Người mẹ Hà Nội đưa 2 con leo núi, chinh phục các đỉnh cao

Google News

Chị Bùi Thị Thu Hằng (44 tuổi) và hai con (Huy 15 tuổi, Mây 9 tuổi) vừa trở về Hà Nội sau hành trình trekking, chinh phục đỉnh Buran Ghati, Ấn Độ.

Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao
Ba mẹ con chị Hằng tại đỉnh Buran Ghati.
Buran Ghati nằm ở độ cao 4.575m so với mực nước biển. Ba mẹ con và 13 du khách Việt Nam khác đã đi bộ suốt 6 ngày, vượt tổng quãng đường gần 40km qua các địa hình khác nhau, trong đó có núi băng tuyết, khi nhiệt độ hạ sâu xuống -5 độ C.Ngày đi bộ ít nhất là 4,3km trong 4 giờ và ngày "khủng khiếp" nhất là đi 8km trong 12 giờ.
Trong 6 ngày trekking thì có tới 5 ngày, đoàn chỉ được "nạp năng lượng" bằng các món ăn chay với bữa sáng gồm bánh và trà, bữa trưa là trứng, bánh mì và bữa tối là khoai tây hầm, rau hoặc đậu. Tới ngày cuối cùng, các hướng dẫn viên phải đi rất xa vào làng mới mua được thịt dê để "tiếp tế" cho đoàn khách.
Ban đêm các du khách ngủ trong lều trại giữa thiên nhiên. 
"Đây là chuyến đi đầy thử thách với tôi và 2 con. Ban đầu, tôi nghĩ chúng khó có thể vượt qua, nhưng thực tế, hai đứa trẻ là 'điểm tựa' cho tôi nỗ lực mỗi ngày.
Hai đêm liền, tôi mất ngủ vì ảnh hưởng của việc thích nghi cao. Bé Mây là người ôm ấp, vỗ về, cầm tay xoa nhẹ cho tôi có thể chợp mắt đôi chút và động viên: ‘Mẹ Hằng cố lên’.
Nhìn các con tự tin tiến về phía đỉnh núi, chỉ có chút uể oải ngày đầu còn những ngày sau không kêu ca, không phàn nàn, không bỏ cuộc, tôi hạnh phúc vô cùng”, người mẹ Hà Nội xúc động bộc bạch.
Đưa con leo núi để “vượt sướng”
Từ khi con còn nhỏ, vợ chồng chị Hằng đã thường xuyên đưa con đi du lịch đó đây. Lúc đó, họ chủ yếu lựa chọn nghỉ dưỡng tại các resort, khách sạn cao cấp.
Thế nhưng, khi con lớn hơn, chị Hằng nhận ra con cần thêm "gia vị" cho những chuyến đi: Đó là chút khó khăn, thách thức khi di chuyển, là sự trải nghiệm tới "tận cùng" với thiên nhiên, tiếp cận rộng, sâu hơn với văn hóa, con người bản địa và là sự nỗ lực vượt qua những "ngưỡng" của bản thân để trở nên dạn dày, hiểu chuyện.
Trở ngại lớn nhất với người mẹ Hà Nội là sự đối lập tính cách của hai con: Bé Mây hướng ngoại, bay bổng, đam mê vận động bao nhiêu thì anh trai trầm lắng, hướng nội bấy nhiêu. Cậu bé thích ở nhà, đọc sách, nghiên cứu tài liệu và xem phim khoa học. Khi đưa hai con tham gia bất cứ chuyến đi nào, chị Hằng cũng phải "phân thân" để dung hòa hai đứa trẻ "trái dấu".
Mùa hè năm 2022, ba mẹ con bắt đầu hành trình “vượt sướng” bằng chuyến phượt xe máy đường dài ở Hà Giang, trèo đèo, tắm sông, tận mắt chứng kiến cuộc sống dân dã của trẻ em vùng cao.
Trong kỳ nghỉ Tết sau đó, vợ chồng chị lại đưa con đi Ấn Độ, trải nghiệm những công trình kiến trúc huyền bí, tận mắt chứng kiến những tập tục văn hóa nghìn năm, thăm khu ổ chuột - nơi các con có thể nhìn thấy cuộc sống cùng cực, khốn khó.

Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-2
Phượt xe máy tại Hà Giang là chuyến "vượt sướng" đầu tiên của mẹ con chị Hằng 

"Các con có những thay đổi tích cực về tinh thần, nhận thức nhưng ở Huy, tôi vẫn chưa thấy con tiến triển tốt hơn về mặt thể chất. 
Huy vốn bị hen suyễn và viêm xoang nên các môn thể thao vận động đều không tốt. Tôi từng cho con đi học bơi ròng rã một năm trời, ngày nào cũng bơi, kể cả những hôm trời lạnh 10 độ C để cải thiện sức khỏe nhưng vẫn không hiệu quả cho đường thở”, chị Hằng cho hay.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-3
 
Cuối năm 2023, chị Hằng bắt đầu tìm hiểu thông tin về du lịch trekking - đi bộ, leo núi. Người mẹ Hà Nội tin rằng, loại hình này có thể phù hợp với hai con, đồng thời giúp Huy cải thiện sức khỏe, các kỹ năng vận động.
Sau khi có ý tưởng, chị Hằng "lên dây cót tinh thần" và vận động con. Tháng 12/2023, ba mẹ con lên đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn (cao 2.860m). Chuyến trekking đầu tiên, theo chị Hằng kể, "thấm đẫm nước mắt dù chỉ sứt tí chân, đau bụng, táo bón…”.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-4
 Ba mẹ con có chuyến chinh phục Lảo Thẩn đầy vất vả
Nhưng chỉ 10 ngày sau, Huy và Mây lại tiếp tục theo mẹ vượt cái rét căm căm để chinh phục đỉnh Sa Mu cao 2.756m. Lần này, hai đứa trẻ đã thích nghi tốt hơn, biết cách thở sâu, chân bước nhỏ, đều, tay chống gậy chắc chắn, tự tin bước đi trên những đoạn đường hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút.
"'Những đứa con thành phố’ đã hiểu khi nào cần đứng thẳng, lúc nào phải khom lưng, hạ mình, lết mông hay bò khi cần thiết", chị Hằng nói.
Tới tháng 3/2024, ba mẹ con chị Hằng quyết định "chơi lớn", chinh phục liên tiếp hai đỉnh Xin Chải (2.700m) và Pu Ta Leng (3.049m) trong 3 ngày 2 đêm.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-5
 Huy và Mây dần thuần thục những kỹ năng leo núi cơ bản.
"Những hành trình leo núi giúp tôi và con học được vô số điều, nhất là kỹ năng vận động, sinh tồn. Huy dần vượt qua chứng sợ độ cao, chứng sợ tiếng ồn lớn và chứng sợ vận động - những điểm yếu 'chí mạng' của con trước đây”, chị Hằng kể.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-6
 
Kỳ nghỉ hè là thời điểm 2 đứa trẻ được nghỉ dài ngày nhất. Tuy nhiên đây không còn là mùa thích hợp cho các chuyến leo núi ở khu vực phía Bắc do nắng nóng và mưa nhiều. Đó là lí do khiến chị Hằng nghĩ tới việc đưa con “xuất ngoại”, thử trải nghiệm cung trekking các đỉnh núi nước ngoài.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-7
 
