Đầu tháng 2, “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người có kênh YouTube tiếng Trung với nhiều lượt đăng ký nhất, cụ thể là hơn 14 triệu lượt theo dõi.
Mở ra xu hướng ẩm thực làng quê, Lý Tử Thất được ca ngợi đã vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Cô thậm chí trở thành biểu tượng của lối sống ẩn dật và tự cung tự cấp - điều đang dần trở thành xu hướng trong đại dịch.
Thế nhưng, xung quanh sự nổi tiếng của “tiên nữ đồng quê” luôn tồn tại vô số tranh cãi. Không chỉ nội dung, khâu sản xuất, cách kiếm tiền từ các video triệu view, Lý Tử Thất còn khiến khán giả phải đặt những câu hỏi lớn hơn vì tính xác thực, thông điệp văn hóa, ẩm thực mà cô truyền tải.
|
Lý Tử Thất là blogger có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc.
|
Mở đầu xu hướng sống ẩn dật
Lý Tử Thất sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc và hiếm khi nói chuyện với báo chí. Trong hầu hết video của mình, cô được New York Times so sánh với "một tiên nữ hay nàng công chúa của Disney với mái tóc được thắt bím tóc cầu kỳ, mặc áo choàng lông trắng và bước đi uyển chuyển trong tuyết".
Đằng sau những hình ảnh lãng mạn, hoài cổ đó là hàng loạt con số có thể gây choáng. Vlogger họ Lý có hơn 20 triệu người theo dõi trên Weibo. Thu nhập trung bình hàng năm của cô rơi vào khoảng 7-8 triệu USD. Tính đến năm 2019, định giá thương hiệu của Lý Tử Thất cũng đã vượt qua 10 con số.
Cuối năm 2019, Lý Tử Thất được vinh danh trong top 15 nhân vật ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc ở hạng mục Nhân vật quảng bá văn hóa.
|
Nữ blogger xây dựng hình tượng "tiên nữ đồng quê" với cách ăn vận cầu kỳ.
|
Những người hâm mộ của Lý, cả trong và ngoài Trung Quốc, nói rằng họ bị cuốn hút bởi phong cảnh làng quê cùng lối sống bình dị trong các sản phẩm của cô.
Họ cảm thấy tiếng chim hót, nhạc cụ - những âm thành đặc trưng trong video của Lý Tử Thất - có khả năng “xoa dịu”, “an ủi”, “chữa lành” tâm hồn.
Theo Sixth Tone, sự nổi tiếng của “tiên nữ đồng quê” không nên được nhìn nhận tách biệt bởi đằng sau đó là cả một xu hướng vượt xa lĩnh vực ẩm thực.
Trong vài năm qua, người Trung Quốc ngày càng quay lưng với làn sóng toàn cầu hóa gia tăng. Họ tìm cách trở về và nắm lấy các cội nguồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc coi việc “hồi sinh” khu vực nông thôn là một trong những mục tiêu chính sách quan trọng của mình.
Lý Tử Thất được coi là một trong những đại diện tiêu biểu của quá trình “hồi sinh” ấy. Sau sự thành công của cô, hàng loạt vlogger ẩm thực, du lịch khác ra đời cũng tập trung khai thác cuộc sống làng quê và lối sống mộc mạc vùng nông thôn. Không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, xu hướng này còn lan rộng sang nhiều quốc gia khác.
Lãng mạn hóa, nói quá về cuộc sống nông thôn?
Sự nổi tiếng của Lý Tử Thất nhiều năm qua đã luôn nằm giữa lằn ranh của khen và chê. Những người tán dương có lý do của họ, trong khi giới phê bình cũng có quan điểm riêng.
Làm sao cô ấy có thể giữ cho bộ Hán phục cầu kỳ không một vết dơ trong khi làm đồng áng? Tại sao cô ấy gần như không đổ mồ hôi? Làm thế nào cô ấy có thể tự làm mọi thứ mà không có ekip đứng sau?
Và câu hỏi lớn nhất là: Liệu Lý Tử Thất có đang đánh lừa hàng triệu người hâm mộ bằng cách thi vị hóa cuộc sống vùng quê?
|
Các sản phẩm của Lý Tử Thất được cho không miêu tả chân thực về cuộc sống làng quê Trung Quốc.
|
Đáp lại, Lý Tử Thất cho biết cô không bao giờ cần kịch bản hay sự sắp xếp đặc biệt nào khi quay một video về cuộc sống nông thôn vì "mọi thứ đều có sẵn trong tâm trí”.
