Quần áo ảo, trang phục kỹ thuật số đang trở thành xu hướng mới trong ngành thời trang, theo Vice News.
Thay vì trực tiếp mặc áo sơ mi, quần hay đội mũ, đi giày, khách hàng “mặc” thời trang ảo qua những bức ảnh được chỉnh sửa, photoshop kỹ lưỡng.
Giờ đây, thời trang số được xem như một cách thể hiện bản thân và phô diễn sự sáng tạo.
|
Thời trang và mua sắm trong các cửa hàng ảo có thể là tương lai của ngành bán lẻ.
|
"Miếng bánh" tiềm năng
Thực tế, khái niệm này không hoàn toàn mới. Trước kia, số đông đã quen với việc mua đồ cho các nhân vật trong game, với những trang phục, phụ kiện cũng hoàn toàn là sản phẩm của công nghệ.
Quần áo ảo có thể được mua và bán dưới dạng tài sản tiền điện tử (NFT). Chi tiêu tiền thật vào thời trang kỹ thuật số có thể là sự lãng phí đối với nhiều người. Song nhiều thương hiệu tên tuổi đang gia nhập cuộc chơi mới mẻ này.
Hồi tháng 6, mẫu túi ảo của Gucci thậm chí được bán ra với giá đắt hơn túi thật. Mẫu túi Dionysus thêu ong của hãng có giá 475 Robux (đơn vị tiền tệ trong trò chơi), có giá khoảng 6 USD trong thế giới thật.
Do chỉ chào bán trong một giờ, giá của túi tăng vọt. Cuối cùng, nó được bán với giá 350.000 Robux, tương đương 4.115 USD.
Hiroto Kai là nghệ sĩ kỹ thuật số, có đam mê với Nhật Bản. Anh có tên thật là Noah, 23 tuổi và sống tại New Hampshire, Mỹ.
Hiroto Kai bán mỗi bộ kimono với giá khoảng 140 USD. Trang phục bao gồm những miếng nhung xanh được nghiền nhỏ tinh xảo và trang trí rồng vàng. Anh cho biết mình đã kiếm được 15.000-20.000 USD chỉ trong 3 tuần.
Điều duy nhất khác biệt là áo của anh chỉ tồn tại dưới dạng hình ảnh trên Internet.
|
Một mẫu quần áo được quảng cáo của DressX.
|
Dhanush Shetty (22 tuổi), sống tại San Francisco (Mỹ), cho biết ban đầu việc mua quần áo không có thật nghe kỳ lạ. Nhưng càng về sau, người dùng sẽ thấy việc mua chúng dễ dàng, rẻ hơn và không gây ra nhiều tranh cãi so với việc mua quần áo truyền thống.
“Thông thường, khi bạn mua quần áo, bạn phải xem xét chúng có vừa hay không, trông thế nào khi mặc lên người, thậm chí sản phẩm này có gây hại gì cho môi trường không. Với thời trang kỹ thuật số, các lo lắng không xuất hiện nhiều như vậy”, Shetty cho hay.
Shetty cho biết mình mua một số mẫu thời trang ảo đầu tiên của mình trên DressX, một công ty được thành lập vào tháng 8/2020 tại Los Angeles (Mỹ) và hiện bán các thiết kế của riêng họ cũng như hợp tác với các nhà thiết kế kỹ thuật số khác nhau.
Khách hàng của DressX có thể “thử quần áo” nhờ công nghệ thực tế ảo. Nếu quyết định mua hàng, người mua sẽ tải ảnh của mình lên trang web hoặc ứng dụng. Sau 1-2 ngày, họ sẽ nhận được hình ảnh bản thân mặc sẵn bộ đồ, đã qua chỉnh sửa chuyên nghiệp để vừa với cơ thể.
Phần việc còn lại duy nhất là tải ảnh lên mạng xã hội.
|
Các mẫu quần áo ảo được photoshop kỹ lưỡng để vừa vào thân thể người mặc.
|
Hạn chế tác động môi trường?
