Trang Conversation đưa ra ý kiến phản biện lại việc áp đặt cái nhìn tiêu cực lên vấn đề sexting của thanh thiếu niên, trước thông tin một số trẻ em chỉ 6-7 tuổi ở New Zealand gửi ảnh nhạy cảm cho nhau.
Trên thực tế, với các thanh thiếu niên ngày nay, việc trao đổi và chia sẻ hình ảnh khỏa thân hay có liên quan đến tình dục không phải chuyện hiếm.
|
Việc chụp và chia sẻ ảnh khỏa thân qua tin nhắn không còn là chuyện hiếm gặp - Ảnh: Internet Matters |
Một nghiên cứu ở Úc vào năm 2015 cho thấy 49% trong số 2.243 người có độ tuổi từ 13 đến 18 tham gia thử nghiệm từng gửi "sext" (ảnh chụp hoặc video có tính chất tình dục của chính mình) cho người khác. Hơn 2/3 số người được hỏi từng nhận được các hình ảnh, video nhạy cảm.
Truyền thông coi việc "sexting" trong giới trẻ là scandal
Tại New Zealand, việc gửi ảnh nhạy cảm (sexting) trong giới thanh thiếu niên đang trở thành một vấn đề đáng kể. Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi cách giới trẻ giao tiếp cũng như lượng thông tin họ chia sẻ.
Nghiên cứu cho thấy cứ hai thanh thiếu niên thì có một người thực hiện hành động sexting, nhưng rất ít người gặp rắc rối.
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông, ta có thể thấy cách diễn đạt áp đặt ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của độc giả về vấn đề này. Điều đó phản ánh thái độ và ý kiến của cộng đồng lớn hơn về thiếu niên, công nghệ và tình dụng. Chính sự áp đặt này sẽ dẫn đến tầm nhìn hạn hẹp về vấn đề sexting.
Sự áp đặt liên quan đến giới tính, trong đó quy cho nữ giới giữ vai chủ động, và nam giới là người nhận thụ động. Định kiến này có vấn đề do các bằng chứng thu được chưa đủ đưa ra kết luận như trên.
Văn hóa cưỡng bức và sexting
Nhìn chung, không có nhiều bằng chứng cho thấy nữ giới gửi nhiều sext hơn nam. Tuy nhiên, bằng việc tạo ra bối cảnh này, truyền thông chính thống có thể lái theo quan điểm của số đông về nữ giới ở độ tuổi thanh thiếu niên và việc tình dục hóa.
Theo quan điểm tình dục hóa, những thiếu nữ tham gia sexting là nạn nhân của văn hóa đại chúng được tình dục hóa và họ cần được bảo vệ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này bỏ qua vấn đề nữ quyền và khả năng rằng sexting có thể là một phần của biểu hiện tình dục tự nhiên.
Với các nam thanh thiếu niên, sexting thường gắn với hậu quả về mặt pháp luật. Ví dụ, tiêu đề báo nhắc đến việc họ nhận được tin nhắn sext, và sau đó bị kết tội theo luật về khiêu dâm trẻ em. Tuy nhiên, nếu họ là người gửi tin nhắn sext, mọi chuyện sẽ được quy là "con trai ấy mà".
Thật khó hình dung một tình huống trong đó một em gái gửi sext được coi nhẹ nhàng như vậy.
Thay đổi cách tiếp cận
Nhiều tờ báo đã thách thức sự áp đặt của xã hội trong việc coi sexting là tiêu cực. Sự áp đặt này thường không nhắc đến vấn đề về việc đổ lỗi cho nạn nhân hay văn hóa cưỡng bức.
Chính giới trẻ cũng đang đối đầu với những định kiến về sexting. Mục Unslut trên tờ Teen Vogue có nhiều bài về vấn đề này, cũng như cách phân biệt giữa hành vi được đồng thuận và hành vi không được đồng thuận. Mục cũng thách thức sự mong đợi mà xã hội áp đặt lên các em gái.
Ở New Zealand, trang web Em - một website giúp nữ thiếu niên chống lại tấn công tình dục - cũng đi ngược lại ý kiến chung về sexting. Nhắc đến vấn đề chia sẻ hình ảnh trái phép, trang web khẳng định lỗi không nằm ở người tạo ra ảnh, mà là ở người phát tán.
Giáo dục về sext
Việc để các ý kiến trái chiều lên tiếng và lắng nghe giới trẻ, cách nhìn mới về việc gửi ảnh nhạy cảm có thể sẽ được hình thành.
Điều quan trọng là thế hệ trưởng thành cần tham gia cuộc tranh luận này, trò chuyện cởi mở và chân thành với giới trẻ và hỗ trợ họ.
Rõ ràng những hình ảnh khiêu dâm và sexting có chỗ đứng trong giới trẻ New Zealand. Thay vì choáng váng, thông tin này nên là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người lớn lắng nghe, giáo dục và hỗ trợ họ.