6 ngày trekking chinh phục Buran Ghati
 Chị Hằng vô tình đọc bài chia sẻ về hành trình Buran Ghati và lập tức bị thu hút. Người mẹ Hà Nội không bỏ qua cơ hội rủ con đồng hành.
“Khi con đồng ý, tôi liên hệ với bạn dẫn đoàn thì bạn thẳng thắn từ chối. Lí do là bởi quãng đường trekking dài ngày, cộng với độ cao từ 2.800 - 4.500m nên đòi hỏi rất cao về thể lực, sức bền.
Trước đây, chưa từng có trẻ em tham gia hành trình tour của bạn ấy. Du khách có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, hen suyễn, động kinh cũng được khuyến cáo không nên tham gia chuyến đi”, chị Hằng kể.
"Tôi là người trực tiếp đồng hành cùng con qua các hành trình khác nhau, nhìn các con tiến bộ hơn mỗi ngày nên tôi tự tin Huy và Mây có thể chinh phục được thử thách này.
Ba mẹ con xác định, nếu có bất cứ mệt mỏi nào ngoài khả năng chịu đựng của bản thân, hoặc có sự cố… thì sẽ lập tức trở về, không đặt nặng việc phải lên đỉnh thành công. Cứ đi rồi sẽ tới đích, còn nếu sợ hãi thì mãi mãi chúng tôi không bao giờ dám bước", chị nói thêm. 
Sau đó, chị Hằng phải đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục, đồng thời ký giấy xác nhận đủ sức khỏe để có thể được tham gia.
Chị Hằng cũng đăng ký thuê thêm 2 porter hỗ trợ riêng cho các con, bên cạnh nhóm porter, hướng dẫn viên của đoàn. Ba mẹ con đi trong “lặng lẽ”, “không dám hé răng” với ông bà nội, ngoại. Chồng chị Hằng là người duy nhất biết về chuyến đi.
Ngày 23/5, ngay sau khi đón các con từ trường về nhà, chị Hằng đưa con ra sân bay để bay chuyến đêm từ Hà Nội sang Delhi. Hai đứa trẻ lần đầu trải nghiệm cảm giác ngủ tại sân bay trong lúc chờ nối chuyến đến vùng Chandigarh.
Sáng 24/5, đoàn di chuyển thêm 260km đường núi, đèo bằng ô tô, trong 9 tiếng mới có thể tới làng Janglik - nơi bắt đầu hành trình leo núi. Ba mẹ con ngủ một đêm trong nhà trọ địa phương, chờ xuất phát vào hôm sau.
Hành trình bắt đầu từ khu vực có độ cao 2.804m so với mực nước biển. Đoàn du khách Việt băng qua những ngôi làng, những cánh đồng cỏ xanh rộng lớn, khu rừng rậm rạp.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-8
 Bé Mây thích thú với khung cảnh mà trước đây chỉ thấy trên tivi.
"Hành trình ngày đầu tiên kéo dài 7,7km, chưa quá trắc trở nhưng tôi cảm thấy bị "vượt ngưỡng" do cơ thể quá mệt mỏi sau một tuần tập trung giải quyết công việc để chuẩn bị cho chuyến đi, cộng thêm lịch bay đêm, di chuyển đường dài.
Tôi vừa phải thích nghi với độ cao tại đây vừa nơm nớp dõi theo, chăm sóc bọn trẻ. Ngày đầu, hai đứa trẻ còn chưa thực sự thích thú, uể oải. Tôi vừa phải động viên, thúc giục lẫn ra lệnh”, chị Hằng nhớ lại.

