Trò chơi quái lạ
Đám cưới là một phong tục văn hóa trong hôn nhân nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận của xã hội và các bên thành hôn về cuộc hôn nhân của đôi nam nữ. Vì vậy, ngày tổ đám cưới được gọi là ngày vui, ngày hỉ.
Để đảm bảo cho ngày cưới được vui nhộn, tưng bừng, không khí tiệc cưới náo nhiệt, ở nhiều nơi, nhiều vùng tại Trung Quốc đã biến các phù dâu trở thành đối tượng mua vui, với các trò chơi quái lạ.
Trong đó, một trò chơi mang tên "tìm lạc rang" hay "mò đậu phộng" đặc biệt nở rộ. Theo như trò chơi, thì các quan khách nam đến đám cưới tha hồ thò tay vào trong váy áo của phù dâu trẻ trung, xinh đẹp để tìm hạt đậu phộng đi lạc.
Với trò chơi này, có thể là một thanh niên, mày râu hay vài người một lúc cùng thò tay mò mẫn trong váy áo của phù dâu. Các cánh tay cố gắng lần sờ, tìm kiếm, vạch tung váy áo của phù dâu lên, trong khi đám đông xung quanh tung hô, cổ vũ.
Cô phù dâu ngại ngùng, che mặt, che ngực, giữ váy áo nhưng đều vô ích. Thậm chí, đám đông xung quanh còn giữ tay phù dâu, gọi là giúp đỡ người làm nhiệm vụ tìm lạc có thể hoàn thành thuận lợi.
Để không gây ra nhàm chán, các thanh niên trai tráng, cánh mày râu đi đám cưới đã cật lực huy động mọi ý tưởng, nghĩ ra những trò chơi khác nhau. Nhưng đa phần, các trò chơi đều chỉ là biến thể của trò "tìm lạc rang".
Có phù dâu chịu cảnh để cho quan khách tìm lạc rang trong váy, có phù dâu chịu cảnh để quan khách (bịt mắt) sờ soạng khắp người, có phù dâu bị vật ra đất xé váy áo, nhiều phù dâu lại bị cả nhóm khách nam sàm sỡ tập thể trên giường cưới...
Phù dâu phải tự nguyện "xả thân"
|
Một phù dâu ở Trung Quốc bị xé trang phục tả tơi |
Theo quan niệm của những vùng miền tổ chức trò mua vui với phù dâu này ở Trung Quốc, thì đây là nghi thức xua đuổi linh hồn quỷ dữ. Nếu như trong thời phong kiến, sự xuất hiện của phù dâu là để giúp cô dâu tránh bị bắt cóc mất, thì ngày nay, phù dâu là người xua đi điềm gở, vận xui trong đám cưới.
Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ, thay vì tạo ra tập tục, nghi lễ tốt đẹp thì một số bộ phận lại biến đám cưới trở thành một nơi ô hợp, chứa đựng những điều dung tục. Trong đó, phù dâu là nạn nhân bất đắc dĩ và khốn khổ nhất. Họ thường xuyên bị khách dự cưới quấy nhiễu, thậm chí là xâm hại tình dục.
Thực chất của những trò chơi này là các đấng mày râu sau khi đã tan tiệc linh đình, rượu chè no nê được mặc sức sàm sỡ, làm nhục cơ thể của phù dâu, bao gồm cả những vùng nhạy cảm như ngực...
Người nhận làm phù dâu trong bữa tiệc theo đó cũng phải gánh vai trò mua vui này, phải tự nguyện hy sinh bản thân vì gia chủ, vì cô dâu chú rể. Đối mặt với nguy cơ bị quấy rối, lạm dụng tình dục nhưng vẫn phải tươi cười.
Vì hình ảnh và thái độ của phù dâu trong đám cưới sẽ khiến các quan khách đến dự tiệc có hài lòng hay không, có trách mắng gia chủ hay không. Quan trọng hơn, các phù dâu là nguồn cảm hứng để các vị khách hào phóng lì xì phong bao nhiều hay ít.
Thậm chí, có những đám cưới, cả cô dâu ra mặt cho quan khách sờ ngực, mỗi quan khách đều cho lì xì sau mỗi một lần được chạm tay vào vùng kín của cô dâu. Tuy nhiên, phù dâu thường là nhân vật chính trong các trò vui như này.
Và những cảnh tượng phù dâu bị lôi ra trêu ghẹo như này đều được quay video lại, đăng tải lên mạng. Có những phù dâu gần như bị lột hết đồ vẫn phải gắng gượng "xả thân".
Phù dâu tự tử vì nhục nhã
Năm 2015, dư luận Trung Quốc từng rúng động vụ việc một cô gái 16 tuổi tự tử 2 lần sau khi làm phù dâu.
Cô gái này nhận làm phù dâu trong đám cưới của người chị họ, đã bị hơn chục khách nam là bạn của chú rể, nhân lúc "náo động phòng" dồn cô vào góc tường, xé hết váy áo rồi sờ soạng khắp người.
Cảm thấy nhục nhã và phẫn uất, cô đã tìm đến cái chết nhưng may mắn đều được cứu sống kịp thời.
Tháng 9/2016, một phù dâu 28 tuổi đã tử vong khi bị các khách nam ép uống quá nhiều rượu trong một đám cưới ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam.
Bị sàm sỡ, bị ép rượu, bị ném xuống hồ bơi... nhưng nhiều phù dâu không dám lên tiếng, một phần vì đó là đám cưới của bạn thân, của họ hàng, hoặc không dám báo cảnh sát vì xấu hổ, sợ mang tiếng, không lấy được chồng...
Nhiều cô gái sợ hãi không dám nhận lời làm phù dâu trong đám cưới. Theo đó, ở Trung Quốc lại nở rộ dịch vụ cho thuê phù dâu chuyên nghiệp, biết cười, biết uống rượu, nhảy múa, mua vui... với giá khoảng 660.000 đến 2.600.000 đồng/1 phù dâu cho một đám cưới.