Natalia Modenova và Daria Shapovalova - hai người đồng sáng lập DressX - trước đây đều làm việc trong lĩnh vực thời trang và nhận thấy có rất nhiều vấn đề họ muốn góp sức giải quyết.
Theo Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp Quốc, tác động từ ngành công nghiệp thời trang lên môi trường đang trong tình trạng đáng báo động.
Ủy ban ước tính rằng 20% nước thải và 10% lượng khí thải carbon toàn cầu đến từ ngành công nghiệp may mặc. Trong đó, thời trang nhanh với điều kiện làm việc khắc nghiệt bị lên án thường xuyên.
Tuy thời trang “ảo” vẫn phải tính đến các chỉ số tiêu tốn năng lượng khác trong thế giới công nghệ, Modenova và Shapovalova cho biết họ đã tìm ra giải pháp.
“Trong tương lai, mọi người sẽ có trang phục ‘ảo’ để mặc cho mọi dịp khác nhau, từ trên mạng xã hội cho đến trong cuộc gọi điện video, tham dự họp trực tuyến hay đi hẹn hò”, Shapovalova dự đoán.
Một lợi thế khác của thời trang ảo là nó cho phép các nhà thiết kế mới chập chững lập nghiệp không phải lo nghĩ về các khoản chi phí tốn kém khi sản xuất quần áo thật.
Stephy Fung - một nghệ sĩ tại London (Anh) - nhận công việc tạo ra các môi trường 3D cho một chiến dịch thời trang kỹ thuật số. Phần việc của cô là tạo ra khung cảnh cho các bức ảnh “sống ảo”, từ đồ vật, quang cảnh cho đến ánh sáng.
|
Túi Dionysus của Gucci có giá bán hơn 4.000 USD trong thế giới ảo. Ảnh: Jing Daily.
|
“Ban đầu, tôi không biết gì về nó nhưng tôi bị cuốn hút và thích thú khi xem các nhà thiết kế tạo ra quần áo ảo từ con số 0. Sau này, tôi mới nhận ra khả năng đồ họa 3D của mình góp phần vào xu hướng mới này”, Fung nói.
Nữ nghệ sĩ giờ cũng mặc quần áo ảo, cho biết những bộ cánh không có thật giúp bản thân nhìn “ngầu hơn” so với ngoài đời.
“Phần hay nhất của nó là bạn có thể mặc đồ với những đặc điểm không có ngoài thế giới thực như đồ không trọng lực, trang phục phát sáng nhiều màu, sinh động với vô số kiểu dáng”, Fung nói.
Roei Derhi, người sáng lập hãng thời trang kỹ thuật số Placebo, cho rằng thời trang kỹ thuật số giúp người yêu thích váy áo thỏa sức phát huy trí tưởng tượng.
Roei cũng tin rằng thời trang kỹ thuật số là cách bền vững hơn để xây dựng nội dung cho mạng xã hội, vốn là yếu tố thúc đẩy nhiều lượt mua sắm ngày nay.
Theo một nghiên cứu của công ty ngân hàng trực tuyến Barclaycard có trụ sở tại Anh, gần 1/10 người Anh tiết lộ rằng họ đã mua sắm quần áo chỉ để mặc một lần, với mục đích đăng ảnh lên mạng xã hội, sau đó trả lại cho bên bán.
“Nếu quần áo chỉ được sử dụng để sống ảo, thì tại sao không sử dụng quần áo ảo?”, Doddz, một người dùng đến từ Manchester (Anh), đặt câu hỏi.
Doddz cho hay chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi thời trang kỹ thuật số được những người có ý thức về thời trang áp dụng trong thế giới thực.
“Trước khi các bộ cánh chỉ tồn tại trên màn hình xuất hiện, người dùng trẻ thực ra đã quen với các kính râm, mũ ảo thông qua các bộ lọc của Instagram, Snapchat. Các thương hiệu như Gucci, Louis Vuitton và Balenciaga cũng đã kết hợp với game để cho ra mắt BST hàng hiệu ảo”, anh chỉ ra.