“Ở nông thôn, trồng hoa, rau và cây không khó. Tất nhiên có những yếu tố khắc nghiệt, nhưng tôi đã không đưa chúng vào video của mình”, blogger này nói. “Hầu hết mọi người ngày nay đang phải đối mặt với căng thẳng trong công việc và cuộc sống, vì vậy tôi hy vọng họ có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi xem video của tôi”.
Thế nhưng, lý do này chưa hẳn là tất cả. Nhiều người tin rằng nếu Lý Tử Thất mô tả cuộc sống làng quê với 100% độ chân thực, khán giả chắc chắn sẽ nhanh chóng rời đi.
“Nhiều người hâm mộ của cô ấy hoàn toàn nhận thức được rằng cuộc sống nông thôn có rất ít điểm tương đồng với cách miêu tả đầy thẩm mỹ của Lý. Nói cách khác, họ không quan tâm sự khác biệt đó bởi họ xem không phải để khám phá, học hỏi, mô phỏng mà chủ yếu để giải trí hoặc tiếc nuối”, nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc Dai Wangyun nói.
Ngược lại, cô cũng nhiều lần bị chỉ trích, bị cho rằng đã phơi bày những khía cạnh kém phát triển của làng quê, khi không phải mọi thứ đều phải tự làm như vậy.
"Chúng tôi vẫn có đồ đạc, vật dụng để sinh hoạt. Nhiều món đồ phải đi xa để mua, nhưng vẫn mua được. Cô ấy khiến tất cả nghĩ rằng nếu muốn sống ở làng quê, bạn phải biết làm tất cả, và tạo cho người xem cảm giác cuộc sống nông thôn thật nghèo nàn, lạc hậu", blogger tên Lei Silin từng nói.
Ngày càng mất chất vì chuyển hướng kinh doanh
Bên cạnh nội dung video, Lý Tử Thất còn gây tranh cãi khi mở cửa hàng trực tuyến, rao bán các đồ dùng xuất hiện trong clip của mình. Chiếc áo choàng đỏ cô từng diện được bán với giá gần 100 USD, trong khi các dụng cụ làm bếp như dao, giỏ có giá 30-80 USD.
Cuối tháng 8/2020, tên tuổi của Lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi thương hiệu thực phẩm mang tên cô bị tố bán hàng kém chất lượng, mất vệ sinh.
|
Sự nổi tiếng của Lý Tử Thất luôn đi kèm tranh cãi, hoài nghi.
|
Khi Lý Tử Thất chuyển hướng kinh doanh từ quần áo, dụng cụ làm bếp cho đến thực phẩm, nhiều người đánh giá hình ảnh “tiên nữ đồng quê” ngày càng mất chất vì bị thương mại hóa. Trong khi YouTube bị chặn ở Trung Quốc, Lý Tử Thất lại hoạt động một cách suôn sẻ trên nền tảng này. Điều đó cũng khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi.
Theo Yang Chunmei, giáo sư lịch sử và triết học Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Qufu, “chất” riêng của Lý Tử Thất vốn xuất phát từ xu hướng “Fugu”, phản ánh mong muốn “lãng mạn hóa” của giới trẻ - những người bị “vỡ mộng trước xã hội công nghiệp, tiêu dùng luôn thay đổi ngày nay”.
Giống như nước Mỹ vào những năm 1960, Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng di cư ngược từ thành thị về nông thôn. Không chỉ đại diện cho một xu hướng thịnh hành, Lý Tử Thất còn nhận được sự ủng hộ của chính quyền Trung Quốc khi mang sứ mệnh “xuất khẩu văn hóa” ra nước ngoài.
“Dù vấp phải vô số tranh cãi, Lý Tử Thất giờ đây không còn là một cái tên mà đã trở thành một thương hiệu. Cô ấy đại diện cho một làn sóng ‘quyền lực mềm mới’ của Trung Quốc khi biết cách thu hút khán giả cả trong và ngoài nước bằng những thứ có thể khác xa thực tế và gây hoài nghi”.