Với định hướng đi du học ngay từ khi còn nhỏ và có quá trình chuẩn bị từ năm học lớp 10, trong đợt tuyển sinh 2020 - 2021, Yến Lan đã nộp hồ sơ học bổng vào 18 trường đại học.
Tháng 4/2021, Yến Lan nhận tin trúng tuyển vào ĐH Pennsylvania với mức học bổng gần 7 tỷ đồng cho 4 năm đại học. ĐH Pennsylvania (UPenn) là một trong 8 trường thuộc nhóm Ivy League danh giá ở Mỹ.
“Kỳ tuyển sinh năm nay, trường nhận được số hồ sơ đăng ký xét tuyển cao kỷ lục - hơn 56.000. Điều này khiến tỷ lệ thí sinh được chấp nhận ở mức rất thấp, chỉ 5,68%, tức hơn 3.200 sinh viên. Vì vậy, khi nhận thư báo trúng tuyển, mình đã vô cùng vui mừng và sung sướng”, Lan nói.
Chia sẻ về quá trình giành học bổng 100% của ĐH UPenn, Yến Lan cho biết, đặt mục tiêu đi du học ngay từ khi còn nhỏ, vì vậy khi đỗ vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cô đã vạch rõ và phân chia thời gian cho việc học tập, ôn thi SAT, IELTS và tham gia các hoạt động ngoại khóa phù hợp nhất.
Năm lớp 10, Yến Lan bắt đầu chuẩn bị hồ sơ, từ việc đăng ký ôn luyện SAT. Theo Lan, đây cũng là việc khó nhất trong quá trình làm hồ sơ ứng tuyển vào các trường ở Mỹ.
Tháng 3/2019, Yến Lan thi SAT lần đầu và chỉ đạt 1470 điểm. Với mức điểm này, Lan tự nhận thấy mức độ cạnh tranh là không lớn.
Vì thế, Lan tiếp tục ôn thi. Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, phải mất gần một năm, Yến Lan mới nâng điểm SAT lên 1540. Trong khi đó, phần thi SAT II môn Toán và IELTS lại không mấy vất vả. Ngay lần thi đầu tiên, Lan đạt điểm tuyệt đối 800/800 SAT II và 8.0 IELTS.
Với bài luận chính cũng là bài quan trọng nhất, Lan đã chọn chủ đề: Nói về một thành tựu, sự kiện hoặc một phát hiện đã giúp bản thân trưởng thành và hiểu rõ người khác hơn.
Với bài luận này, Lan viết về những lần đi siêu thị với mẹ, mình luôn để ý những bao bì sản phẩm và luôn suy nghĩ vì sao nó lại được trang trí thiết kế như thế. Kết thúc bài luận, Lan nói về quá trình đi tìm hiểu về những ảnh hưởng mà vẻ bề ngoài có lên bộ não con người.
“Bài luận nghe có vẻ đơn giản nhưng khi nhà tuyển sinh đọc được họ phải biết được mình là một người có tính cách như nào để đánh giá toàn bộ con người mình”, Lan nói.
"Các hoạt động mình tham gia phản ánh đúng những đam mê và sở thích, cũng như liên quan đến ngành học mà mình định chọn”, Lan nói.
Yến Lan từng là Bí thư Chi đoàn, Trưởng ban PR CLB Society of Open Science (câu lạc bộ Khoa học lớn nhất trường), Phó Chủ tịch CLB Văn hoá The Intermediaries, thành viên PR CLB Robot GART6520 và Ban Mẫu CLB Thời trang LaMode. Ngoài ra, Lan đã lọt Top 20 cuộc thi Đại sứ Ams Ambassador 2020.
Không chỉ vậy, Yến Lan còn có cơ hội thực tập tại dự án phi lợi nhuận nhằm phát triển các loại thuốc thay thế của các tiến sĩ từ ĐH Chicago.
Cũng từ việc tham gia các hoạt động, Yến Lan nhận ra bản thân thích các công việc liên quan đến Khoa học Máy tính và một mảng xã hội nào đó liên quan đến giáo dục hay tâm lý.
Tìm kiếm trên mạng, Lan thấy ngành Cognitive Science (Khoa học Nhận thức) phù hợp với tất cả mong muốn của mình, bao gồm cả Tâm lý học, Triết học, Khoa học Máy tính.
"Mình xác định sẽ học ngành Khoa học Nhận thức theo hướng Khoa học Máy tính để học về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học Giáo dục", Lan chia sẻ.
Nói về bí quyết để chinh phục hồ sơ học bổng các trường đại học Mỹ, Lan cho biết, trường nhìn nhận các ứng viên ở nhiều góc độ khác nhau, không đơn thuần là phụ thuộc vào điểm cao. Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ, mọi người tìm hiểu kĩ về trường xem trường thích những bạn học sinh như nào, và mình có thuộc top học sinh đó không.
Đối với hồ sơ của Lan, do có sự trải dài và mình biết cách để hồ sơ nổi bật trong mắt nhà tuyển sinh. Với bài luận và hoạt động ngoại khoá, Lan biết cách thống nhất sao cho miêu tả được đúng con người, phù hợp tiêu chí của trường.
Hiện tại, Yến Lan cùng với các bạn trong nhóm của CLB Vietcode đang phát triển một website dành riêng cho các bạn học sinh muốn làm hoạt động ngoại khoá.
Tới đây, Yến Lan sẽ bắt đầu hành trình mới tại ĐH Pennsylvania. Tuy lo lắng về tình hình dịch bệnh, nhưng Lan hy vọng chuyến bay đến Mỹ diễn ra thuận lợi để bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ, mang những kiến thức ấy trở về cống hiến cho quê hương.