Đỉnh điểm là tới bữa ăn, do chỉ có đồ chay nên Huy và Mây "khó nuốt", "gẩy gẩy vài ba hạt cơm”. Lúc này, người mẹ bật khóc vì bất lực, tự trách mình đã không lường trước để chuẩn bị đồ ăn phù hợp cho con.
Tối hôm đó, chị Hằng quyết định "mở cuộc họp nội bộ”. Ba mẹ con trao đổi thẳng thắn về việc “đi tiếp hay quay về”. Cuối cùng, hai đứa trẻ lựa chọn tiếp tục hành trình vì không muốn trở thành "kẻ bỏ cuộc”.
Buổi họp phát huy tác dụng ngay ngày thứ 2. Gia đình nhỏ cùng các vị khách dậy sớm để ngắm bình minh, tận hưởng khung cảnh đồng cỏ xanh bát ngát bên tách trà nóng. Hành trình gần 6km trong ngày chủ yếu đi qua rừng, đồng cỏ và những dòng suối nhỏ, nhiệt độ từ 11-15 độ C, thời tiết rất đẹp.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-9
 Chuyến trekking cùng đoàn du khách giúp Mây và Huy có thêm nhiều động lực
Ba ngày tiếp theo, những đứa trẻ càng đi càng hào hứng khi tận mắt chứng kiến nhiều cảnh quan thiên nhiên ấn tượng như hồ Chandar Nahan - nơi được hình thành bởi tuyết tan từ những ngọn núi bao quanh, rảo bước qua con suối róc rách dưới bóng của những đỉnh núi phủ đầy tuyết.
Dù từng có 3 chuyến trekking tại Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên chị Hằng và hai con đi theo đoàn. Trước đó, chị thường đặt tour cá nhân vì lo các con còn nhỏ, có thể gây ảnh hưởng tới lịch trình của mọi người.
"Nhưng tôi đã sai. Khi đi cùng đoàn, các con bắt nhịp rất nhanh với thói quen của các anh chị, cô chú khác. Những ngày sau, hai bạn thậm chí có thể tự thức dậy đúng giờ, vệ sinh cá nhân mà không cần mẹ thúc giục, dù ngày hôm trước di chuyển rất mệt”, chị Hằng kể.
Trên hành trình, nhiều thành viên trong đoàn gặp sự cố sức khỏe khi khó thích nghi với độ cao như nôn, đau đầu, mất ngủ... Đặc biệt, một bạn gái sốt 40 độ C suốt 2 ngày và một bạn khác trật khớp chân.
Tuy nhiên, họ không hề bỏ cuộc, vẫn tiếp tục hoàn thành hành trình cùng đoàn. Điều này khiến chị Hằng, Mây và Huy rất ngưỡng mộ, như được tiếp thêm động lực.
"Trước đây, khi chỉ có 3 mẹ con và các cô, chú porter, nhiều lần gia đình dỗi nhau, không ai nói chuyện với ai. Nhưng chuyến này, nhất là Huy, con rất cởi mở, nói chuyện nhiều hơn với mọi người.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-10
Ba mẹ con vượt gần 40km trong 6 ngày để hoàn thành tour trekking Buran Ghati. 
Tôi thường đi khá xa các con để âm thầm quan sát. Tôi thấy con cười nhiều, vui vẻ chơi trò chơi, thậm chí hát ca cùng mọi người. Với Mây, điều đó rất bình thường nhưng với cậu bé hướng nội như Huy, đó là sự thay đổi đáng kinh ngạc”, chị Hằng xúc động kể.
Càng tiến lên cao, gần đến Buran Ghati, nhiệt độ càng giảm sâu, xuống mức -5 độ C. Con đường lên đỉnh núi phủ đầy băng tuyết và đá lởm chởm, thách thức với cả người leo núi kinh nghiệm. Nhưng Huy và Mây vẫn tự tin tiến về phía trước.
Huy - cậu bé bị hen suyễn từ nhỏ đã không cần bất cứ thiết bị trợ thở nào, thoải mái cười nói, vui đùa trên đỉnh núi.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-11
 
"Thành công lớn nhất của chuyến đi không phải là mẹ con tôi chạm tới Buran Ghati hay không mà nằm ở việc các con không bỏ cuộc, chiến thắng nỗi sợ vô hình của bản thân.
Giữa đỉnh đèo tuyết trắng, nhìn thấy hai con mạnh mẽ vượt thử thách, tôi biết trải nghiệm này quá xứng đáng để nỗ lực. Dù chính bản thân tôi cũng có lúc tưởng chừng kiệt quệ sức lực", chị Hằng xúc động chia sẻ.
Nguoi me Ha Noi dua 2 con leo nui, chinh phuc cac dinh cao-Hinh-12
 
Trở về Hà Nội sau chuyến đi dài, Huy và Mây vẫn đang có những ngày "ngủ như mèo lười" để tái tạo sức khỏe. Nhưng câu chuyện trekking, chinh phục các đỉnh núi đã “gây cảm hứng” hơn với hai đứa trẻ.
Chị Hằng cũng không còn ngần ngại khi bày tỏ ước mơ chinh phục đỉnh Everest trước tuổi 50 với các con. "Biết đâu đấy, cứ đi sẽ đến, ước mơ sẽ thành hiện thực, nhất là khi tôi có các con đồng hành", người mẹ cười.
Theo Linh Trang/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)