bày với sự khác biệt rất nhỏ về hình thức", nhà phê bình nói.

Ngoài ra, các chương trình này còn gây lo ngại khi khai thác quá sâu vào cuộc sống đời tư của thí sinh và người thân của họ.

Sự tái hợp của một trong những cặp ngôi sao là ca sĩ Eli Kim (cựu thành viên nhóm UKiss) và nhân vật truyền hình Ji Yeon Soo trong chương trình Love Again thu hút sự chú ý của người xem.

Một cảnh quay cho thấy con trai của hai người bám lấy cha sau thời gian dài xa cách và cầu xin cha mẹ sống cùng nhau. Chương trình đạt được tỷ suất người xem cao nhất là 7% chỉ sau khoảng 4 tập của mùa 2.

Show hen ho, song chung voi nguoi yeu cu gay tranh cai o Han Quoc-Hinh-3

Hình ảnh trẻ em xuất hiện trong show hẹn hò nói về chia tay, quay lại với tình cũ, ly hôn, tái hôn gây tranh cãi. Ảnh: Divorced Singles/MBN.

Chương trình hẹn hò thực tế Divorced Singles kể về những người đã ly hôn có cơ hội tìm thấy tình yêu mới. Nội dung xoay quanh toàn bộ quá trình các đôi chuẩn bị cho đám cưới và gặp gỡ gia đình hai bên.

Có những khoảnh khắc giật gân hoặc rơi nước mắt trong chương trình, chẳng hạn cảnh hai nhân vật sống cùng nhau và quá trình con riêng hình thành sợi dây gắn kết với cha dượng. Từ đó, mọi người tìm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mới.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern-sik nói rằng, việc giới thiệu các nhân vật nhỏ tuổi có khả năng dẫn đến các vấn đề vi phạm quyền riêng tư trong tương lai.

"Sau này, những đứa trẻ đó có thể đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư của chúng. Khi lớn lên, các em xem lại những thước phim hoặc một phần cuộc sống mà có thể bản thân không muốn tiết lộ với công chúng, điều này sẽ trở thành vấn đề", ông nói.

Nhà phê bình cũng chỉ ra rằng các chương trình có quảng cáo sản phẩm thường khiến người xem tin rằng nhân vật thực sự sử dụng sản phẩm đó trong cuộc sống hàng ngày. Việc này đe dọa đến yếu tố "thực tế" của các chương trình vì nó có thể gây hiểu lầm cho người xem.

"Nhiều khả năng việc quảng cáo sản phẩm làm lu mờ tính xác thực của các chương trình vốn có định dạng thực tế. Trong nhiều trường hợp, các nhân vật sẽ sử dụng sản phẩm được quảng cáo hoặc ghé thăm một địa điểm mà họ thường không sử dụng hoặc lui tới nếu không quay chương trình. Tuy nhiên, khi xem chương trình, khán giả có cảm giác những sản phẩm đó như một phần trong cuộc sống của các nhân vật", ông Kim nhận định.

Theo Lê Vy/ZingNews

>> xem thêm

Bình luận(0)